Ghi chép của Bùi Việt Phương

Thu đã về trên những con phố, người qua đường đã cảm nhận được không khí dịu mát chứ không còn oi bức như những ngày mùa hạ. Trời đất lặng lẽ vào thu bằng những cơn mưa chiều ập đến, nước mưa tràn mái phố, nước ngập những vòng xe hối hả trở về tổ ấm. Ở xứ sở nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, mùa thu thường bắt đầu bằng sự chuyển mình như thế…

Ở những mái trường, sau đợt nghỉ hè dài vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các thầy, cô cũng đã sơn sửa, quét dọn để có được những phòng học khang trang đón học sinh thân yêu vào năm học mới. Đã nhiều tháng nay, các em nhỏ cùng với cha mẹ, thầy cô thực hiện giãn cách xã hội, cùng khắc phục khó khăn bằng việc hoàn thành năm học cũ với rất nhiều hình thức sáng tạo mới. Trong những giờ học trực tuyến, thầy và trò cùng động viên nhau vượt qua những hạn chế của sự xa cách, của việc không được tương tác trực tiếp để có được một kết quả tốt nhất.

Mùa thu này, những em bé lần đầu tới trường trong một niềm háo hức dưới nắng vàng miền sơn cước. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, chúng ta càng trân quý hơn những giây phút này. Ngày đầu tới lớp là một kỉ niệm thật đặc biệt với mỗi em nhỏ. Những ánh mắt vừa mới đấy thôi còn rụt rè, bỡ ngỡ giờ đã kịp hoà vào đám bạn mới cùng nô đùa. Tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên, trong sáng và đầy ước mơ. Trong thời điểm nào, dù gian khó nhất, chúng ta vẫn nỗ lực, vượt lên mọi hoàn cảnh để các em được đến trường trong bình yên. Mùa thu hôm nay là khởi đầu cho những thành công của các em mai sau.

Mùa thu, lúa đã nặng hạt trên những cánh đồng. Vụ cấy khẩn trương hôm nào dưới cái nắng nóng mùa hè với những giọt mồ hôi tưới trên cánh đồng, hôm nay đã đền đáp người nông dân bằng những bông lúa uốn cong chờ nắng tháng mười hong vàng tươi. Mùa vụ là hồn vía của làng quê, gió đồng mang hương lúa, mùi rơm thơm… là nguồn sinh khí thổi vào tâm hồn những cư dân của nền văn minh lúa nước để rồi từ đó những khúc ca, điệu múa, lễ hội… được sinh ra.

Cách đây chừng mấy chục cây số có một chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đưa trên 300 tấn lương thực, thực phẩm xuôi về phương Nam để đến với đồng bào vùng tâm dịch. Vẫn biết, đã có rất nhiều chuyến hàng ủng hộ miền Nam từ nhiều địa phương trên cả nước, nhưng có lẽ, khi được cảm nhận mùa màng và những nỗ lực để làm ra hạt gạo, bó rau trên quê hương mình vẫn đem lại cảm xúc thật đặc biệt. Người miền núi hiền lành, chất phác chỉ quen tay cày, tay cuốc nhưng tấm lòng thơm thảo, mến khách quý người. Sâu thẳm trong tâm hồn của họ là những suy nghĩ giản đơn, mộc mạc: Dân tộc nào cũng là anh em, vùng miền nào cũng là đồng bào nước Việt. Trên 300 tấn hàng đó là thực phẩm để giúp bà con Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt qua khó khăn, vững lòng chống dịch nhưng cũng là liều "vacine” tinh thần "tương thân tương ái” đầy cảm động mà chúng ta muốn gửi đến với bè bạn, anh em - những người chưa một lần gặp mặt mà yêu quý, gần gũi vô cùng.

Tinh thần nhân ái, đoàn kết và khí phách ấy khiến chúng ta gợi nhớ về những ngày đầu thu của 76 năm về trước. Cùng với phong trào cách mạng ở nhiều địa phương cả nước, tổ chức Đảng và Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã đứng lên giành chính quyền về tay Nhân dân, kết thúc thời kì cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến địa phương. Những câu chuyện mùa thu, những bài học xương máu cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình đoàn kết dân tộc vượt qua khó khăn để đánh bại mọi kẻ thù dù hữu hình hay vô hình, dù với vũ khí thô sơ hay công nghệ cao. Trong mùa thu này, những đoàn cán bộ, y tế của tỉnh đã Nam tiến hỗ trợ các tỉnh miền trong "chống dịch như chống giặc". Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các tỉnh miền Bắc, miền Trung với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hôm nay, tinh thần ấy đã một lần nữa khiến chúng ta hết sức tự hào; tinh thần dân tộc, tình người được phát huy cao độ.

Ở mỗi vùng đất, mùa thu lại mang đến cho con người những xúc cảm riêng. Nếu ở đồng bằng Bắc Bộ, sương sớm, sương chiều bảng lảng nơi mặt ao, mặt hồ mang theo chút se lạnh thì ở miền núi chiều thu đẹp bình yên. Dòng Đà Giang nhập vào biên giới và chạy dọc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ mùa này lặng lẽ và xanh trong. Dọc theo dòng sông ấy là những cánh đồng lúa, những thành phố với tốc độ xây dựng mau lẹ và nhịp sống vui tươi. Trong những năm qua, các vùng đất vốn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này đã chuyển mình mạnh mẽ. Tiềm năng du lịch từ việc phát huy các giá trị văn hóa, từ điều kiện tự nhiên như khí hậu, cảnh quan… được khai thác để phát triển du lịch. Các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống của địa phương được áp dụng khoa học, kĩ thuật đem lại năng suất và giá thành cao cho các hộ dân. Người dân Hòa Bình và đồng bào các tỉnh miền Tây Bắc đang vững vàng từng bước thoát nghèo, vượt khó, tích lũy và làm giàu bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để quê hương đẹp và xanh như thế.

Mỗi mùa thu, chúng ta đón đàn em nhỏ đến trường, những người mai này sẽ được tiếp thu những bài học lịch sử về vùng đất, con người nơi đây. Mùa thu hái những thành quả trong lao động và sáng tạo lại cũng chính là mùa bắt đầu gieo mầm những hy vọng cho những khát vọng tri thức trong tương lai. Hai sự vận động tưởng như khác biệt nhưng lại song hành, nâng đỡ cho nhau. Chỉ còn ít ngày nữa, ánh trăng rằm tháng Tám lại chiếu sáng trên khắp đất Mường. Có thể giờ đây, các em nhỏ cũng sẽ chung tay cùng cha mẹ, thầy cô thực hiện tốt quy tắc 5K để phòng, chống dịch Covid-19, tạm gác những cuộc vui dưới trăng rằm nhưng không phải vì thế mà mâm cỗ mùa thu kém đi phần háo hức, vui tươi.

Trên quê hương thanh bình và phát triển từng ngày, mỗi mùa thu đến là một niềm vui mới.


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục