Năm nay dù đã hơn 90 tuổi, nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công vào Đồi A1 ở chiến trường Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 năm, đôi mắt của người chiến sỹ Điện Biên Mai Đại Xá ở số nhà 01, tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) bỗng trở nên mạnh mẽ như có lửa...


Cựu chiến binh Mai Đại Xá nhớ mãi ký ức về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và trận đánh ác liệt tại cứ điểm phòng ngự trên Đồi A1 cách đây hơn 70 năm.

Trong ngôi nhà ở con ngõ nhỏ, câu chuyện về những năm tháng hào hùng nhưng đầy tự hào và vinh quang trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn luôn được người chiến sỹ Điện Biên năm xưa với mái tóc bạc trắng sang sảng kể cho lớp con cháu.

Ông kể, ông là người miền biển, sinh ra và lớn lên ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Nhà có 3 anh em trai thì cả 3 đều xung phong đi bộ đội. Năm 1952, khi vừa qua tuổi 17, mặc dù không thuộc diện đi bộ đội nhưng ông vẫn trốn nhà đi. Sau quá trình chiến đấu ở các tỉnh khu vực Liên khu 3, cuối năm 1953, đầu năm 1954 ông cùng đơn vị là Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đã phối hợp các đơn vị khác của Đại đoàn 316 và các đơn vị bạn được giao nhiệm vụ đánh, tiêu diệt cứ điểm tại Đồi A1. "Đây là trận địa khốc liệt nhất, nơi chúng ta phải đánh công kiên dài ngày nhất và ta hy sinh, thương vong lớn nhất”, ông nhớ lại. Trong trận đánh tại Đồi A1, nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống. Mỗi mét chiến hào, mỗi bước tiến trên Đồi A1 trong suốt 38 ngày đêm chiến đấu, tiêu diệt cứ điểm này đều được đánh đổi bằng xương máu.

Tham gia trận đánh khi ấy ông là lính trinh sát. Luôn ở tuyến đầu nên ông được tham gia những trận đánh mặt giáp mặt ác liệt nhất. Sau 17 đêm đào hào trong những cơn mưa rừng không dứt với biết bao gian khổ, hy sinh. Đúng 18h30 ngày 30/3/1954, Trung đoàn 174 nổ súng tấn công vào cứ điểm phòng ngự của địch trên Đồi A1. Phải mất đến 6 giờ chiến đấu ta mới chiếm được 3/4 Đồi A1 với thương vong rất lớn, buộc đơn vị phải rút về sau để củng cố, sau đó tiếp tục tiến công cứ điểm phòng ngự trên Đồi A1. "Cuộc chiến diễn ra khó khăn, gian khổ hơn gấp nhiều lần so với trước. Đêm ta đào hào, sáng địch lại ra lấp. Hơn nữa điều kiện thời tiết mưa nhiều khiến bùn nhão khắp nơi, bộ đội ta cơ động rất khó khăn. Trong khi đó, địch lại ở trong công sự phòng thủ kiên cố, sử dụng nhiều loại hỏa lực mạnh, vì thế bộ đội ta thương vong nhiều. Có Đại đội với quân số cả trăm người nhưng chỉ sau một trận chiến, quân số chỉ còn lại một tiểu đội với hơn chục người. Có Tiểu đoàn sau một trận chiến chỉ còn lại không đầy một Đại đội. Như đơn vị cối của tôi, có buổi xung phong lúc rút ra chỉ còn vài người. Có người bị thương nát cả chân, tay vẫn nén đau ôm súng cùng đồng đội tiến lên phía trước, xung phong giết giặc...”, ông Mai Đại Xá rưng rưng nhớ lại.

Để giải quyết cứ điểm phòng ngự này ta đã phải đào một đường hầm "moi ruột” Đồi A1, đặt vào đó gần 1 tấn, chính xác là 964kg thuốc nổ. Đúng 20h ngày 6/5/1954, khi tiếng nổ của bộc phá vang lên cũng là lúc tiếng hô xung phong bật dậy từ trong lòng đất. Cứ điểm phòng ngự kiên cố bậc nhất ở tập đoàn cứ điểm Điện Biện Phủ - niềm tự hào của quân Pháp ở Đông Dương đã bị Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đánh sập. Từ đây đã xé toang cứ điểm Điện Biên Phủ để vào 16h ngày 7/5/1954, quân ta đã giành thắng lợi làm "rúng động năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi kết thúc chiến dịch, người chiến sỹ Điện Biên Mai Đại Xá ở lại gắn bó với mảnh đất Điện Biên Phủ, với cánh đồng Mường Thanh ngát hương lúa, tinh khôi màu trắng hoa ban; ở lại với chiến công rực rỡ và với những người chiến sỹ, đồng đội cùng hô xung phong đã ngã xuống nơi trận mạc. Sau quá trình công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên, đến năm 1989 ông nghỉ, về mảnh đất Hòa Bình sinh sống đến nay.

Những câu chuyện chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh Đồi A1 mà ông được tham gia vẫn luôn là câu chuyện mà ông "truyền lửa” cho thế hệ hôm nay. "Chúng tôi đã đi qua cuộc chiến với những hy sinh to lớn. Chúng tôi chỉ mong những ký ức, những câu chuyện kể năm xưa của mình vẫn luôn là ngọn lửa soi đường cho thế hệ trẻ. Mong rằng tinh thần Điện Biên năm xưa tiếp tục được thế hệ trẻ phát huy, hòa nhịp cùng sự phát triển, đi lên của đất nước”, cựu chiến binh Mai Đại Xá chia sẻ.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình - nơi ánh sáng bắt đầu và niềm tin ở lại

Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, cả dân tộc bước vào trận tuyến mới - dựng xây hoà bình, kiến thiết đất nước bằng những công trình mang vóc dáng thế kỷ. Trên con sông Đà hung dữ, hơn 30 nghìn kỹ sư, lính công binh cùng những công nhân xây dựng đã đánh vật với đá núi, với cuồn cuộn nước lũ… để rồi viết nên kỳ tích: Thủy điện Hòa Bình - công trình lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ chính thức phát điện, thắp sáng miền Bắc, mở ra kỷ nguyên mới cho công cuộc công nghiệp hóa.

Dặm dài tìm tên người nằm xuống vì Tổ quốc

538 liệt sĩ được xác định lại nơi hy sinh. 246 ngôi mộ phát hiện sai sót thông tin. 187 người lính được trả lại đúng tên, đúng quê hương và 153 bộ hài cốt đã được đưa về đất mẹ. Trong hành trình một thập kỷ của ông Nguyễn Tiến Lợi - người cựu công an mang biệt danh "Người tìm kim” từng con số là từng nỗi trăn trở, từng lần lật hồ sơ, từng giọt nước mắt thân nhân và từng bước chân lặng lẽ giữa những nghĩa trang dọc dài đất nước. Ông không làm nghề. Ông sống một sứ mệnh: lần theo từng dấu vết mờ phai để trả tên cho những người nằm xuống.

Tỏa ngát hương thơm vườn hoa "nghìn việc tốt": Bài 4 - Thiếu nhi Hòa Bình tiếp bước cha anh, làm nghìn việc tốt

62 năm đã trôi qua kể từ ngày phong trào thi đua Nghìn việc tốt được thiếu nhi Hòa Bình hưởng ứng, phong trào đã góp phần quan trọng hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi người, tạo nên các thế hệ con em đất Mường lương thiện và bản lĩnh. Tiếp bước cha anh, thiếu nhi Hòa Bình hôm nay hăng hái thi đua làm nghìn việc tốt, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai có đức, có tài để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Ký ức 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị

Các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn thường gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm sâu sắc về một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Trận chiến 81 ngày đêm giằng co từng mét đất giữa bom rơi, đạn nổ vẫn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như người dân Hòa Bình, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tỏa ngát hương thơm vườn hoa "nghìn việc tốt": Bài 3 - Gặp những thiếu niên dũng cảm cứu bạn

Trong hàng nghìn việc tốt mà thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hoà Bình đã làm được thời gian qua, việc làm nào cũng quý giá, đáng trân trọng và đáng được nhân rộng, biểu dương kịp thời. Trong đó, có lẽ đặc biệt và ấn tượng hơn cả chính là hành động dũng cảm của 2 học sinh Trường TH&THCS Cư Yên (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) đã lao xuống dòng nước lũ chảy xiết để cứu bạn, một em không may đã bị lũ cuốn tử vong. Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm” Trung ương Đoàn trao tặng là phần thưởng xứng đáng cho tinh thần dũng cảm, chấp nhận hiểm nguy cứu người của các em.

Tự hào là “Km số 0” của những đoàn quân Nam tiến

Với nhiều cựu chiến binh từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù cho bao năm trôi qua thì trong tâm trí họ vùng đất Yên Thủy luôn là "Km số 0” của những đoàn quân Nam tiến. Sau thời gian huấn luyện, từ vùng đất này những chàng trai "vai đồng, chân sắt, ý chí thép” đã tiến thẳng vào chiến trường...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục