(HBĐT) - Ra Giêng, khi hơi hướng mùa xuân vẫn còn vấn vương khắp nơi, nhận được lời mời của đồng nghiệp ở nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Lào Cai: Lên mùa này không chỉ đi các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, đèo Ô Quy Hồ, khám phá rừng Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, danh thắng du lịch Sa Pa mà còn có thể lên biên giới, lên cột cờ Lũng Pô bên sông Hồng, thăm anh em đồn biên phòng và bà con vùng biên…

Hoa đào, hoa mận nở rực rỡ chào đón du khách gần xa… Lời mời khơi gợi lại những ngày tháng 2 hào hùng năm nào, về những tháng ngày biên cương Tổ quốc không bình yên; về những ngày cả nước cùng chung tay, chung sức, không quản hy sinh giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của đất Mẹ. Mùa xuân biên cương bao giờ cũng có sức hút đối với bất kỳ ai…

Trước đây, biết đến các vùng đất biên giới chủ yếu qua kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài viết, ký sự, bài thơ, bài hát về các vùng đất biên cương đã là một phần không thể thiếu trong mỗi ngày Tết, ngày xuân và cả trong cuộc sống học tập, lao động sản xuất thường ngày. Những người thuộc thế hệ 5X, 6X, 7X và những ai dành tâm huyết cho biên cương, cho quân và dân nơi đây làm sao quên được các cụm từ "biên giới Tây Nam”, "biên giới phía Bắc” trong mỗi bản tin, bài báo, nhất là những năm biên giới không bình yên; cảm nhận rõ nét, sâu sắc câu thơ, lời nhạc của Tạ Hữu Yên - Phạm Minh Tuấn trong bài "Đất nước”: "Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc/ Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con”. Tập thơ, ký "Trận tuyến phía Bắc” được nhiều bạn đọc tìm và truyền tay nhau dù giấy in xấu, mờ. Sinh viên các trường đại học thời đó chép cho nhau những bài thơ mang hơi thở cuộc sống và chiến đấu ở các tỉnh biên giới lúc đó. Nhiều bài sau đó được phổ nhạc: Tôi không thể nào mang về cho em/ Trên những đồi biên cương chảy máu/ Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu/ Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An (Tôi không thể mang về cho em - Hoàng Nhuận Cầm). Nhiều bài hát phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người như: "Chiều dài biên giới”, "Chiều biên giới”, "Hoa sim biên giới”, "Thư về cho em”… Những địa danh mỗi khi nhắc đến đều khiến lòng người hậu phương thấy yêu thương, gắn bó, như: Pò Hèn, Cao Ba Lanh (Quảng Ninh), Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Vị Xuyên (Hà Giang)… Lớp lớp thanh niên, sinh viên đã lên đường mang câu hát "Hãy cho tôi lên đường” thôi thúc. Biên giới một thời rực lửa, ác liệt, bao lớp người đã kiên cường lên tuyến đầu giữ đất đai, cây cỏ từng thấm đẫm tâm huyết, máu xương của bao đời. Cả nước hướng về biên giới, hải đảo bằng những việc làm thiết thực nhất. Tình yêu biên giới, tình yêu đất nước được lan tỏa, nhân lên mãi không ngừng…

Rồi có lúc, cũng có dịp đến các vùng biên từng một thời lửa đạn, nay yên bình phát triển. Mảnh đất Hà Tiên (Kiên Giang) phía Tây Nam, mảnh đất biên cương vùng Móng Cái (Quảng Ninh), cột mốc ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Sóc Giang (Cao Bằng)… Thật kỳ lạ, chạm tay vào cột mốc, nhìn rừng núi biên cương xanh ngắt mờ xa, thấy thiêng liêng vô cùng như chạm vào quá khứ, lịch sử hào hùng, "gặp” được bao lớp người đi giữ cương thổ Việt Nam. Cách đây vài năm, trong đêm lửa trại ở huyện vùng biên Phong Thổ (Lai Châu), được thăm đền và nghe câu chuyện về Nàng Han huyền thoại cầm quân đánh giặc năm xưa, giữ yên cả một vùng biên rộng lớn; nghe về cuộc sống chiến đấu của các chiến sỹ đồn biên phòng Ma Lu Thàng anh hùng, càng thấy ý nghĩa của mỗi tấc đất biên cương hôm nay. Tiếng suối Nậm Cúm sát đường biên thao thiết chảy đêm ngày, như một "nhân chứng sống” về những con người kiên cường, hiên ngang nơi phên dậu Tổ quốc. Nơi cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang), thượng nguồn sông Lô ở cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), hay nơi dòng sông biên giới - sông Hồng ở Lào Cai… đều có dấu chân miệt mài không mỏi của những chiến sỹ biên phòng, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc giữ vững biên cương. Xuân này lại lỡ hẹn với hoa đào vùng biên, bỗng nghe đâu đó câu hát "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa…” mà thấy xốn xang trong lòng, mong ước có dịp trở lại miền biên viễn xa xôi và thân yêu của Tổ quốc.

Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục