(HBĐT) - Trận phối hợp chiến đấu phục kích tiêu diệt địch tại cầu Mè, ngày 2/12/1951 của du kích xã Mông Hóa với Đại đội 16 huyện Kỳ Sơn (cũ) và Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 là một trận đánh táo bạo, mưu trí, kết hợp khéo léo giữa lực lượng du kích, bộ đội địa phương với bộ đội chủ lực thực hành chiến đấu. Đây là chiến thắng quan trọng, tạo đà để củng cố cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng du kích ở địa phương, góp phần to lớn vào thắng lợi trong chiến dịch Hòa Bình, làm thất bại chính sách "dùng người Việt trị người Việt”, "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp cùng mưu đồ lập "Xứ Mường tự trị” của chúng.



Tượng đài mang tên "Quân dân Hòa Bình và Trung đoàn 66”, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) - nơi ghi danh thành tích xuất sắc của quân và dân trong chiến thắng cầu Mè năm 1951.

Theo hồi ký của ông Nguyễn Quốc Sự, nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn và cũng là một nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh cầu Mè năm xưa: Ngày 2/12/1951, sương mù vừa tan, máy bay trinh sát của địch lượn dọc đường số 6. Tại điểm phục kích, bộ đội ém mình giấu quân. 11h45 ngày 2/12/1951, đoàn xe vận tải của địch gồm 30 chiếc từ hướng Xuân Mai chạy lên hoàn toàn lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Cùng lúc đó, 4 xe chở đầy lính ngụy từ Hòa Bình xuống đón đoàn xe tiếp tế cũng vừa đến cầu Dụ. Khi địch lọt vào trận địa, theo hiệp đồng, Trung đoàn trưởng nổ súng, lập tức hỏa lực của ta bắn mạnh vào 8 xe đi đầu, các đơn vị du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đồng loạt nổ súng, phát huy hỏa lực, tổ chức xung phong. Địch ở phía cầu Mè hoảng hốt nhảy qua bên đường đối phó, nhiều tên bỏ trốn. Cả trận địa phục kích dài gần 3 km mịt mù khói lửa. Tiếng súng, tiếng pháo cùng tiếng hô "xung phong" của các lực lượng từng đợt vang dội cả vùng cầu Dụ, cầu Mè, hang Đá. Quân địch bị tiến công bất ngờ, hoảng hốt tháo chạy. Lực lượng ta tổ chức thu dọn chiến trường.

Từ Đồng Bến, địch tức tốc cho 2 trung đội lính Âu Phi cùng 3 xe tăng xuống cứu viện, đến gần địa phận cầu Trôi bị hỏa lực của ta bắn chặn và cho đánh sập cầu, không thể tiến lên được. Chúng dừng lại cho pháo bắn xối xả vào trận địa và dàn quân ra hai bên đường tiến vào. Đại liên, cối 82 mm của Trung đoàn và bộ đội ta dồn đạp uy hiếp. Địch bị thương vong thêm 2 tiểu đội, buộc chúng phải lui quân. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, ta giành thắng lợi trong thời gian chưa đầy 20 phút.

Trong trận đánh này, du kích và bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức phục kích, tiêu diệt 1 đại đội giặc, phá hủy 34 xe quân sự, bắt sống 19 tên giặc, thu 24 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn dược và quân trang, quân dụng khác.

Có thể nói, chiến thắng cầu Mè trong Chiến dịch Hòa Bình cách đây 69 năm là một bản hùng ca của quân dân Hòa Bình phối kết hợp với Trung đoàn 66 trong cuộc kháng chiến vệ quốc, khẳng định sức mạnh đoàn kết của quân và dân. Chiến thắng mở đầu cho phong trào giết giặc, đánh xe cơ giới của quân và dân ta trong Chiến dịch Hòa Bình.

Ghi danh thành tích xuất sắc của quân và dân trong chiến thắng cầu Mè, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, đầu tư xây dựng tượng đài mang tên "Quân dân Hòa Bình và Trung đoàn 66”. Trong nhiều năm qua, địa điểm ghi dấu chiến thắng cầu Mè năm 1951 là nơi ôn lại truyền thống lịch sử của nhiều thế hệ Trung đoàn 66, bộ đội địa phương nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung. Đây cũng là nơi nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài địa phương được nghe kể về trận đánh và lịch sử truyền thống của quân đội ta. Từ đó giúp hiểu thêm về lịch sử, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thêm yêu quê hương đất nước.


Hải Linh


Các tin khác


Huyện Yên Thủy ra quân huấn luyện năm 2024

Ngày 1/3, Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2024 và phát động đợt thi đua cao điểm "Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên – Tiến lên giành 3 nhất”.

Ra quân huấn luyện và phát động thi đua cao điểm “Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên - tiến lên giành 3 nhất”

Ngày 1/3, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2024 và phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề "Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên - tiến lên giành 3 nhất”. Dự lễ có các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh...

Những người lính quân hàm xanh trên đất Mường Thàng

Cho dù mỗi người một quê, thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử 65 năm (1959 - 2024) đứng chân trên địa bàn huyện Cao Phong, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) công tác tại Kho kỹ thuật tổng hợp 102 (gọi là Kho 102), Cục Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng đều coi mình là những người con của vùng đất Mường Thàng. Từ đây họ không ngừng vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết quân - dân bằng những việc làm thiết thực với tình cảm sẻ chia, gắn bó.

Huyện Tân Lạc: Mùa Xuân vững bước lên đường nhập ngũ

Chung niềm vui đón Xuân cùng Đảng bộ và Nhân dân trong huyện, hàng trăm thanh niên ưu tú của quê hương Tân Lạc đang háo hức chuẩn bị lên đường nhập ngũ, mang sức trẻ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Bút danh

Tuổi trẻ thành phố Hòa Bình sẵn sàng lên đường nhập ngũ

Cùng với các địa phương trong tỉnh, công tác chuẩn bị cho lễ giao nhận quân của thành phố Hòa Bình đã hoàn thành. Cấp ủy, chính quyền vào cuộc; ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của tuổi trẻ được bồi đắp, sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống quê hương Hoà Bình kiên cường cách mạng.

Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024

Bộ CHQS tỉnh vừa tổ chức thành công Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024. Tham gia hội thi có 11 Ban CHQS các huyện, thành phố, Trung đoàn 814. Nội dung thi gồm: Giáo án, mô hình học cụ, trưng bày mô hình học cụ huấn luyện…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục