Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nhiều ý kiến khác nhau khi được thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 4/4.


Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 2 dự án luật (dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự án Luật An ninh mạng) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Trong phiên làm việc buổi sáng, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.

Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi đến Hội nghị chuyên trách sáng nay nêu rõ: Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh… nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... chính quyền đặc khu cũng đã được tiếp thu trên nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, UBTVQH đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể về 9 nhóm vấn đề: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi và bố cục của luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện luật và các vấn đề chuyển tiếp.

Thiết kế bộ máy cồng kềnh

Dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi được thảo luận tại hội nghị sáng nay. Trong đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp 5 thì dự luật trình tại Hội nghị lần này có nhiều điểm rất mới. Trong đó, điểm mới quan trọng là tại dự thảo lần này đã xác định chính quyền địa phương của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt là cấp chính quyền địa phương, có HĐND, UBND.

Tán thành quan điểm này, song đại biểu băn khoăn trước việc dự thảo quy định đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND vì việc này không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết trung ương 6 khóa XII.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, dự luật quy định "đại biểu HĐND cấp đặc khu là 15 người, trong đó đa số là chuyên trách” là chưa rõ ràng, do đó đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm hoặc quy định rõ số lượng bao nhiêu đại biểu chuyên trách để dễ thực hiện, khỏi lúng túng.

Cũng bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu, đại biểu Phạm Trí Thức (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thẳng thắn nhận xét: "dự thảo nêu nguyên tắc rất hay là bảo đảm tính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc khu nhưng khi thiết kế chính quyền thì lại rất cồng kềnh so với hiện nay”.

Đại biểu phân tích, dự thảo quy định đa số đại biểu nhân dân là chuyên trách nên sẽ có ít nhất 12 đại biểu, cao nhất không quá 15 đại biểu, tức là ít nhất phải 7 đại biểu chuyên trách. "Hiện nay, HĐND cấp tỉnh có 10 đại biểu chuyên trách mà cấp huyện có đến 7 đại biểu chuyên trách thì bố trí phân công nhiệm vụ thế nào khi công việc không nhiều bằng?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Cũng theo đại biểu, việc dự luật quy định có Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND đặc khu riêng là không hợp lý. Bởi ngoài 2 văn phòng trên, chắc chắn còn có Văn phòng cấp ủy thì đơn vị hành chính cấp huyện sẽ có 3 văn phòng phục vụ. Do đó, sẽ làm tăng biên chế, phình bộ máy không cần thiết so với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với quy định Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu. Đại biểu Đỗ Thị Lan – Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc tổ chức Ban ngay trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là chưa phù hợp chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu.

Còn nhiềubăn khoăn, lo ngại

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thẳng thắn bày tỏ, cách tiếp cận vấn đề vẫn nặng, muốn phát triển, đột phá nhưng vẫn ngại nhiều hơn. "Giữa ý tưởng phát triển, đột phá, năng động thì cái lo trong quản lý, an toàn vẫn mâu thuẫn nhiều trong các đặt vấn đề, tổ chức bộ máy, cách tiếp cận. Tôi cho rằng sau khi luật này ra đời, việc chọn Trưởng khu đặc biệt rất khó, đòi hỏi vừa năng động, sáng tạo, chủ động lại xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành”.

Đai biểu cũng lo ngại, khi dự luật chưa rõ việc phân cấp, ủy quyền, chưa rõ tính đặc thù, nhiều tầng nấc quản lý thì từ khi ra nghị quyết đến triển khai thực tiễn thì thời cơ của nhà đầu tư đã đi qua. "Vấn đề này cần được nhìn nhận đúng mức. Nhà đầu tư chưa hẳn cần giảm thuế, nhưng giảm được khung thời gian, khâu trung gian có lẽ họ mừng hơn nhiều” – ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) dù bày tỏ thống nhất với chủ trương ban hành đạo luật này, ghi nhận dự luật đã được tiếp thu nhiều nhưng cũng chỉ ra nhiều điểm khó khả thi.

Về ngân sách đặc khu, dự thảo được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.

Phân tích quy định này, đại biểu cho rằng sẽ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, bởi theo Luật ngân sách nhà nước, ngân sách tương đương cấp huyện thì toàn bộ việc giao nhiệm vụ thu chi sẽ UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng định mức tiêu chuẩn chi từ chi thường xuyên, đầu tư, khoa học công nghệ … lại giao đặc khu quyết định. "Một ông quyết định nguồn, một ông quyết tiêu thế nào thì tiêu thì không thể khớp được bài toán. Tính cân đối tính thế nào khi đặc khu tính toán toàn bộ định mức chi tiêu, quy mô ngân sách của mình rồi bên trên lại giao xuống?”.

Từ đó đại biểu đề nghị cần cân nhắc, quy định rất rõ trong luật mối quan hệ giữa ngân sách đặc khu với ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương.

Về cơ quan chuyên môn của đặc khu, đại biểu băn khoăn khi dự luật quy định 7 cơ quan nhưng lại không nói rõ là 7 cơ quan nào, tại sao lại là 7? Đại biểu nhấn mạnh, nhiệm vụ của UBND, Chủ tịch UBND đặc khu có những nhiệm vụ bao trùm từ Thủ tướng đến các bộ, ngành, đến nhiệm vụ của tỉnh, huyện, xã. Tức là quy mô và thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND đặc khu là rất lớn. "Một chính quyền tương đương cấp huyện mà để quyết định những vấn đề liên quan đến cả thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ thì năng lực, thẩm quyền và những vấn đề khác cần phải nhìn nhận ngay từ bây giờ. Quy định như này tôi cho rằng không khả thi trong thực tiễn” – đại biểu nói.

Bàn về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) lưu ý, cần xem xét lại thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm đối với các dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, Điều 53, 54, Hiến pháp năm 2013 đã quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân. Thể chế hóa quy định này, Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm. Như vậy, nếu dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm trong trường hợp đặc biệt, thì Hiến pháp và Luật Đất đai lại không quy định trường hợp đặc biệt này. Đồng thời, dự án Luật cũng chưa xác định cụ thể trường hợp nào là đặc biệt. Do vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ quy định này. Đồng thời có đánh giá tác động trong trường hợp áp dụng thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm.

Chiều nay, Hội nghị sẽ bàn về dự án Luật An ninh mạng./.

                                                                                                   Theo ĐCSVN


 


                                                                                    

Các tin khác


Huyện Yên Thủy ra quân huấn luyện năm 2024

Ngày 1/3, Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2024 và phát động đợt thi đua cao điểm "Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên – Tiến lên giành 3 nhất”.

Ra quân huấn luyện và phát động thi đua cao điểm “Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên - tiến lên giành 3 nhất”

Ngày 1/3, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2024 và phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề "Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên - tiến lên giành 3 nhất”. Dự lễ có các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh...

Những người lính quân hàm xanh trên đất Mường Thàng

Cho dù mỗi người một quê, thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử 65 năm (1959 - 2024) đứng chân trên địa bàn huyện Cao Phong, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) công tác tại Kho kỹ thuật tổng hợp 102 (gọi là Kho 102), Cục Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng đều coi mình là những người con của vùng đất Mường Thàng. Từ đây họ không ngừng vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết quân - dân bằng những việc làm thiết thực với tình cảm sẻ chia, gắn bó.

Huyện Tân Lạc: Mùa Xuân vững bước lên đường nhập ngũ

Chung niềm vui đón Xuân cùng Đảng bộ và Nhân dân trong huyện, hàng trăm thanh niên ưu tú của quê hương Tân Lạc đang háo hức chuẩn bị lên đường nhập ngũ, mang sức trẻ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Bút danh

Tuổi trẻ thành phố Hòa Bình sẵn sàng lên đường nhập ngũ

Cùng với các địa phương trong tỉnh, công tác chuẩn bị cho lễ giao nhận quân của thành phố Hòa Bình đã hoàn thành. Cấp ủy, chính quyền vào cuộc; ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của tuổi trẻ được bồi đắp, sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống quê hương Hoà Bình kiên cường cách mạng.

Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024

Bộ CHQS tỉnh vừa tổ chức thành công Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024. Tham gia hội thi có 11 Ban CHQS các huyện, thành phố, Trung đoàn 814. Nội dung thi gồm: Giáo án, mô hình học cụ, trưng bày mô hình học cụ huấn luyện…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục