Khi chuyển đến khu chung cư 5 tầng ở dưới khu chợ, thằng con tôi có vẻ vui hơn. Ừ, khu này đông bạn đám choai choai như nó thật. Gần 15 đứa. Tuy gọi là phố nhưng đám nhóc toàn là con cái các gia đình lao động nên chúng cũng khá… bình dân. Nó là đứa hòa đồng và thảo nên được bạn bè quý mến. Nhưng chuyện nó mổ lợn tiết kiệm mua vé cho 5 đứa đi bể bơi, lại khiến mẹ nó có vẻ ác cảm với bọn trẻ này. Tất nhiên, nó phải lĩnh trận roi khá nặng. Nhưng nó hay quên nhanh, nên ngay hôm sau đã dẫn bạn về nhà chơi như không có chuyện gì.

Nhưng mẹ nó lại có vẻ không ưa lắm. Nhất là khi mẹ nó điều tra ra chuyện: thằng cu Nam, tóc cắt bốc kia con nhà bán kem dạo, học tập chỉ mức trung bình; còn thằng Bình còi ngày trước hay sưu tập quả khóa đồng của hàng xóm (hình như giờ đã thôi); thằng Vĩ, đứa mập mập mắt một mí, tóc đen dày, có anh trai đang ở một "công trường xa" để cai, mà bố mẹ việc làm không ổn định… Còn mỗi thằng Tư có bố mẹ là viên chức là cô ấy có vẻ tin tưởng. Mẹ nó phán: "Còn chọn bạn mà chơi… Nhà thằng Tư căn bản, lại học giỏi… Con phải phấn đấu". Thằng con tôi có cá tính đến mức ương ngạnh nhưng nó vẫn bình tĩnh trả lời mẹ: "Con chỉ muốn là con… Con chỉ học mức tiên tiến. Dù cố gắng. Nhưng con có làm gì khiến mẹ thất vọng chưa?".

Ừ, quả thật, dù nó học không quá xuất sắc và dù có "vụ mổ lợn" nhưng nó cũng không quá đà trong chơi bời. Đến giờ biết nấu canh, cắm cơm chờ bố mẹ về. Quần áo của bố mẹ bẩn biết cho vào máy giặt. Đôi khi cũng biết động lòng trắc ẩn vì bạn. Nhưng với mẹ, nó là đứa dở hơi, như chuyện vận động các bạn tiết kiệm giúp một bạn cùng lớp mua bộ sách giáo khoa và thẻ bảo hiểm hồi lớp 7, vì bố mẹ bạn ấy đi làm xa tận Tây Nguyên, bạn ấy ở với ông bà. Tôi thấy cần trao đổi với nó: Con làm việc tốt nhưng cũng phải phù hợp. Tiết kiệm hay làm gì cũng phải nói với bố mẹ. Tự tiện nhịn ăn sáng một tuần giúp bạn cũng không hay đâu… Nó cười hiền hiền, nhưng ánh mắt lấp lánh vui. Ở một mức độ nào đó, tôi có thể chia sẻ với nó. Ngay như chuyện học hành, nó thông minh và có năng khiếu ngoại ngữ. Nếu làm bài cẩn thận và bình tĩnh hơn chắc vươn lên mức giỏi đấy. Nó ậm ừ cho qua… Nhưng riêng việc nó có bạn chơi toàn gia đình "không căn bản”, lại khiến mẹ nó bừng bực. Hôm qua, lần đầu tiên tôi thấy nó cứng lý với mẹ: Mẹ phải nhìn bọn con cái nhìn thông cảm chứ. Như bạn con, anh bạn ấy nghiện ngập, nhưng bạn ấy vẫn bình thường, tốt bụng. Còn là vận động viên điền kinh thi đấu cho trường…

Mẹ nó chẳng vừa, sa sả: Mẹ đã điều tra… Bố mẹ nó không việc làm ổn định, đã thế còn chẳng chịu làm ăn. Anh trai thì thế…, liệu có tương lai… Con chơi với nó liệu có tương lai? Tôi là chưa quên vụ lấy tiền nhà đi khao thiên hạ đâu - Mẹ nó dài giọng đai.
Không đừng được, tôi phải lên tiếng: 

- Sao em lại nhắc lại chuyện cũ… Con đã nhận ra cái sai và viết bản kiểm điểm rồi mà. Anh thấy cái chuyện nó chơi với bạn này, bạn nọ, em không nên nặng nề thế… Định kiến sẽ khiến chúng ta có cái nhìn méo mó đối với những người xung quanh.

