Tầm 6h, chuyến xe về huyện T. cũng đủ lượng khách và từ từ rời thành phố. Buổi sáng, nắng chưa lên nên yên tĩnh, trong lành mát rượi. Phía đầu xe, một bà mẹ trẻ đang nựng cậu con trai ngủ ngon lành trong lòng. Hai vợ chồng già rủ rỉ, thì thầm câu chuyện chuẩn bị cưới vợ cho cậu con trai.

Bỗng… xoẹt, đùng… đoàng… bùm... Một cháu choai choai tầm 13 tuổi đang chơi "gêm”. Chắc là một "gêm thủ” có hạng nên ngón tay cậu ta cứ nhoay nhoáy. Chỉ tội là âm thanh to quá, mà người chơi chẳng buồn cắm tai nghe. Bố cậu ngồi cạnh thấy không ổn, lừ mắt: "Con có tắt đi không. Con có thấy mọi người đang cần yên tĩnh không”. Thấy bố cương quyết, cậu thiếu niên cũng miễn cưỡng tắt âm thanh. Nhưng một lát, cậu ta có vẻ chán, nên thôi hẳn.

Qua thành phố 10 km, xe đón khách một nhóm khách tầm 5 người. Nhưng nổi bật nhất là cặp vợ chồng nọ. Chị tầm 40 tuổi, anh chồng lại có vẻ trẻ và phong độ hơn. Từ lúc đó, nhiệt trên xe thay đổi hẳn. Không hiểu nhận thấy mình "kém cạnh” hơn hay sao mà thời trang của chị thật tung tẩy, trẻ trung đến ngỡ ngàng. Bộ váy trắng mỏng mảnh khoe đôi chân khá dài. Hai người ngồi cạnh nhau mà chị lại thấy như anh ngồi quá xa nên vẫn vắt vẻo: "Anh ơi, chồng ơi… Lấy em chai nước… Anh à, cài giúp em chiếc khuy váy phía sau…”.

Tiếng của chị trầm bổng với âm lượng lớn khiến tất cả ánh mắt trên xe đều dồn tới. Rồi tiếng chị "thánh thót” sang chuyện dự định đi spa để làm đẹp: "Em ứ làm ở tỉnh đâu. Anh ơi cho em về tận Hà Nội để "nâng tầm” nhé”. Mọi chuyện gia đình chị bắt đầu được vanh vách kể với cả xe. Chuyện mua xe, dạy con, chuyện xóm phố (mà là đang tâm sự với anh chồng ngồi cạnh đấy chứ?). Thôi, đó là một người mặn chuyện, chẳng chết ai. Giờ đến lượt chiếc điện thoại của chị cất tiếng. Dòng nhạc "bô-lê-rô” tràn ngập khắp xe. "Anh ơi, anh nghe Lệ Quên hay Quang Lê…”, sau đó là những câu hát cất lên: "Không giờ rồi anh ngủ đi thôi/ Hơi đâu mà lo lắng em ơi/ Thà nghèo mà biết mến thương nhau…”.

Điện thoại xịn nên âm thanh rất bắt tai, nhưng vẫn có tiếng xì xào phản đối. "Tranh thủ chợp mắt tý mà chẳng yên. Từ lúc chị ta lên xe là cứ rộn ràng hẳn lên”. Tiếng một cụ bà cuối xe. Dường như để phụ họa cho lời ca thán đó, người phụ nữ tiếp tục: "Anh ơi, anh xem lại cái "cờ-níp” em lai-chym hôm nọ đi tắm thác đây này”. Tiếng cười nói của du khách, tiếng thác chảy, tiếng nhạc của quán bên thác… Một thứ âm thanh hỗn tạp, inh ỏi vang lên. Đứa trẻ lúc nãy đang thiu thiu ngủ khóc váng lên. Bà mẹ thấy dường như mình có lỗi để con khóc, ảnh hưởng người khác nên mặc sức dỗ dành. Chắc thấy bà xã mình hơi quá đà, anh chồng trẻ khẽ nhắc: "Thôi tắt tiếng đi em. Mọi người không muốn nghe”. Chị vợ cụt hứng nhưng vẫn vớt vát: "Mọi người hay nhỉ, chuyện riêng của người ta cứ để ý làm gì”. Kèm theo là một cái lườm tới phía có người nhắc nhở…

Dù chị bực mình và khó chịu đến mấy, nhưng cả xe cũng phải cám ơn vì từ lúc đó cho đến khi về bến, mọi người đỡ phải chịu đựng sự hồn nhiên thái quá đó.


Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục