Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, cả dân tộc bước vào trận tuyến mới - dựng xây hoà bình, kiến thiết đất nước bằng những công trình mang vóc dáng thế kỷ. Trên con sông Đà hung dữ, hơn 30 nghìn kỹ sư, lính công binh cùng những công nhân xây dựng đã đánh vật với đá núi, với cuồn cuộn nước lũ… để rồi viết nên kỳ tích: Thủy điện Hòa Bình - công trình lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ chính thức phát điện, thắp sáng miền Bắc, mở ra kỷ nguyên mới cho công cuộc công nghiệp hóa.

Thành phố Hòa Bình hôm nay.
Gần
4 thập kỷ kể từ ngày dòng điện hòa lưới quốc gia, thành phố Hòa Bình hôm nay đã
khoác lên mình diện mạo khác: trẻ trung, hiện đại và đầy khát vọng. Từ một thị
xã nhỏ bé ven sông Đà, thành phố đã trở thành trung tâm hành chính - kinh tế -
văn hóa của tỉnh, nỗ lực vươn mình để xứng đáng là đầu tàu phát triển vùng Tây
Bắc.
Đầu
năm 2025, thành phố Hòa Bình chính thức được công nhận là đô thị loại II sau
hành trình bền bỉ và nhiều quyết tâm. Từ mốc thị xã cũ được nâng cấp năm 2006,
đến sự kiện sáp nhập toàn huyện Kỳ Sơn năm 2020, rồi loạt hạ tầng chiến lược
như cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Hữu Nghị, cầu Thống Nhất, các khu đô thị mới,
tuyến đường huyết mạch kết nối vùng lõi và quốc lộ... đã biến thành phố Hòa
Bình thành một đô thị năng động, hiện đại, diện tích gần 350 km², với 19 đơn vị
hành chính.
Không
chỉ có hạ tầng giao thông "băng núi vượt sông”, mà diện mạo đô thị cũng thay đổi
ngoạn mục: khu trung tâm hành chính mới, khu đô thị Quỳnh Lâm, Quảng trường Hòa
Bình với tháp đồng hồ và đảo hoa rực rỡ, đèn LED nghệ thuật lung linh bên cầu Hữu
Nghị… tất cả dệt nên một thành phố Hòa Bình vừa lộng lẫy, vừa đậm chất bản địa.
Ở đây, ánh sáng không chỉ đến từ nhà máy thuỷ điện, mà còn phát ra từ mỗi góc
phố, từng nụ cười tự hào của người dân trong thành phố đổi thay từng ngày.
Hạ
tầng đi trước, kinh tế theo sau. Thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế
trung bình gần 12%/năm trong ba năm gần nhất. Theo đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch
UBND thành phố Hoà Bình, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt
trên 80 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn
1,38%, gần như không còn nhà tạm. Hơn 82% lao động đã chuyển sang khu vực phi
nông nghiệp, cho thấy nền kinh tế đô thị đã thành hình rõ nét. Từ một thị xã gắn
với "cái nôi của ánh điện”, giờ đây một thành phố thông minh đang thành hình,
nơi gần 50% thủ tục hành chính đã được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4…
Thành
phố Hòa Bình hôm nay tự tin bước những bước vững chãi trên hành trình phát triển
bền vững. Với định hướng trở thành đô thị sinh thái, văn minh, giàu bản sắc văn
hóa dân tộc, thành phố không ngừng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển
đổi số, tăng cường dịch vụ thông minh và nâng cao chất lượng sống cho người
dân.
Ông
Đỗ Bá Mạnh, một công dân của tổ 12, phường Tân Thịnh từng chứng kiến bao đổi
thay của thành phố ven sông, nay đã chạm ngưỡng 80 tuổi. Ông bộc bạch: Giữa nhịp
sống đô thị mới, những giá trị xưa cũ vẫn được gìn giữ, nâng niu. Văn hóa Mường
được đưa vào trường học, vào bảo tàng, vào đời sống mỗi ngày. Những điệu
chiêng, câu thường rang, bọ mẹng trong lễ hội dân gian vẫn vang lên giữa lòng
phố mới, như những sợi chỉ đỏ nối quá khứ - hiện tại.
Trên
con đường mới mở, dưới những tán cây vừa được trồng, bên ánh đèn đêm dịu dàng
soi mặt nước Đà Giang, thành phốHòa Bình đang bước đi những bước bình thản nhưng đầy quyết tâm và nỗ lực.
Thành phố đổi thay từng ngày, nhưng niềm tin vào con người, vào quê hương, vào
một tương lai xứng đáng với quá khứ vẫn luôn ở lại, nguyên vẹn trên từng con phố,
từng nhịp cầu và trong từng ánh mắt người dân nơi đây.
Có
những nơi ánh sáng chỉ để nhìn rõ con đường. Nhưng ở thành phố Hòa Bình, ánh
sáng còn là ký ức, là khát vọng, là niềm tin đã thắp lên và sẽ còn cháy mãi.
Minh Vũ
Với nhiều cựu chiến binh từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù cho bao năm trôi qua thì trong tâm trí họ vùng đất Yên Thủy luôn là "Km số 0” của những đoàn quân Nam tiến. Sau thời gian huấn luyện, từ vùng đất này những chàng trai "vai đồng, chân sắt, ý chí thép” đã tiến thẳng vào chiến trường...
Được đến trường học tập, vui chơi cùng bè bạn là mong ước của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng với các học sinh tật nguyền, bị bệnh hiểm nghèo… mong muốn tưởng như bình dị, giản đơn đó lại trở nên vô cùng gian nan, khó khăn. Thật may mắn cho các em là ở bất cứ ngôi trường nào trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn có những người bạn học bằng tất cả sự yêu thương, sẻ chia luôn sẵn sàng nguyện là đôi chân đưa bạn đến trường, nguyện là đôi tay chép bài giúp bạn… Sự yêu thương, tinh thần giúp đỡ bạn bè đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp đáng quý trong cách ứng xử, đạo đức của những thiếu niên đất Mường.
Trên dốc núi còn loang sương, từ các xóm Cang, Xà Lĩnh… người Mông mặc váy xòe rực rỡ hướng về nhà văn hoá, trên tay cầm giấy mời như cầm tấm vé bước vào một cuộc đổi thay. 99,86% - đó không chỉ là con số khô khan thống kê ý kiến cử tri xã Pà Cò (Mai Châu), mà là âm hưởng của sự đồng tình vang lên từ rẻo cao.
Nếu như trước đây, muốn lên Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) phải vượt dốc trơn như đổ mỡ. Ở Đà Bắc, có những xóm mà trời mưa là thành… ốc đảo, cả một đoạn đường sau mưa cuộn lên những hòn đá to lổn nhổn. Nhưng rồi đường về đã mở. Tưởng như mới đây thôi, ấy vậy mà những con đường xấu đã trở thành một phần trong ký ức. Những tuyến bê tông, đường nhựa cắt ngang sườn núi, cầu mới nối hai bờ sông, người dân phấn khởi khi cả vùng cao như sáng đèn. Từ đây, con đường đến trường của con trẻ gần hơn, nông dân có cơ hội trao đổi hàng hóa, giao thương để phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, nhiều lao động địa phương không cần phải "tha hương” để mưu sinh, khi đã có những hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp tìm về cắm trụ với niềm tin - vùng khó sẽ vươn lên.
Cách đây 62 năm, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nguyên giáo viên Tổng phụ trách đội Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh) trong quá trình đi trồng cây cùng học sinh đã nảy ra sáng kiến, phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", gọi tắt là "Nghìn việc tốt".
Những ngày tháng Tư, không khí hào hùng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hòa cùng cả nước, người dân thành phố Hòa Bình cũng thể hiện tình yêu nước bằng những hành động ý nghĩa và thiết thực. Trong những hành động ấy, dù nhỏ bé hay lớn lao đều chứa đựng niềm hân hoan của tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng hoà bình.