Lại chu chéo, lại trách móc. Mệt thế. Đến mức tôi không thể tiết lộ chuyện con mình tâm sự, chỉ vì nghe mấy bạn nói suốt 2 hè nay chưa được đi bể bơi lần nào thôi, nên nó mua cho bạn vé, kèm thêm mấy que kem chiêu đãi… Nhà thằng Vĩ "một mí" ở tầng trên, nên việc đi lại gặp nhau ở cầu thang là thường xuyên. Nhưng tuần này, lần đầu tôi đã chủ động lên nhà chơi để tìm hiểu. Hình ảnh nhìn thấy đầu tiên là nó đang miệt mài lau nhà. Ừ, tầng trên mùa này không điều hòa là khó ở. Lại có tiếng rên, nó chạy vội sang chái phòng: Ôi, mẹ muốn gì bảo con. Sao lại tự tiện đi thế này, ngã thì sao, từ từ thôi nào - Giọng nó có vẻ lo lắng. Đợi nó lập cập bê bát cháo lên cho mẹ trong buồng, tôi mới lên tiếng đánh động. Nó có vẻ bối rối. Tôi trấn an: Bác lên chơi nhà bình thường thôi. Đến một tháng rồi mà chưa thăm nhà hàng xóm… May nó không ngại ngần quá và cũng bắt chuyện thân thiện. Nó sáng bừng khuôn mặt khoe: Bố cháu vừa lên thăm anh cháu về. Nghe có vẻ ổn chú à. Anh cháu mà về đi làm công ty cũ, nhà cháu chắc sẽ có thêm thu nhập…

Mọi chuyện cũng tuần tự trôi đi. Đám trẻ ấy vẫn đi học, đá bóng và quậy nhắng sân tập thể. Nhưng trưa nay vừa đi làm được hơn 1 giờ đã có điện thoại reo inh ỏi. Tiếng bác tổ trưởng tổ dân phố hốt hoảng: "Về ngay… Nhà anh có kẻ trộm muốn đột nhập”. Lao về, sân, cầu thang đông người. Dưới sân, 2 thanh niên mắt liên láo, xanh rớt đang bị bao vây bởi người dân trong khu và mấy anh công an. Loáng thoáng câu chuyện: Thấy cầu thang vắng, 2 đạo chích tìm đến tầng 3 định đột nhập nhà tôi. Nghe động, thằng Vĩ "một mí” ló đầu nhìn xuống và thấy 2 kẻ khả nghi đang cạy cửa. Không biết làm thế nào, nó đành ném một xô nhựa to đựng ông bơ sắt, vỏ bia, chai thủy tinh đánh soảng xuống tầng dưới, đồng thời tri hô. Nghe tiếng động lớn, mọi người tầng dưới lao lên, trên lao xuống. Cái gậy hơn 1 m dùng trong môn đẩy gậy của Vĩ "một mí” phát huy tác dụng. Thấy cây gậy dài và đông người, 2 thằng kia bó tay không dám động thủ… Thế đấy, được phát biểu trước ống kính truyền hình, thằng Vĩ vai vác gậy, nói dõng dạc: Thấy nhà hàng xóm bị kẻ trộm phá  khóa, sẽ mất mát tài sản, em thấy như đó là nhà của mình. Nên không thể im lặng được…

Muốn có một bó hoa tươi tặng cậu bé mắt một mí tầng trên quá. Còn nhà tôi mặt thì ửng đỏ và mắt thì rưng rưng…

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục