(HBĐT) - Vừa vào nhà, ông Thân thấy vợ vội vàng đưa tay chùi mắt và nhìn lảng bâng quơ sang phía khác. Xung quanh, đứa cháu ngoại và mấy đứa trẻ vẫn râm ran trò chuyện. Còn tivi thì đang chiếu toàn cảnh vùng lũ miền Trung, với những hình ảnh chân thật về con người, cuộc sống vùng lũ bão, đang gượng dậy sau đau thương, mất mát…


Lại có chuyện gì đấy, xem ti vi mà sụt sùi, chắc trời đi vắng!?. Mọi hôm, vừa vào ngõ, đã thấy mắng chó mèo, rồi kêu ca mấy đứa cháu, con hàng xóm bày bừa bộn nhà cửa. Nay thấy đa cảm thế, chắc        có chuyện…
- Gì thế bà, nhà mình có chuyện gì à? - Nghe ông hỏi vậy, bà Thân như chỉ chực có thế, tu tu một hồi như đứa trẻ bị nghi oan chuyện gì đó.
- Đấy ông xem, cả đêm qua, nghe gió mưa ngoài trời, không ngủ được đã đành, sáng nay xem toàn cảnh lũ bão miền Trung, lòng thắt lại. Bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, rồi bà con vùng lũ gặp nạn; nhà bị sập, lở đất đai. Hôm nay, xem báo, thấy hình ảnh một em học sinh từ trường nội trú trở về, phủ phục trước nấm mồ cha mẹ… Em không kiềm chế được…Hôm qua, nhà mình đã ủng hộ qua tổ rồi, nhưng bọn em cũng đã bàn nhau…
Mọi khi bà nhà có đa cảm thế đâu. Tính không hẹp hòi, nhưng lại thích sòng phẳng, rõ ràng. Mua ẩu, vớ phải miếng đậu chua từ hôm trước của mấy bà bán điêu, bà ấy giãy nảy lên. Mớ rau ngoài tươi, trong gẫy dập, héo úa là bà muốn cãi tay đôi với mấy bà ngoài chợ. Nhưng đôi khi thấy mấy em nhỏ bán mớ rau hái từ vườn nhà, bà mua ủng hộ luôn cho mấy mớ; không ăn hết, bà chuyển cho nhà hàng xóm. Tiền thừa mấy nghìn cũng lờ tịt, không đòi trả… Thế đấy, con người có nhiều mâu thuẫn, nhưng cũng có nhiều mặt tốt, nên vợ chồng ở đến bây giờ. 
Cũng vừa lúc đó, bác tổ trưởng đến, không đãi đằng gì thêm, bác  nói luôn:
- Hôm nọ, chị em mình đã chốt rồi, cứ làm thế nhé… Chả là có tổ chức thiện nguyện nọ đang có chương trình vào miền Trung, bà con khu mình và mấy tổ bên cùng đi quyên góp quần áo, sách vở; mua lá, gạo nếp gói bánh chưng, trữ thêm đồ khô để để đóng gói gửi vào miền Trung. Mà nhóm thiện nguyện đã lên lịch rồi đấy… Nhanh tay lên thôi…
Ngay chiều hôm đó, nhà bà Thân thành "xưởng” chất đồ và là nơi gói bánh của các bác, các cô (vì nhà rộng mà). Không khéo tay như các bà, các chị, ông Thân và mấy bác khác nhận nhiệm vụ rửa lá, bổ củi để nấu; đám trẻ con thì lau lá, quét dọn đồ vương vãi. Không phải Tết mà xung quanh nồi bánh chưng, mọi người tụ tập thật đông và câu chuyện cũng chỉ xoay quanh miền Trung thân yêu, làm sao có nồi bánh chưng ngon nhất. Lúc hoạn nạn cần có nhau, truyền thống cha ông thế mà. Đang rôm rả chờ bánh chín thì nhóm trẻ con trong khu đến gặp bác tổ trưởng và lúng túng: "Chúng cháu có chút ít gửi ủng hộ các bạn nhỏ miền Trung. Để các bạn vơi bớt những khó khăn, sớm trở lại trường lớp ạ”. Phong bì mảnh, nhỏ mà ấm nóng quá. Cám ơn các cháu đã đồng hành cùng mọi người. Bỗng lúc đấy có tiếng bà Thân: "Mọi người ngừng tay ăn bát chè đã nhé, tôi đã nấu xong rồi”. Ngoài trời mưa đã tạnh, hy vọng nhóm thiện nguyện mang quà vào kịp thời với đồng bào ta trong đó. 

Bùi Huy


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục