(HBĐT) - Cơn mưa phùn sáng nay như kéo thời gian trôi nhanh về những ngày giáp Tết. Sáng sớm đi chợ, phát hiện ra quán xá tẻ nhạt hàng ngày bỗng nhộn nhịp bất thường bởi một mặt hàng khác lạ - hành muối. Nhớ đến những Tết xưa, đầu tháng chạp đã tất bật nén một vại dưa hành và sau lễ cúng ông Công, ông Táo tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ - là Tết sắp về. Vì vậy, thuở bé, Tết được báo hiệu bằng khoảnh khắc tìm thấy trong cái làn nhựa đi chợ của mẹ ngoài những mặt hàng quen thuộc có thêm đôi ba cân hành củ.

Và từ đó, hương vị của những ngày giáp Tết chỉ xoay quanh những củ hành mẹ vừa mua về. Một trong những ký ức đẹp nhất về những ngày giáp Tết chính là món hành nướng thơm nức mà có lẽ bất cứ đứa trẻ nào của những năm 80 cũng đã từng nếm thử. Tôi nhớ, nơi tôi ở có một cái sân chung, bình thường là nơi tụi nhỏ tụ tập, nhưng đến những ngày giáp Tết trở nên đông vui hơn... bởi người lớn. Đậu xanh, măng khô, mộc nhĩ... cất kỹ cả năm nay được các mẹ lôi ra phơi những nắng cuối cùng để rũ tan ẩm mốc. Khoảnh sân ấy cũng là nơi các mẹ rủ nhau lột vỏ, cắt rễ hành củ trước khi đem muối. Và thời điểm ấy, trẻ con trong xóm thành lập nhóm "trộm hành". Mỗi đứa có nhiệm vụ về lấy của nhà mình vài củ hành rồi chung nhau lại đem nướng. Cái rét se lạnh, nhóm một đốm củi, dùng một chiếc cắp tự chế vùi những củ hành vào lớp than hồng. Vài phút sau, lớp vỏ ngoài cùng bắt đầu cháy hết, dậy mùi thơm, xoa xoa củ hành trong lòng bàn tay nhỏ, bóc đi lớp vò cháy xém, một làn chỉ khói bốc lên, vừa cho vào miệng vừa xuýt xoa vị ngọt ngọt, bùi bùi mà thơm nức vị hành nướng. Cứ thế, trò nướng hành kéo dài vài ba lần cho đến khi khoảnh sân chung xuất hiện những hũ hành lèn chặt, phơi sương, phơi nắng chờ ngấu để có món dưa hành bắt vị.

Ngoài nướng hành, còn một món nướng nữa mà có lẽ cho đến tận bây giờ tôi không thể quên được đó là khoai tây. So với hành nướng thì khoai tây nướng xa xỉ hơn nhiều, bởi ngày ấy, cũng giống như hành, khoai tây hầm xương là món ăn chỉ có trong ngày Tết và không phải nhà nào cũng có điều kiện mua nhiều khoai tây. Những củ khoai tây nhỏ, lùi trong than hồng nồi bánh chưng, khi chín mềm, ruột vàng ươm, nở tơi và thơm phức là những ký ức ngọt ngào của những năm tháng xưa - khi cuộc sống còn khó khăn, và Tết thực sự là một niềm náo nức với trẻ nhỏ.

Nhưng có lẽ nhớ nhất những ngày cùng mẹ tíu tít đi chợ quê, bố mua về một cành đào phai rất nhỏ, mẹ thì thích bích đào cắm bình trên ban thờ. Sau khi mua đủ những thứ cần thiết, mẹ rẽ ngang hàng quần áo, mua cho đôi giày mới, chiếc áo đẹp để diện sáng mùng Một đi chúc Tết ông bà. Chiều 28 Tết, hàng xóm tập trung trên khoảng sân chung để gói bánh chưng. Chúng tôi lại chí chóe đòi mẹ để có những "sản phẩm" của riêng mình - đó là những chiếc bánh chưng con như một cách thi tài với nhau. Thế là Tết, giản đơn, dung dị như thế!

Đi qua năm tháng, Tết giờ đã khác nhiều, trong dòng người hối hả, tấp nập, bỗng muốn sống chậm lại, thảnh thơi tận hưởng không khí chuyển giao của đất trời. Tết đang đến thật gần, có ai đó nói rằng, thời gian vốn là một vòng tròn không có quỹ đạo và Tết chính là điểm khởi đầu của quỹ đạo ấy. Con người cũng thế, cứ thế đi trong một vòng tròn của cuộc đời mình, từ những vui - buồn, bất hạnh và hạnh phúc, được và mất. Nhưng trước một sự khởi đầu mới, trên tất cả, người ta luôn luôn hy vọng và tin tưởng để có một năm mới an lành, hạnh phúc và may mắn hơn.


Tản văn của Phương Linh

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục