Cả đêm trằn trọc không ngủ nên gà mới gáy canh ba bà Phận đã lồm cồm bò dậy. Không nỡ đánh thức giấc ngủ của cô con gái khờ, bà khẽ khàng vớ chiếc đèn pin đi về phía góc tủ lần giở kẹp hồ sơ bằng nilon ra ngắm nghía rồi đánh vần từng chữ: Quyết định "Về việc trợ cấp tiền tuất đối với vợ liệt sỹ đã lấy chồng khác”. Căn cứ Nghị định số… Căn cứ hồ sơ của liệt sỹ… Quyết định: Điều 1. Trợ cấp  tiền tuất hàng tháng đối với bà …!

Chỉ đọc được đến đó rồi bà lập cập nhét lại tờ giấy vào chiếc kẹp bấm nút cài cẩn thận ôm chặt vào lồng ngực. Lần sờ nút tắt đèn pin, bà ngồi âm thầm trong bóng tối hồi tưởng, để mặc những giọt nước mắt tuôn rơi mặn đắng trên khóe môi khô ráp hằn những vết chân chim. Đó là những giọt nước mắt của niềm vui trộn lẫn nỗi cay đắng, tủi hờn. Vui vì ở tuổi ngoài 60, trước lúc nhắm mắt xuôi tay bà đã tìm lại được danh phận, buồn vì những ký ức xa xưa dội về nôn nao, cào xé.
*
*      *
Tuổi trăng tròn bà Phận đẹp lắm, rực rỡ như hoa Klăng của núi rừng vậy! Ấy là người làng bảo thế chứ thời đó đâu sẵn gương, lược và thời gian để mà ngắm nghía dung nhan. Hơn nữa, Phận lành như đất, suốt ngày chỉ lầm lũi cùng bố mẹ lên nương rồi xuống ruộng lo kiếm cái ăn cho cả gia đình. Phận gặp anh Nhương khi chi đoàn thanh niên của 2 làng cùng đi làm chiếc cầu treo bắc qua suối Chéo. Quen nhau hơn 10 tuần trăng thì gia đình anh Nhương đến xin cưới. Bởi từ lúc bước vào tuổi trăng rằm đã tập tành may vá nên đến ngày trọng đại, Phận đã chuẩn bị được mấy hòm chăn, màn, gối để làm của hồi môn và tặng gia đình nhà chồng theo tục lệ.

Ngày cưới, đoàn rước dâu khá đông cùng đi bộ qua cánh đồng làng rồi chiếc cầu treo mà thanh niên 2 làng cùng đẵn cây dựng cột, xếp đá, giăng dây... để tạo thành. Đoàn người đông là vậy, hơn nữa lại được gia tăng thêm sức nặng từ mấy chiếc hòm bằng gỗ và mấy đòn khiêng chăn, màn, đệm bông lau… nặng trĩu nhưng vẫn không cản được trận cuồng phong từ cơn bão cuối mùa. Gió rít ào ào làm chiếc cầu treo rung lắc, đung đưa khiến đoàn người nghiêng ngả. Gió giật luôn chiếc nón lá mới tinh cô dâu đang đội đầu và cũng hất tung chiếc ớp, trong đó có chiếc dao nhỏ xinh được xem như là tấm bùa hộ mệnh của cô dâu Mường. Đoàn người dắt díu nhau đi qua được cây cầu thì cơn lốc cũng lặng.
Điềm chẳng lành! Thầy mo Lùng bảo thế. Nhưng biết làm sao để hóa giải? Khi đã về nhà chồng rồi Phận chỉ biết làm tròn bổn phận vợ hiền, dâu thảo. Ngày ngày Phận cùng chồng ra đồng, lên nương rẫy làm lụng để lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình và tạo điều kiện cho các em chồng được cắp sách đến trường. Thời gian thấm thoắt trôi đi, loáng cái Phận đã bước sang tuổi 20, tuổi tràn đầy sức sống. Sở hữu làn da trắng hồng và thân hình đúng chuẩn "thắt đáy lưng ong” mà các bậc cao niên xưa đúc kết "vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. Ấy thế mà đã qua 2 mùa hoa cải tay ấp, má kề vợ chồng Phận vẫn chưa có tin vui.

Cha mẹ đôi bên thúc giục, hàng xóm độc mồm, độc miệng dèm pha khiến Phận trở nên trầm lắng. Đêm trắng trước ngày anh Nhương lên đường nhập ngũ, 2 vợ chồng dắt nhau ra chiếc cầu treo trao gửi niềm thương nhớ. 
Dưới ánh trăng, Phận nép người vào bờ vai Nhương thủ thỉ: Anh đi mạnh giỏi nhé! Hết giặc về với em…! 

Nhương ôm lấy bờ vai mỏng manh run rẩy thì thầm trong gió: Anh đi rồi ún sẽ vất vả nhiều. Gắng lên em nhé! Chờ đón anh ở chiếc cầu này! 
*
*      *
Nhưng anh Nhương đã không thể trở về!

Phận nhận tin dữ khi đang dỡ mấy luống khoai lang chắc lỉu. Đọc được 2/3 nội dung tờ giấy báo tử, Phận choáng váng rồi đổ sụp nơi góc vườn. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm ngay ngắn trong gian buồng lặng ngắt, chỉ có chị Mây hàng xóm đang cố lay gọi Phận ơi, Phận ới!!! Ngoài gian chính có tiếng sàn nhà kêu rạo rạo í hẳn đông người lại qua, rồi tiếng khóc i ỉ của mẹ chồng già yếu.

Thắm thoắt đã 3 mùa khoai Phận lầm lũi như một cái bóng. Thương con dâu, ông Lường, bà Mén cất lời: Con ạ! Thằng Nhương hy sinh cũng 3 năm rồi, người sống vẫn phải sống thôi. Em Đương đã lớn có thể lo cho bố mế được rồi, hay con về ở với ông bà bên ấy, lỡ có ai thương người ta còn dám ngỏ lời!

Phận làm theo lời sắp đặt khăn gói trở về nhà mẹ. Người mẹ già nua khắc khổ dang rộng tay đón con gái trở về nhưng bố, anh trai và cả em trai nữa thì không bằng lòng. Vì nhẽ theo phong tục ở làng con gái đã lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, khi chết cũng phải làm ma nhà chồng.

Sống với cha mẹ thêm một mùa hoa cải, Phận lần nữa "sang sông”. Mối lương duyên này có được nhờ sự mối lái của dì Thiên, người làng Bái về làm dâu và là hàng xóm thân thiết của gia đình Phận. Người chồng mới hơn Phận một giáp, hiền lành, tốt bụng nhưng mãi chẳng có cô nào trao gửi niềm tin, vật tín. Về sống với nhau, Phận mới biết ẩn sâu trong đôi mắt mơ màng, sự trầm tĩnh của người đàn ông Phận lấy làm chồng là một thể trạng yếu ớt. Sau này mới biết đó là triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân liệt. Mong tìm được bờ vai vững trãi để dựa dẫm nhưng từ đó gánh nặng lại đổ lên vai cô Phận. Có lẽ vì thể trạng của mẹ không tốt nên đứa con gái đầu lòng và duy nhất của vợ chồng Phận đòi ra sớm hơn, thể trạng bé còi cọc, yếu ớt. Gồng mình chống chọi, cô Phận trở thành bà Phận lúc nào không hay. Khi bà Phận chạm ngưỡng tuổi lục tuần thì người chồng cũng rời cõi tạm. 
*
*      *
Sáng mùa thu, chú Đương cùng mấy anh chị em cán bộ huyện về xã thẩm tra hộ nghèo để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết. Gặp lại người chị dâu hiền thảo năm xưa, chú Đương không khỏi ngỡ ngàng.
- Chị à! Em cứ nghĩ chị đã có cuộc sống hạnh phúc!

- Ừ! Chị hạnh phúc mà chú! Hạnh phúc vì được sống! Vừa nói bà Phận vừa lấy chiếc khăn khoác hờ trên vai để thấm những giọt nước mắt. 

Sau cuộc gặp ấy, chú Đương trở về nhà hối hả làm một việc như thể không làm ngay không kịp, đó là giúp chị dâu tìm lại danh phận và chắp nối lại thanh xuân. Với cương vị là em trai của liệt sỹ, chú Đương đại diện cho gia tộc lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận bà Phận là vợ liệt sỹ tái giá. Và hôm nay, bà Phận đã được cầm trong tay tờ quyết định quý giá này. Đó chỉ là một tờ giấy nhưng ẩn chứa trong đó là niềm tin, niềm hy vọng và giúp bà mường tượng lại quãng thanh xuân đã bị cuốn trôi trong cơn lốc của cuộc đời!


Truyện ngắn của Thúy Hằng

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục