"Quê hương mỗi người chỉ một…

                               Như là chỉ một mẹ thôi…”

Câu hát cứ da diết, ngân ngatrong tôi, khiến tôi bùi ngùi nhớ về mảnh đất từng gắn bó một thời. Nơi ấy, tôi đã coi như quê hương thứ hai của mình vậy.

Hòa Bình, vùng đất tôi yêu quý và da diết nhớ như nơi tôi được sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của mình bởi hai lẽ: Thứ nhất, đó là quê hương của chồng tôi. Thứ hai, ở nơi ấy có một người, từ khi mới gần 30 tuổi cho đến bây giờ, gần 40 năm, tôi cũng không thể nào quên được. Đó là cụ Bùi Xuân Trường.

Vào những năm 80 của thế kỷtrước, bác Trường là Chủ tịch ủy banthị xã Hòa Bình, nay là TP Hòa Bình. Ngày ấy, tôi làm việc tại Phòng giáo vụ của trường Sư phạm 1B thị xã Hòa Bình. Sau khi sinh con, tôi mất việc. Lúc đó, tôi mới gần 30 tuổi. Thật khó mà kể hết được nỗi khốn cùng của gia cảnh tôi lúc ấy.

Chồng tôi bị tai nạn lao động phải cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai với 2 vết thương trên đầu, một vết rạn sọ 3 cm, một vết lún sọ giữa đỉnh chẩm, ảnh hưởng thần kinh 41%. Còn tôi thì mất việc, nghỉ không lương. Phòng tổ chức bảo: "Cô tùy nghi di tản”. Kể cả khi còn đi làm, lương giáo viên với 55 đồng và 13 cân gạo mà có bao giờ được mua đủ 13 cân. còn phải mua kèm sắn khô, phân đạm, hạt bo bo… Ngày ấy, có cô giáo tiểu học gục ngã trên lớp, cứ nghĩ là bị cảm nhập tâm nhưng thực tình là bị lả đi vì đói.

Có người mách tôi: Xin vào nấu cơm thuê cho học sinh nội trú trường Hoàng Văn Thụ. Tôi gạt phắt:

- Nấu cơm thì ai cũng nấu được. Còn dạy học phải học mười mấy năm trời mới dạy nổi. Tôi không đi nấucơm thuê.

Người ấy bĩu môi:

- Hâm. Nấu cơm tốt quá chứ. Người ta bảo: "Giàu nhà kho, no nhà bếp cơ mà”. Này nhé, ra chợ, mua 8 về khai 10. mua 7 lạng thịt khai 1 cân. Còn lãi hơn mở hàng cơm. Chả mấy mà giàu.

Nhưng tôi không nghe. Bởi vì tôi yêu văn đến mức dở hơi, người ta bảo thế. Căn nguyên là suốt những năm học cấp II, III, tôi được hai giáo viên dạy văn giỏi giảng dạy. Tôi bị lây bệnh si mê văn của họ rồi. Đã nhiều lần thầy, trò tôi cùng sụt sùi với nhân vật chị Dậu, anh Pha, Thúy Kiều… Tình yêu ấy với tôi, giờ đây, trong lúc khốn cùng vẫn không hề thay đổi.

Tôi bị bủa vây bởi sự chê cười, bàn tán của nhiều người. Nào là: "Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Nào là: "Đẹp trai đi bộ, không bằng răng vổ mặt rõ đi xe” rồi: "Nhất sĩ, nhì nông, vác rá chạy rông, nhất nông nhì sĩ”…

Tuy vậy, cùng xóm vẫn còn một người hiểu cho tôi, đó là vợ chồng anh chị Ngọc - Chí. Anh Ngọc là chỉ huy của đơn vị bộ đội đóng trên thị xã Hòa Bình. Chị Chí làm việc tại ủy ban thị xã. Gặp tôi, anh Ngọc hỏi:

- Cô Lũy này, bài thơ "Là thi sĩ của ai? Cô biết không?”.

Tôi trả lời:

- Có hai bài thơ "Là thi sĩ”. Một bài của Xuân Diệu, một bài của Sóng Hồng. Bài thơ "Là thi sĩ” của Sóng Hồng đối lại bài thơ "Là thi sĩ” của Xuân Diệu. Xuân Diệu quan niệm:

"Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn treo ngược cành cây/ Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọc liễu”.

Sóng Hồng thì quan niệm, nhà thơ phải là người:

"Dùng bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

Anh Ngọc lại hỏi:

- Vậy thì Sóng Hồng là ai?

Tôi mau mắn đáp:

- Sóng Hồng là bác Trường Chinh.

Bây giờ, anh mới cười:

- Thì ra kiến thức văn của cô cũng được đấy. Tôi mách cho này, cô đến gặp ông Trường, Chủ tịch ủy ban thị xã - ông ấy là lính vừa sang làm Chủ tịch, là lính nên tính tình thẳng thắn và dứt khoát lắm. Cô cứ tìm gặp, trình bày hoàn cảnh, nếu được là được luôn.

Tôi cảm động, cảm ơn anh Ngọc rồi quay về nhà. Ngay chiều đó, tôi bế con trai gần 3 tháng tuổi sang ủy ban tìm gặp ông Trường.

Mới sinh con, bồi dưỡng chẳng có gì, phương tiện đi lại chỉ có 2 chân. Tôi đành nối 2 chiếc tã chéo chằng từ mông con trai đeo lên cổ mình cho khỏi mỏi tay rồi chân nam đá chân chiêu, cuốc bộ sang thị xã.

Anh nhân viên canh phà bảo tôi:

- Chị kia, vé đâu?

Tôi lúng túng:

- Tôi không có tiền mua vé. Anh làm ơn cho tôi đi nhờ.

Anh ta cười:

- Một hào đi đò cũng không có. Cái nhà cô này. Thôi, lên đi!

Tôi thở phào bước lên phà. Miệng lẩm bẩm cầu giời khấn Phật cho đầu xuôi đuôi lọt.

Đến cổng ủy ban, tôi tần ngần đứng sau bốt canh, nhìn anh bảo vệ đang ngồi trong bốt. Chờ anh ta quay hướng khác, tôi lom khom qua nhanh rồi luồn vào khu nhà hai tầng phòng làm việc của các vị lãnh đạo ủy ban. Lần mò một hồi, tôi hồi hộp đứng trước phòng Chủ tịch. Thu hết can đảm, tôi gõ cửa.

Bên trong có tiếng nói trầm, ấm vọng ra:

- Mời vào…

Tôi ôm con trai, rón rén bước vào.

Bác Trường nhìn tôi. Chắc là ngạc nhiên vì tại sao gác cổng lại cho một người đàn bà nhếch nhác không khác người hành khất bế con nhỏ vào gặp Chủ tịch ủy ban.

Tôi run run:

- Thưa bác, mấy tháng trước cháu làm ở Phòng Giáo vụ của trường Sư phạm 1B. Sau khi nghỉ sinh con thì mất việc… Nói đến đây, tôi bật khóc nức nở như một đưa trẻ bị đòn oan.

Vị Chủ tịch chăm chú nhìn tôi. Sự đồng cảm hiện rõ trong ánh mắt, trên gương mặt khiến tôi cảm động. Tôi nghẹn ngào kể lại tường tận hoàn cảnh, nguyện vọng của mình.

Bác Trường hỏi:

- Cháu có mang theo đơn không?

Tôi bối rối trả lời:

- Dạ, chưa biết bác có đồng ý không nên cháu chưa dám viết đơn. Cháu xin bác cho cháu dạy bất cứ trường nào cũng được, kể cả lên Thăng, lên Bích dạy cấp 1.

Bác Trường lấy một tờ giấy kẻ ngang, đưa cho tôi, ân cần:

- Giấy đây, cháu viết đơn đi. Bác ký ngay. Đưa cháu bé đây, bác bế cho.

Chợt bác ngạc nhiên hỏi:

- Mặt cháu bé bị làm sao thế?

Tôi sửng sốt nhìn mặt con trai. Lúc nãy qua phà, gặp phà chở than. Gió sông Đà lồng lộng, bụi than bay thành nhiều chấm trên mặt con tôi. May mà thằng bé ngủ nên bụi than không bay vào mắt.

Tôi trao con tôi cho vị Chủ tịch ủy ban bế hộ rồi ngồi viết đơn. Viết xong, tôi nâng lá đơn bằng cả hai tay, dâng lên bác như dâng lên vị Bồ tát sống.

Cuộc xin việc của tôi, tính từ lúc gõ cửa phòng đến khi viết xong lá đơn chưa đầy một giờ.

Bác Trường cầm là đơn của tôi đọc cẩn thận rồi đặt lên bàn phê chuẩn. Tay phải cầm bút, tay trái đè lên góc lá đơn. Tôi sững sờ nhìn bàn tay của bác. Bàn tay trái gầy, xanh, bị s? dôi, khâu dúm dó. Thì ra bác là thương binh. Chắc lúc bị thương đau đớn lắm. Lòng tôi cuồn cuộn nỗi niềm cảm mến, thương xót, kính nể. Thỉnh thoảng, tôi cũng viết bài cho các báo. Một tấm gương thế này, chắc chắn tôi sẽ viết về bác. Tôi hẹn với lòng mình như thế. Nhưng rồi sau đó, bác Trường lên làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Tôi không dám viết ngay bởi sợ mọi người cho rằng, tôi nịnh lãnh đạo để tiến thân…

Qua bạn cũ, tôi biết, cụ Trường giờ vẫn còn đã bước vào tuổi bát thập. Sau khi nghỉ hưu đã làm UV BCH Hội CCB Việt Nam. Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hòa Bình. Nhớ lời hẹn năm xưa, tôi viết bài này bày tỏ lòng tri ân đến cụ. Hồi đó, nếu không gặp được cụ lính nhân đức nhường ấy, quả thật không có tôi bây giờ.


Nguyễn Thị Lũy

(Tổ 2, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội)


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục