(HBĐT) - Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay (đội ngũ cán bộ y tế, Công an, bộ đội…), lại chợt liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim chiến tranh của Nga: Phim "Tinh cầu”, dù cuộc chiến chống dịch hôm nay không hề có bom rơi, đạn nổ. Để tạo điều kiện cho nhóm chiến sĩ đột nhập vượt qua chiến tuyến để lọt sâu vào sau lưng của phát xít Đức, hồng quân Liên Xô đã dùng pháo binh dội lửa đạn pháo để nhóm chớp thời cơ tiếp cận tiền duyên. Bình thường, con người phải cố gắng né hết mức có thể để tránh những lúc, những nơi bom rơi, đạn nổ, nhưng nhóm chiến sĩ phải lao vào vùng lửa đó để tạo nên những bất ngờ đối với đối phương. Vì thế, hình ảnh: trong ánh chớp của đạn pháo, họ đã lao lên và chìm lẫn trong khói thuốc súng, chìm vào bóng đêm cùng những tiếng nổ long trời, lở đất, thật ấn tượng. Chiến tranh và sự cảm tử anh hùng là như vậy. Hình ảnh đẹp, hào hùng đó cứ trở đi, trở tại trong tâm tưởng…khi nghĩ về những người trên tuyến đầu chống dịch hôm nay…

Hơn 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi… Miền xuôi, miền ngược, miền Bắc, miền Nam. Cả nước căng mình, các lực lượng và toàn dân chung sức, chung lòng phòng, chống dịch. Thật đáng nhớ hình ảnh các "chiến sĩ áo trắng”, lực lượng bộ đội, công an… ngày đêm miệt mài công việc ở các chốt kiểm dịch, khu cách ly, điểm điều trị, bệnh viện dã chiến…Và hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ trong bộ đồ màu xanh bảo hộ được toàn dân ghi nhận, đánh giá cao. Họ đã trở thành niềm tin, điểm tựa tinh thần trong những lúc khó khăn nhất. Đã có biết bao bài báo, bộ phim, tác phẩm văn thơ viết về họ. Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ cho nhau về những nội dung bộ phim tài liệu "Ranh giới”, "Ngày con chào đời”, "Chuyện ở thành phố thức”,”Bình yên con nhé”… Dù chủ đề các bộ phim khác nhau nhưng đều xoay quanh trục: Những chiến sĩ áo trắng - Covid-19 - Những con người trong vòng xoáy của dịch, sự hy sinh thầm lặng, cùng tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Thật cảm kích, xúc động khi đọc bài thơ của một thầy thuốc nơi tuyến đầu với những chi tiết, hình ảnh lay động lòng người: Bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở/ Tất bật suốt ngày rồi lại trực đêm/ Kiệt sức sõng soài lại gắng đứng lên Đồng đội tự chăm nhau như anh em thân thiết! (Trong tâm dịch Covid)… Chắc chắn, hiện nay và sau này, các nhà làm phim, nhà văn, nhà thơ… còn sáng tạo nên nhiều tác phẩm để phản ánh đầy đủ, cụ thể và xúc động về những ngày cả nước đồng sức, đồng lòng chống dịch. Trong đó, có những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh luôn làm việc bằng tâm thế "Lương y như từ mẫu”, lăn xả cuộc chiến nước sôi, lửa bỏng này. Từ những câu chuyện đẹp, xúc động được thể hiện trên phim ảnh, báo chí, đến câu chuyện chống dịch hàng ngày ở mỗi khu dân cư, bệnh viện, trạm y tế, khu cách ly… đều đáng trân trọng và luôn là chất xúc tác thúc đẩy, động viên, đồng hành cộng đồng trong cuộc chiến này. Trong "đội quân” đó, những y, bác sĩ tỉnh nhà cũng tạo dựng được những sự cảm mến, sự chia sẻ, đồng cảm từ chính những việc làm cao cả của mình nơi tuyến đầu. Mới ngày nào, nhiều người tạm rời xa quê hương Hòa Bình vào "điểm nóng” ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương "chia lửa” cùng các đồng nghiệp. Không thiếu những nguy hiểm, gian khó cận kề ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống con người. Họ đã vượt qua điều đó và vượt qua cả những rào cản trong tâm lý, tình cảm (nỗi nhớ gia đình, con cái, bố mẹ, người thân…). Nay, ngay chính trên quê hương, khi số ca F0 tăng cao, họ lại là chính những người ở những nơi được xem là nóng nhất. Chị M. có người em làm ở Trạm y tế xã nọ thuộc vùng "đỏ” cảm nhận rằng: Y tế tuyến cơ sở là người "gần” F0 nhất. Xuống địa bàn, gặp thu thập mẫu (những người có nguy cơ cao), tiếp cận để tuyên truyền, tư vấn cho người dân; rồi có người bản thân họ trở thành F0, F1; qua điều trị, âm tính lại tiếp tục công việc thường ngày. Trạm cách nhà 100m, mà mấy tuần liền không thể ghé qua vì nhiều lý do; việc chăm sóc chồng con, hướng dẫn con học hành cũng đều qua điện thoại… Những tâm tư, lo lắng cũng thoáng dần qua, để mỗi ngày, mỗi đêm họ lại tiếp tục công việc ở nơi không có nhiều tiếng cười, tiếng nói mà chỉ có những ánh mắt, cử chỉ, những thao tác chuyên môn thuần túy và cả những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu thấy ấm lòng, thấy vững tâm là vì thế.

Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục