(HBĐT) - Ngày mai, ngày kia và có thể cả tuần sau, sau nữa sẽ tiếp tục là những chuỗi ngày bận rộn. Phải ăn, ngủ điều độ theo đúng quân lệnh để đảm bảo sức khỏe sẵn sàng tác chiến. Nghĩ vậy, nhưng tiếng kèn hiệu lệnh giờ đi ngủ của doanh trại đã vang lên từ lâu, Thiếu tá Lê Dũng vẫn không thể nào chợp mắt. Anh bật dậy mở toang cửa sổ để ngắm ánh trăng mờ ẩn sau lớp sương đêm dày đặc.

Chắc giờ này Bông, Bi đã đi ngủ, còn Thương, mẹ của các con anh vẫn đang cặm cụi chuẩn bị trang giáo án cho giờ dạy ngày mai. Liên tưởng đến những hình ảnh êm đềm đó, lòng anh chợt cuộn dâng nỗi nhớ đến nao lòng, dù rằng anh vừa nói chuyện video facetime với các thiên thần của mình sau bữa cơm tối. Cũng đúng thôi, bởi đã hơn 8 tháng nay anh không được về nhà. Ngay lúc này, anh thèm được ngồi trong chiếc sofa ấm áp, dang rộng đôi cánh tay ôm ấp hai con vào lòng và nghe vợ kể về các loại thành tích, bao gồm cả thành tích trong nháy nháy của hai chị em. Thả nụ cười nhung nhớ theo ánh trăng xa mờ, anh khép nhẹ khung cửa sổ thong thả bước tới bàn làm việc. Anh viết nhật ký. Đó là thói quen kể từ khi được điều động về làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở huyện vùng cao này.

Lại một ngày nữa ngập đầu trong công việc. Mẹ đã từng ngăn cản vì không muốn mình phải chịu vất vả, gian nan. Nhưng mình muốn vậy, "làm trai cho đáng nên trai”. Mình đã làm được và giờ chắc mẹ đang dõi theo, ủng hộ mình.

Ngày anh bày tỏ nguyện vọng nhập ngũ, bước tiếp con đường cha đã chọn, mẹ đã khóc hết nước mắt bảo rằng: Cuộc sống bộ đội nay đây, mai đó, con đi rồi mẹ biết trông cậy vào ai lúc tuổi già. Anh an ủi mẹ: Bộ đội thời bình mà mẹ, hết thời gian huấn luyện con sẽ về thăm mẹ thường xuyên, rồi con sẽ cưới một cô vợ ở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ. Biết không ngăn được con trai, mẹ gạt nước động viên: Thôi con đi mạnh giỏi, đã là người lính, dù ở thời chiến hay thời bình cũng phải dũng cảm, kiên cường, hết lòng vì đất nước, vì Nhân dân.

Từ khi khoác trên mình bộ quân phục, khoác ba lô, đeo phù hiệu… của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh đã đặt ra mục tiêu cho mình: Phải luôn tích cực rèn luyện, học tập, phấn đấu hoàn hành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương. Có thành tích xuất sắc trong phong trào "Thi đua quyết thắng” ở đơn vị, hết thời gian nghĩa vụ, anh được tuyển chọn để trở thành quân nhân chuyên nghiệp.

Thêm 4 năm công tác ở quân khu, anh để lại cho mẹ những tháng ngày đằng đẵng mong chờ. Lần nào về phép mẹ anh cũng lặp lại một câu hỏi: Bao giờ mẹ mới có con dâu, có cháu để bế bồng? Anh hiểu nỗi lòng của mẹ. Ba năm làm vợ mẹ mới có được thiên chức làm mẹ. Ngày có anh, ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười vì ông bà, chú bác, hàng xóm, láng giềng, những người thân quen đến chúc mừng, bế ẵm. Nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang”. Khi anh mới tròn 1 tuổi, tiếng gọi ba chưa tròn thì mẹ nhận tin dữ: Cha đã hy sinh khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Từ đó, mẹ một mình lẻ bóng, nuốt nước mắt vào trong để vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi anh khôn lớn. Dẫu có phần hơi muộn, nhưng anh cũng đã thỏa nỗi mong chờ của mẹ khi cưới Thương, cô em hàng xóm dịu dàng về làm con dâu mẹ. Tiếc rằng, căn bệnh hiểm nghèo đã sớm đưa mẹ đi tìm cha ở thế giới bên kia.

Sau 8 năm ở quân khu, anh được điều động về tỉnh, rồi từ tỉnh về huyện làm chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở huyện miền núi này. Đã khá rành về vùng đất, con người nơi đây từ khi còn công tác ở Tỉnh đội, anh hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ. Để nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, anh đã dành thời gian bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Bởi thế, hơn 2 năm công tác ở huyện, anh đã rành rẽ mọi con đường đến với các bản, làng, nghe, nói khá trôi chảy tiếng Mường và nghe, hiểu, nói được tiếng Thái, Mông. Mỗi tháng, anh và những đồng đội có cả chục chuyến đi đến với các bản làng để giúp dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần giữ gìn trật tự an ninh cơ sở…

Hơn 2 năm xây dựng hoạt động, phong trào của đơn vị đi vào nề nếp, anh nghĩ từ nay sẽ tranh thủ ngày cuối tuần để về với gia đình nhỏ của mình. Nhưng, mọi chuyện không được như anh sắp đặt. Đại dịch Covid-19 đến làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng núi cao bình yên, thơ mộng này. Cùng với các chiến sỹ áo trắng, các chiến sỹ áo xanh như các anh được xem là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, khai báo chặt chẽ thông tin cá nhân đối với người từ vùng dịch trở về. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức bố trí, sắp xếp, tiếp nhận, phục vụ công dân cách ly ở khu cách ly tập trung của huyện. Công việc bộn bề, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, anh chỉ có thể trò chuyện với vợ và các con qua màn hình điện thoại.

Xa nhà từ cuối mùa xuân, nay tiết trời đã chuyển sang đông, anh vẫn chưa thể trở về. Nhớ lắm nhưng anh vẫn dằn lòng, bởi mình là con của lính và cũng là người lính, phải biết hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Khép lại trang nhật ký, anh ép mình chìm sâu vào giấc ngủ để có sức lực tiếp tục bước đi trên con đường mà anh đã chọn.

Truyện ngắn của Lam Nguyệt


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục