(HBDDT) - Những ngày tháng 7 này, anh - một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K lại cùng đồng đội lên tàu xuôi Nam, đến nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) để quy tập những người con hy sinh bên ngoài Tổ quốc trở về "đất mẹ”. Biết bao ghi chép, thông tin tư liệu về bạn bè, đồng đội, cả người được trở về với cuộc sống đời thường, cả những người bạn đã ngã xuống chưa quy tập được, giờ đang ở đâu đó tại các nghĩa trang vùng biên được anh trân trọng lưu giữ…

Mỗi dòng chữ, mỗi tâm sự trên facebook của anh có nước mắt, niềm tin và những khao khát được trở thành hiện thực. Anh đưa lên trang cá nhân những hình ảnh, những con người đang hành trình việc nghĩa, mong làm dịu đi nỗi đau mất mát của những gia đình bạn bè, đồng đội nơi quê nhà. Có những bức ảnh, không gian nghĩa trang mênh mang và bầu trời trong xanh, nhiều mây trắng bay rợp… Có cảm giác như các anh hùng, liệt sĩ đang hiển linh nơi vùng trời nào, trên bầu trời cao xanh kia...

Đã rất nhiều tháng 7 hàng năm, người bạn cùng học phổ thông lại có chuyến cùng đồng đội ngược Hà Giang để dâng hương hoa ở nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên và thăm lại chiến trường xưa. Mỗi khi nhắc đến các địa danh như Thanh Thuỷ, điểm cao 1509, Hang Làng Lò, đài hương 468… bạn lại rưng rưng, mắt hướng về những cánh rừng, ngọn núi xa xăm trong tiềm thức. Tuổi đôi mươi của bạn gắn mình với tiếng pháo, tiếng súng, khói lửa, mùi đạn bom và mùi vụn đá vỡ. Chính bạn cũng là người từng hát cho đám bạn cũ nghe bài "Về đây đồng đội ơi” với tiếng lòng đồng vọng, tri ân. Nhiều đồng đội của bạn đã ngã xuống vì bình yên biên giới thân yêu.

Hôm nay, bạn đang có cuộc sống yên hàn bên vợ con, cháu… nhưng bạn bảo rằng: trái tim, lương tâm người sống trong cuộc sống hoà bình hôm nay không thể cho phép mình "đóng khung” với quá khứ, với đồng đội thân yêu… Vì thế, năm nào bạn cũng cùng mọi người lên biên giới, một sự thôi thúc nội tâm, không hề gượng ép... Nơi đấy, có nhiều đồng đội đang chờ anh... Bạn bảo: năm nào lên đó, mây trắng, trời xanh cũng ngang đầu. Màu của hòa bình, của khát vọng tràn ngập vùng biên...

Có bao giờ ai đó tự hỏi, bạn cùng lớp với mình có ai là con của những anh hùng liệt sĩ? Người bạn cũ thế hệ 6x kể rằng: lớp học của bạn thật đặc biệt, khi có 5 - 6 bạn có cha đã nằm xuống vào đúng năm 1968. Nghĩa là khi cha nằm xuống, các bạn cũng cũng mới 3 - 4 tuổi. Những đứa trẻ chỉ biết đến mẹ và biết rằng bố đi bộ đội đánh giặc ở miền Nam. Cả một tuổi thơ thiếu vắng cha, từ cấp I, cấp II, cấp III, rồi những bước ngoặt, dấu mốc quan trọng của đời người. Dẫu khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng vững vàng học tập, rèn luyện. Có người trở thành giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Chưa thấy ai một lần than vãn, kêu ca điều gì.

Tháng 7 này, vô tình gặp lại nhau trong một "sự kiện” nhỏ. Cuộc trò chuyện có phần nghẹn ngào hơn mọi khi, khi họ hỏi nhau những câu chuyện liên quan đến nơi cha họ từng chiến đấu và ngã xuống. Có người sẽ vào thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Khe Sanh, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9; có người vào huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tìm đến ngọn núi dù chỉ mang một nắm đất về cho mẹ; có người vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và núi Bà Đen (Tây Ninh)...

Bạn bè không cần nói và hỏi han nhiều, chỉ có ánh mắt, bàn tay nắm bàn tay chia sẻ ân cần, cảm động đến tận đáy lòng. Mỗi dịp đó, ai cũng muốn làm điều gì đó để ấm lòng bạn bè... Bạn kể rằng: hôm đứng trên đỉnh Hòn Tàu (Duy Xuyên - Quảng Nam) nhìn về biển, nhìn các miền quê trù phú, yên bình đang phát triển hôm nay, bỗng thấy điều gì đó thật thiêng liêng, hiện hữu trong lòng: vùng đất này sao thấy gần gũi, thân thương đến thế! Nơi đó, người cha thân yêu đã nằm xuống. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng để một nhà thơ từng viết bài thơ về hạnh phúc gửi tặng nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên”….

Cũng hành trình đó, bạn cũng từng bao lần đến dâng hương hoa tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú - thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam). Hòa vào dòng người đến nơi đây, càng có thêm những cảm nhận về Tổ quốc, về những chiến công cũng như những hy sinh thầm lặng của bao bà mẹ, bao người con vì hòa bình, độc lập tự do của "đất mẹ" thân yêu. Một ngày nắng và cũng thật nhiều mây trắng từ phía biển bay về…


                       
Bùi Huy

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục