Số cổ vật được cất giữ tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) không được bảo quản có nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian.

Số cổ vật được cất giữ tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) không được bảo quản có nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian.

(HBĐT) - Giống như một sợi dây nối liền giữa quá khứ và hiện tại, mang trong mình dấu ấn của cả một giai đoạn lịch sử cũng là bằng chứng thể hiện uy quyền, giàu sang, phú quý bậc nhất của những quan lang, dòng tộc của đất Mường Động trong quá khứ. Dẫu vậy, hàng trăm cổ vật ở huyện Kim Bôi có niên đại hàng trăm năm tuổi với những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng lớn hiện vẫn đang bị chất đống, lãng quên trong bụi bặm của thời gian.

 

Vo viên, chất đống và bị lãng quên !  

Chẳng biết có phải là cơ duyên hay sự may mắn mà tính cho đến lần này đã là lần thứ 4 tôi được tiếp cận, chạm tay, ve vuốt và mê mẩn nhìn ngắm những chiếc trống đồng, những chiếc ang, vò, thạp bằng đồng và cả đồ gốm sứ đặc biệt quý ở Vĩnh Đồng. Dẫu thế, cũng thật đáng buồn khi tất cả hàng chục cổ vật hiện đang được lưu giữ ở đây vẫn đang còn chất đống lên nhau như khi tôi đến đây lần đầu cách đây 5 năm. Nhìn đống cổ vật ngổn ngang trên nền nhà, ông Bùi Đức òm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng cố nén tiếng thở dài: Toàn bộ cổ vật ở đây đã ở trong tình trạng chất đống như thế này cả chục năm rồi. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng tổ chức kiểm đếm xong rồi lại khóa cửa để đấy. Tiếng là phòng truyền thống nhưng vì số cổ vật trên nên suốt ngày khóa cửa im ỉm và cắt cử lực lượng an ninh xã trông coi 24/24h nên đến cán bộ xã cũng chẳng mấy khi được vào chứ nói gì đến người dân.  

Lý giải điều này, ông Bùi Đức òm cho biết: Toàn bộ số cổ vật hiện đang được xã quản lý, lưu giữ đều là tang vật thu giữ được của những kẻ buôn bán và đào trộm ở khu mộ cổ Đống Thếch những năm 1984 - 1989. Ngoài giá trị về văn hóa, lịch sử, số cổ vật này có giá trị vật chất rất lớn như vào thời kỳ rộ lên tình trạng đào phá mộ cổ tìm đồ vật tùy táng, một chiếc bình gốm tráng men có thể trả đến vài... thúng tiền. Có giá trị lớn nên kẻ gian thường xuyên rình rập để lấy cắp. Điều này đã từng xảy ra vào các năm 1999, 2009 và mới đây nhất là vào năm 2010. Năm 1999, khi ấy nhà kho lưu giữ trong tình trạng xiêu vẹo, dột nát nên đã bị kẻ gian khoét vách lấy đi một cái trống đồng; đến năm 2009, lợi dụng thời tiết giông gió, kẻ gian cũng đã lấy đi một chiếc trống đồng nhưng do nhân dân cảnh giác nên đã thu hồi lại được. Còn vụ trộm cổ vật năm 2010 lại xảy ra đúng vào ngày tổ chức hội làng, xã đã mở cửa nhà truyền thống cho nhân dân vào thăm quan. Lợi dụng điều đó, kẻ gian đã lấy đi một chiếc ấm tích rất quý, có hoa văn tuyệt đẹp. Tuy vậy, chẳng hiểu do cổ vật có giá trị quá lớn không ai đủ tiền để mua hay đi theo nó là một lời nguyền đầy rủi ro mà cuối cùng kẻ trộm đã phải mang chiếc ấm đó về ném trả lại ở khu vực xóm Chiềng. Hiện, những mảnh vỡ còn sót lại được người dân trong xã nhặt lại mang về để lại nơi nó đã từng bị kẻ gian lấy đi. Nói với chúng tôi, ông òm cười buồn: Rút kinh nghiệm từ vụ mất cắp năm 2010, từ đó đến nay, chúng tôi không dám cho người lạ mặt vào khu vực lưu giữ cổ vật và tăng cường công tác an ninh.  

Trên thực tế, ngoài số cổ vật được lưu giữ ở Vĩnh Đồng, hiện nay, Phòng VH-TT huyện Kim Bôi cũng đang lưu giữ hơn 60 cổ vật các loại, trong đó có 7 trống đồng có niên đại cách đây vào khoảng 600 - 800 năm cùng hàng chục bát, đĩa, thạp gốm, sanh đồng, chậu đồng, gương đồng có niên đại ít nhất cũng vào khoảng thế kỷ thứ XIV-XV. Tất cả số cổ vật này đều là tang vật được thu giữ trong các vụ mua bán cổ vật, đào trộm mộ cổ của người dân trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, theo anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong số hơn 60 cổ vật được lưu giữ tại phòng VH - TT huyện Kim Bôi có những thứ là độc bản đặc biệt quý, chưa từng thấy trưng bày ở bất kỳ Bảo tàng nào trong cả nước. Nếu tính về giá trị vật chất, nó có thể được mua với cái giá lên đến hàng tỷ đồng.  

 

Hãy để cho cổ vật lên tiếng      

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh trăn trở: hiện nay, số cổ vật đang được phòng VH-TT huyện Kim Bôi và xã Vĩnh Đồng lưu giữ về cơ bản đã đảm bảo về an ninh. Các cổ vật hầu như không xuất lộ. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có những điều đáng buồn là việc lưu giữ, bảo quản cổ vật hoàn toàn không đáp ứng tiêu chuẩn nào theo quy định. Do vậy, điều cần phải làm ngay trong lúc này là các cấp chính quyền cần có sự vào cuộc, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương trong việc xây dựng hạ tầng đảm bảo cho lưu giữ, trưng bày, giới thiệu giá trị nguồn gốc lịch sử của chúng. Để cho những cổ vật này được cất lên tiếng nói  của mình. Nếu cứ để mãi trong kho như hiện nay, quả thật sẽ rất phí vì như thế sẽ không giúp cho người dân hiểu hết được những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương các giai đoạn trước đó. Cũng vì lẽ đó nên hành vi, cách ứng xử với cổ vật của người dân hiện nay cũng mới chỉ thiên về giá trị vật chất.   

Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Tân Cảnh, Trưởng Phòng VH - TT huyện Kim Bôi cho biết, UBND huyện đang có kế hoạch xây dựng khu nhà truyền thống của huyện. Đây sẽ là nơi trưng bày các cổ vật hiện đang được Phòng VH - TT lưu giữ.  

Theo chị Thi, số cổ vật được phòng  VH-TT huyện lưu giữ mới chỉ duy nhất 1 lần xuất lộ vào tháng 8/2006, khi Bảo tàng tỉnh phối hợp với huyện Kim Bôi tổ chức trưng bày các hiện vật lịch sử. Hoạt động này đã thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt của người dân. Qua đó đã giúp người dân hiểu được các giá trị lịch sử cũng như phần nào đã tái hiện lại cuộc sống dưới thời phong kiến, lang đạo ở Mường Động cách đây hàng trăm năm. Nói về thực trạng bảo quản số cổ vật trên ở Kim Bôi, chị Nguyễn Thị Thi cho biết thêm: Trong điều kiện còn khó khăn, trước đây, Bảo tàng tỉnh cũng đã có ý kiến về việc xin tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản số cổ vật trên để phục vụ công tác trưng bày, khảo cứu, khi nào huyện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất lưu giữ, trưng bày, Bảo tàng tỉnh sẽ trả về địa phương nhưng cũng không có những phản hồi tích cực.  

Ông Bùi Tân Cảnh, Trưởng phòng VH-TT huyện cũng thừa nhận mới chỉ được tiếp cận qua biên bản bàn giao kê khai tài sản từ người tiền nhiệm sau khi được điều động, luân chuyển vị trí công tác cách đây chưa lâu chứ trên thực tế cũng chưa từng được tiếp cận với số cổ vật trên để biết hình hài nó vuông tròn ra sao. Rõ ràng, đó là một điều đáng buồn bởi ngay cả người làm công tác quản lý, lưu giữ còn chưa được tiếp cận cổ vật, còn không biết số cổ vật đó như thế nào nói gì đến chuyện người dân được tiếp cận số cổ vật trên để nghe chúng lên tiếng!?

 

                                                                            Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục