(HBĐT) - Mấy bữa nay, anh Th. bấn lên vì chuyện làm mừng thọ cho bố đẻ. Mừng quá, cụ 80 tuổi rồi mà vẫn tinh anh lắm, vẫn đọc báo, tập dưỡng sinh. Buổi chiều, cụ vẫn 2 vòng đi bộ quanh vườn nghe chim chóc véo von. Bạn già đến chơi có thể đàm đạo chuyện nước nhà, chuyện thế giới… Cũng mừng các con đều ổn ở mọi khía cạnh…

Như anh Th. đây là con trưởng, dù không phải doanh nhân nhưng cũng liên quan đến "thương trường”, "lợi nhuận” xung quanh các đặc sản địa phương. Nhà có của ăn, của để và anh cũng có mối quan hệ khá rộng trong và ngoài xã. Hôm đầu tuần, anh bàn với vợ:

- Mình đi ăn mừng thọ người ta mòn bát đũa rồi nên tôi định là…

- Việc này anh quyết thôi, vả lại phải bàn với cô út nữa chứ

- Sao phải bàn… Nó là gái đi lấy chồng… "xuất giá tòng phu” - anh chồng quả quyết.

- Anh ơi, bố là bố chung, anh cứ bàn cho cô thoải mái - Chị vợ tiếp tục nêu ý kiến.

Tối đó, anh hì hục mở máy tính lên kế hoạch cho ngày mừng thọ. Loa đài, karaoke, phông bạt thì đương nhiên. "Em-mờ xi” thì nhà "trồng” được. Thực đơn cũng phải tính thêm. Phải có món lạ thì mới ngon, mới độc. Còn việc khách mời… ngoài bạn làm ăn, làng xóm còn phải thông gia, bạn học phổ thông, bạn của con… Hôm sau, cô em út đến, vừa xấp ngửa dựng xe, anh Th đã một tràng:

- Tôi là "khoán” cho cô 10 mâm đấy. Còn tôi "gánh” 30 mâm… Cứ thế mà làm… Đời bố vất vả vì anh em mình rồi, giờ để cụ an hưởng niềm vui, viên mãn…

- ôi sao mở rộng lắm thế anh. Mừng thọ mà làm như thế nghe phô trương quá… Sợ người ta dị nghị là thích nổi…

- Cô đúng là… Nhà mình kém gì nhà chú H. cô M. ở làng. Bố họ mới 70, 75 tuổi thôi mà biện hẳn 30 mâm. Loa đài hát hò hết 1 ngày… Tôi là… tôi khiêm tốn đấy, không thì 50 mâm. Biết bố mình sống bao năm mà "chắc lép”. Cứ làm hoành tráng cho cụ vui, rồi anh em mình còn phải mở mày, mở mặt với xóm làng, anh em…  
- Anh xem kia kìa… Đấy, làm to ăn uống mấy ngày, sau đấy con cháu lại ầm ĩ chuyện đóng góp, tiền mừng. Mùa đông mà chẳng biết mua cho bố mẹ đồ ấm để mặc. Ho suốt đấy… Quan trọng là tấm lòng con cháu - Cô em út phân vân.

- Kệ họ… chuyện nhà mình khác hẳn… hay vợ chồng cô sợ tốn kém. Nếu thế thì để mình tôi lo. Cô là "khách mời”… -Anh Th. có vẻ như dỗi dằn.

Cô em thấy thế định lảng vội ra vườn. Cũng lúc đấy ông cụ bước vào, phẩy tay:

- Nào 2 anh em vào đây, bố có chuyện. Cả mẹ thằng Tý nữa…

- Mọi việc con quyết rồi mà bố không phải bận tâm. Bố cứ thoải mái nghỉ ngơi cho chúng con nhờ - Anh con cướp lời.

- Đành rằng là thế nhưng bố có ý kiến thế này, các con phải nghe: làm mừng thọ cho bố thì được, bố đồng ý nhưng ồn ào, lãng phí, mở rộng là không được. Các con chỉ nên mời ít chòm xóm rồi con cháu về dự là được. Rồi cả nhà hân hoan chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm là ý nghĩa rồi. Bố vui, bố khỏe mấy năm nay là do cuộc sống các con ổn định, làm ăn tốt, vợ chồng thuận hòa, không "tiếng chì, tiếng bấc” gì, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Như cu Tý năm nay đoạt giải cấp tỉnh là bố vui nhất… Các con biết quan tâm, chăm lo cho bố là "cái gậy” cho bố lúc tuổi già. Đấy là quý nhất. Cho nên, bố chỉ muốn việc đó nên đơn giản và ý nghĩa thôi…

Anh Th. lúng búng: Vâng nhưng con lên kế hoạch rồi…

- Lên kế hoạch và xem lại kế hoạch là chuyện đương nhiên… Thế nhé, các con.

Anh Th. thần người. Bao dự định dịp này để gặp gỡ, giao lưu thế là hỏng, mà hôm nọ đã nói xa, nói gần với các "chiến hữu” rồi giờ nói thế nào để họ thông cảm. Làm gọn như thế không biết có "mất mặt” với mọi người không?

Bùi Huy

 

 


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục