- Mới bão đầu mùa mà trường học, nhà cửa trên ấy đã bị đổ nát, bị cuốn trôi hết rồi. Thôi tính đường khác đi con à. Không theo nghề giáo thì theo nghề khác. Thiếu gì nghề tay trái hái ra tiền nuôi sống bản thân. Gì cứ phải là cái nghề gõ đầu trẻ cơ chứ!
- Nhưng con học 4 năm sư phạm cũng chỉ vì mơ ước muốn được đứng trên bục giảng, được đem kiến thức mình học truyền lại cho các em học sinh. Giờ vì cái khó, cái khổ trước mắt mà từ bỏ thì sao nỡ hả mẹ?
- Là mẹ lo cho con nên mới nói thế. Nhà mình không giàu có nhưng cũng chẳng nghèo đến nỗi bắt con phải lận đận gánh chữ lên tận vùng sâu, vùng xa ấy, rồi có khi đánh mất cả tuổi thanh xuân tươi đẹp trên ấy cũng nên. Dù con không có nghề nghiệp gì thì ba mẹ vẫn có thể nuôi con với đồng lương hưu tạm đủ của mình.
- Thôi mà bà! Cứ để con nó đi. Nghề nó chọn. Mơ ước bấy lâu của con... Tuổi trẻ mà. Cứ đi đi con à! Khó, khổ cũng là thêm trải nghiệm cho mình trưởng thành. Cuộc sống phải như thế mới ý nghĩa chứ. Ông Hảo nhìn con rồi quay về nhấp chén trà, miệng chép chép, vẻ trầm ngâm. Bà Thảo lại được cớ nói lẩy, càm ràm. 
- Xin phép bố mẹ sáng mai con lên trường. Bão qua, các em học sinh trên ấy chắc đang mong thầy, cô ở dưới xuôi lên lắm. Với lại, năm học mới đến rồi, mọi thứ cũng phải được chuẩn bị. Chứng kiến bản nghèo bị bão lũ tàn phá, làm sao những người thầy như chúng con lại có thể chỉ biết đứng nhìn. Hưng nói như phân trần với bố mẹ.  
*
*        *       
Vợ chồng ông Hảo có hai con. Hoa, chị gái Hưng theo chồng vào Nam       lập nghiệp. Còn mỗi Hưng là con trai,  giờ lại công tác xa nhà. Thương con vất vả, lại lo cho tương lai sau này của con, đâm ra nhiều lúc bà Thảo đứng ngồi không yên.
Đoạn đường từ nhà lên trường bình thường Hưng đi xe máy mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Vậy mà hôm nay, xuất phát từ nhà lúc 5h, giờ đã gần 12h trưa mới đi đến nửa đường vào bản. Sau lũ, đường núi sạt lở. Xe máy thay vì chở người thì giờ người phải dắt xe. Cả hai nhích từng bước qua đoạn ngập bùn đất bê bết. 
- Thầy giáo đã lên với dân bản đấy à? Nhà chúng tôi bị cuốn trôi hết rồi. Trường học cũng bị sập. Lấy nơi đâu mà ở, mà học nữa! Một người dân bản đang đứng trước ngôi nhà tan hoang của mình, đôi mắt buồn rầu, buông lời hờ hững khi thấy Hưng khó nhọc vượt dốc.
- Rồi chúng ta sẽ lợp lại nhà, sẽ xây lại trường. Các bác sẽ lại có nhà ở. Các em học sinh sẽ lại được đến trường. Bản mình sẽ bình yên trở lại. Miễn chúng ta có niềm tin và hy vọng. Hưng mỉm cười, nói với giọng khích lệ, an ủi. Chỉ còn một đoạn ngắn là đến điểm trường anh dạy. Từ xa, Hưng nhìn thấy thấp thoáng mấy em học sinh đang đứng túm tụm nơi đầu dốc. Giọng chúng í ới gọi tên Hưng. Hai, ba đứa còn lội bùn đất xuống tận nơi để đẩy xe cho thầy giáo. Đứa cười vì được gặp lại thầy. Đứa nghẹn ngào, mếu máo. Đứa chỉ im lặng nhìn. Thằng Quá vốn là đứa nói nhiều nhất lớp, cũng là đứa thay mặt mấy đứa còn lại đưa ra thông báo với thầy:
- Thầy ơi, lũ to lắm. Trường bị sập hết rồi. Nhà cửa bị cuốn trôi hết. Sách vở bị cuốn trôi hết rồi. Làm sao đi học được đây? 
- Thầy ơi, nhà em bị lũ tràn vào trong đêm. Đôi dép cũng chẳng còn nữa. Thầy xem này. Thằng Lếnh nghe Quá phân trần với thầy, nó cũng trở nên mạnh dạn. Nó còn không quên giơ bàn chân trần lấm lem bùn đất lên cho thầy nhìn. Với cái áo mỏng dính, cái quần ngắn cũn cỡn, đôi mắt buồn thương của nó khiến Hưng ngùi ngùi. Hưng bất chợt nhìn về phía con bé Vuông đang ngồi buồn thiu bên bãi cỏ ven đường, đôi mắt của nó nhìn xa xôi vào dòng nước xa xa dưới chân núi, đầu nó chít khăn tang trắng. Thấy Hưng, nó không cất tiếng chào, chỉ nhìn chằm chằm một lát rồi quay đi. Mặt thằng Quá, thằng Lếnh sụ xuống:
- Chắc con Vuông không học nữa đâu thầy ơi! Bố nó bị lũ cuốn trong đêm. Nhà nó cũng bị cuốn rồi. Mẹ và em nó giờ đang còn ở tạm trên lán kia kìa! Quá nhìn Vuông, nhìn thầy Hưng rồi chỉ tay về phía mấy cái chòi xa xa, nơi những gia đình có nhà cửa bị lũ cuốn trôi, phá nát đang trú tạm. 
- Rồi sẽ qua thôi Vuông ạ. Em cố gắng lên! Hưng bước lại vỗ nhẹ vào vai con bé như một lời khích lệ động viên khiến nó cứ thế thút thít khóc. 
*
*        *
- Thầy Hưng lên rồi! Tôi cứ tưởng thầy sẽ không lên với bản nữa. Thầy Tánh, hiệu trưởng của trường dáng người gầy ốm đang lúi húi một mình dọn đống đổ nát, thấy Hưng liền bước đến, giọng buồn bã.
- Bão đến bất ngờ quá. Bà con không ai lường trước được. 
- Mùa tựu trường đến rồi. Chúng ta phải chung tay dựng lại ngôi trường để kịp cho các em học sinh đến lớp thầy ạ. Hưng nói bằng giọng quyết tâm.
- Nhưng…
- Có chúng tôi. Cả chúng tôi nữa! Từ ngoài cổng trường, thầy Thạnh, thầy Long, cô Hiền, một số phụ huynh và cả các em học sinh đang cùng nhau bước vào. Trên tay, người cầm dao, người cầm cuốc, xẻng… Thầy Tánh xúc động:
- Thế mà tôi… Thôi… thế bây giờ chúng ta cùng bắt tay vào việc! Lớn làm việc nặng, nhỏ làm việc nhẹ, tùy theo sức của mình! Thầy Tánh vừa hô hào, cả thảy mọi người cùng chung sức chung lòng. Vui nhất vẫn là mấy cô, cậu học sinh vùng bản. Nhìn các em rạng rỡ vui cười, Hưng tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.
- Vuông! Vuông, chờ thầy đã.
- Mẹ không cho em học nữa đâu. Em phải ở nhà trông em cho mẹ lên rẫy mót ngô, mót sắn. Mẹ bảo cái ăn còn chưa đủ thì cái học không cần bây giờ. Thầy về đi!
- Em có thể cõng em đến trường học cùng mà. Thầy sẽ nói chuyện với mẹ em. Mẹ em sẽ đồng ý thôi.
- Nhưng em… em không có tiền mua sách. Em không có quần áo mặc đi   học. Em… em không muốn gặp lại các bạn đâu. 
- Thầy và các thầy cô trong trường sẽ giúp đỡ em. Chỉ cần em đến lớp thôi Vuông à! 
Cũng gần một tháng ở bản, mải bận với việc khắc phục lại trường học, đến từng nhà để vận động các em học sinh đi học lại, cả việc giúp đỡ bà con vùng đồng bào dựng lán, chòi, nhà mới, Hưng không liên lạc về nhà. Chiều nay, Hưng cuốc bộ một đoạn đường khá xa để ra được bưu điện xã, nơi có sóng điện thoại để gọi về hỏi thăm bố mẹ. Từ đầu dây bên kia, bà Thảo, mẹ Hưng hỏi han con trai đủ chuyện. Bà bảo:
- Dưới này, mẹ đi quyên góp được một ít sách vở, quần áo cũ. Sáng mai, nhân có đoàn thiện nguyện của Đoàn thanh niên tỉnh mình lên bản, mẹ sẽ    gửi lên cho con và các cháu học sinh trên ấy.
- Dạ. Con cảm ơn mẹ!
Niềm vui đến với những cô, cậu học trò trường bản trong ngày tựu trường một sáng đầu thu. Tuy vẫn còn đó rất nhiều khó khăn nhưng chính sự chung tay góp sức của nhà trường và người dân bản đã mang đến cho các em niềm tin và hạnh phúc. Những đôi dép mới, cặp mới, những bộ quần áo, sách vở dù đã cũ… cùng những cái nắm tay, những nụ cười trao nhau khiến ai nấy đều cảm thấy ấm lòng. Trong số rất nhiều những nụ cười lấp lánh ấy, có cả con bé Vuông. Tay nó ôm chồng sách vở nhoẻn miệng cười nhìn Hưng:
- Em sẽ cố gắng học tốt! Hưng nhìn cô bé, nhìn những cô cậu học sinh của mình trong niềm vui phơi phới, lòng anh bỗng rộn lên tình yêu thương, ấm áp trở lại.


Truyện ngắn của Thu Đình

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục