Từ việc mở rộng quy mô sản xuất ổn định, Công ty măng Kim Bôi đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.  ảnh: Anh Ngô Đức Sinh kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Từ việc mở rộng quy mô sản xuất ổn định, Công ty măng Kim Bôi đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. ảnh: Anh Ngô Đức Sinh kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

(HBĐT) - Nếu như cái tên Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty măng Kim Bôi (xã Thanh Nông - Lạc Thủy) còn khá lạ lẫm, cái tên Sinh “măng” lại là cái tên đã trở nên quen thuộc với người dân ở các xã vùng sâu, xa, nơi mà cây măng rừng đang trở thành nguồn thu nhập chính. Từ cây măng, đã có nhiều người, nhiều hộ dân thoát nghèo. Hơn thế nữa, việc mở rộng diện tích trồng bương, luồng, trúc lấy măng trên địa bàn tỉnh đang được kỳ vọng là một trong những hướng mở cho nền kinh tế xanh.

 

7 ngày thành... chuyên gia về măng 

Chuyện đến với cây măng rừng cũng là một sự tình cờ với Ngô Đức Sinh khi cách đây 2 năm trong một chuyến đi lên Hòa Bình, anh ghé thăm Công ty măng Kim Bôi. Tại đây, trong cuộc trò chuyện với lãnh đạo Công ty, nhận thấy sự chán chường với măng của những người đứng đầu cộng với đó là tình trạng sản xuất ngày càng đi xuống, đầu ra sản phẩm không ổn định, trong suốt thời gian dài, Công ty làm ăn không có lãi, công việc của người lao động không ổn định. Nhận thấy đây là một cơ hội, anh ngỏ ý muốn mua lại nhà máy. Trước đề nghị đó, những người điều hành Công ty nhận thấy đã đến lúc cần tìm một người quản lý, đầu tư mới để duy trì hoạt động của Công ty, duy trì cái tâm huyết của những người yêu cầu măng xứ Mường này. Chỉ sau 7 ngày, những bản hợp đồng kinh tế được ký kết, những biên bản bàn giao được thống nhất. Ngô Đức Sinh chính thức trở thành Giám đốc mới của Công ty măng Kim Bôi. Anh bảo: trước khi quyết định mua lại cơ sở sản xuất măng Kim Bôi mình cũng chỉ là một kẻ ngoại đạo. Đến việc phân biệt đâu là măng nứa, đâu là măng bương, đâu là măng tre cũng chịu. Thế nhưng trong những ngày thương thảo hợp đồng chuyển đổi, tranh thủ thời gian bất kể thời điểm nào, sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí là đêm để nghiên cứu tìm hiểu về măng. Ngoài nghiên cứu trong các tài liệu chuyên ngành về măng, công nghiệp sản xuất măng và thị trường tiêu thụ, 2 vợ chồng mình còn la cà khắp các chợ đầu mối và cả những nơi có tiềm năng về nguồn cung cấp măng trên địa bàn tỉnh như các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Đà Bắc.... Sự nỗ lực đó đã được đền đáp khi anh đã nắm bắt, hiểu được đặc trưng, tính chất thời vụ của các loại măng ở mức độ như một chuyên gia thực thụ. Chính từ việc nắm rõ đặc trưng, đặc điểm của từng loại măng, anh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm.

 

Tính đến nay, Công ty măng Kim Bôi đã đưa ra thị trường 23 sản phẩm măng. Trong đó có những sản phẩm đặc trưng như: măng đắng xứ Mường đóng gói, măng trúc quân tử, măng khô nấu ngay... Đây là những sản phẩm chưa có ai dám mạo hiểm đầu tư sản xuất bởi sự rủi ro rất cao trong khâu chế biến. Cũng nhờ sự nỗ lực đó, đến nay, sản phẩm măng chế biến sẵn của Công ty không chỉ có mặt rộng rãi tại các siêu thị, chợ lớn ở nhiều địa phương trong cả nước mà đã được xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Ba Lan, Ucraina, Cộng hòa Cezh... Tới đây, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng khi dây chuyền, công nghệ sản xuất được đầu tư hoàn thiện với quy mô, công suất lớn gấp 3 - 4 lần hiện nay.

 

Đầu tư cho kinh tế xanh

 

ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Công ty măng Kim Bôi không phải là quy mô sản xuất đã được mở rộng, công nghệ sản xuất đã được đầu tư, sản phảm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Cũng không phải do Công ty đã tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng cho hơn 30 lao động địa phương mà ấn tượng lớn nhất đó là những dự định, định hướng đang được Công ty triển khai để cây bương, tre trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu ổn định, từng bước góp phần xóa đói - giảm nghèo ở những địa bàn còn khó khăn của tỉnh. Vì thế, trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sinh luôn nhắc đến việc đầu tư cho người dân địa phương trồng bương, trồng trúc và cây măng đắng với một sự say mê như một lão nông thực thụ. Anh bảo: Việc đầu tư mở rộng diện tích trồng bương, luồng, trúc lấy măng là một hướng đi khả thi ở Hòa Bình bởi theo báo cáo điều tra về hiện trạng rừng tre, nứa lại 7 tỉnh gồm: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kim Tum, Đăklăk của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổng diện tích rừng tre, nứa của Hòa Bình là 27.219 ha, phân bố ở 11 huyện, thành phố, trong đó, rừng tre, nứa tự nhiên là 12.784 ha, rừng tre, nứa trồng là 6.973 ha, đứng sau tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Như vậy, xét về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như chế biến măng, mây - tre đan là một hướng đi có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Nắm bắt xu thế đó, Công ty bắt tay vào việc xây dựng dự án mở rộng quy mô trồng các loại cây bương, luồng, trúc lấy măng ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy. Theo đó, dự án này sẽ được triển khai thí điểm ở 6 xã của 3 huyện trên tinh thần đầu tư cây giống, công chăm sóc và phân bón, hỗ trợ người dân cho những năm đầu trồng bương, luồng. Đồng thời, Công ty sẽ ký hợp đồng, cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý cho người dân trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm để tạo sự yên tâm khi người dân tham gia trồng, mở rộng diện tích bương, luồng, trúc lấy măng.

 

Nói với chúng tôi, Sinh măng chia sẻ: với công suất khoảng 200 tấn măng tươi/ngày nhưng chưa bao giờ chúng tôi chạy hết công suất vì không có đủ nguyên liệu. Hiện tại, ngoài việc thu gom nguyên liệu ở Hoà Bình, chúng tôi còn phải mở rộng xây dựng hệ thống chân rết thu mua ở các địa phương khác, trong đó chủ yếu là ở Thanh Hóa. Trên thực tế, so với các loại cây trồng khác theo mô hình phủ xanh đất trống, đồi trọc, tính ra, trồng bương lấy măng còn lãi hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, quá trình khai thác không làm trống đất. Điều này cũng đã được minh chứng rất rõ ở Đồi Thung (xã Quý Hòa - Lạc Sơn) và Đằng Long (xã Bắc Sơn - Kim Bôi). Nhờ cây măng bương mà đời sống người dân đã có sự đổi thay rõ rệt. ông Bạch Công Nghiu, Trưởng xóm Thung 1, xã Quý Hòa cho biết: Nếu như trước đây, một năm có đến 5 - 6 tháng đói, nay đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, thậm chí có thể làm giàu được từ măng. Nguồn thu từ măng trong vụ vừa qua của cả vùng thung đạt hơn 3 tỷ đồng, tính bình quân, mỗi hộ thu hàng chục triệu đồng/vụ. Cũng giống như Đồi Thung, ở xóm Đằng Long, xã Bắc Sơn (Kim Bôi), cuộc sống người dân cũng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ măng. Anh Triệu Văn Tiến cho biết: chính măng bương đã tạo bước đột phá về đời sống người dân. Từ chỗ gần 100% số hộ trong xóm thuộc diện nghèo khó, đến nay đã có hơn 80% thoát nghèo và từng bước vươn lên từ măng.

 

Cây bương, tre đang khẳng định vai trò, chỗ đứng quan trọng trong đời sống người dân ở các xã vùng sâu, khó khăn của tỉnh. Nếu có đầu ra ổn định, một ngành công nghiệp chế biến đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm từ bương, tre thì chính loại cây này sẽ trở thành một trong những hướng mở cho nền kinh tế xanh bền vững.

 

 

                                                                   Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục