(HBĐT) - Bác Cộc một thời ở đội quân nhạc làm anh nhạc công đánh trống. Đơn vị phân công anh vào quân nhạc cũng có cái lý của nó bởi lẽ anh em thấy anh gõ vào cái xoong, cái nồi, đến cái bình tong đều có âm thanh, nhịp điệu. Được một thời gian, Cộc không toại nguyện, nằng nặc đề nghị cấp trên sang làm anh lính bộ binh để đánh giặc. Anh tâm sự, đã đi lính là phải cầm súng, ra chiến trường mà tiêu diệt giặc còn làm cái anh nhạc công thì ở nhà cũng tha hồ đánh cồng, đánh chiêng.

 

Nguyện vọng được cấp trên chấp nhận, Cộc vào bộ binh hăng say luyện tập, vác khẩu súng AK cùng đơn vị đi khắp chiến trường Tây Nguyên. Lúc xung trận hăng không ai bằng Cộc, lúc nghỉ ngơi sau những trận đánh, Cộc lại gõ thành bài, thành nhịp bất kể gặp loại vật gì. Trên đỉnh Trường Sơn ta hát chỉ với cái thìa, cái bát là thành âm thanh khích lệ rộn ràng đám lính trẻ. Cũng với máu văn nghệ ấy mà xuýt nữa Cộc bị kỷ luật. Chuyện là lúc tiến quân vào cứ điểm địch ở Tây Nguyên, trên đường chiến dịch giải phóng miền Nam, quân ta đánh quyết liệt, thắng lớn. Địch tháo chạy, đơn vị Cộc tiến vào không biết thế nào gặp chiếc trống của quân nhạc, thế là chiến sĩ đơn vị réo to:

- Cộc đâu, nổi trống khải hoàn đi.

Được thể, Cộc mang trống ra tiền sảnh của đồn địch đánh rộn ràng, không ngờ bị một phát đạn của kẻ địch bắn lén trúng vào đùi, thế là Cộc khuỵu xuống. Anh em vội đưa Cộc ra trạm xá tiền phương. Cộc nhớ đời cái máu văn nghệ, cái tay mó máy trống, kèm, chút là toi đời. Từ đó, Cộc trở thành anh thương binh với tỷ lệ thương tật 2/4. Anh trở về hậu phương với cái chân trái tập tễnh. Anh không hiểu cái tên cúng cơm của mình sao nghe mà khô, mà cộc vậy, cái tên như cột số phận. Cộc nhớ, hồi còn nhỏ cứ quần cộc cởi trần lội suối, lội đồng mò cua, bắt ốc nhưng được cái năng khiếu bẩm sinh là hát hay, múa dẻo, đánh trống, đánh cồng có bài bản, ăn nhịp.

Về quê, anh thương binh Nguyễn Tiến Cộc lại phát huy năng khiếu văn nghệ của mình, anh tham gia CLB cồng chiêng, ca hát. Quý đức tính nhiệt tình của anh, lãnh đạo địa phương bố trí cho anh làm việc đánh trống trường THCS Thanh Yên. ý đồ của các bác địa phương là để anh có dịp gần gũi bọn trẻ, cùng vui với trẻ, có thêm thu nhập cộng với trợ cấp thương tật đảm bảo đời sống cho anh và cũng là tạo điều kiện thực hiện chính sách thương binh, xã hội.

Tiếng trống của bác Cộc đánh vang lên, dõng dạc, lúc vang lên thong thả, lúc dồn dập, khi nặng, khi nhẹ, khi thanh thoát, rền vang. Theo bác, tiếng trống là tiếng người cả đấy, nó có hồn của nó. Tiếng trống bác Cộc không đánh bất thình lình mà gõ tang như báo trước rồi đánh vào mặt trống. Tiếng trống đánh vào học là dứt khoát như mệnh lệnh, lúc ra chơi thì thong thả, nhẹ nhàng, lúc tan học, tiếng trống đánh kéo dài báo hiệu đã qua những giờ phút nhọc nhằn tập trung trí lực.

Đám học trò trường làng nghịch ngợm, chúng được bác Cộc yêu quý nên có đứa đùa trêu bác, sinh nhờn. Bọn con trai thường lân la đến sờ mặt trống, tang trống. Chúng nó khen trống trường bác Cộc phụ trách sạch sẽ, hôm nào trời mưa mấy ngày, hôm sau bác khệ nệ khiêng ra hong nắng. Bác bảo, có thế tiếng trống mới giòn giã, kêu vang. Giờ giấc bác theo dõi là các thầy, cô giáo không lo, rất khớp, không xê dịch, đảm bảo chuẩn từng phút. Bác tâm sự:

- Mình là anh lính, vào học, ra chơi cũng như ra trận, phải răm rắp nghe lệnh, không được sai, không tùy tiện.

Chất kỷ luật, chất lính ở người thương binh Nguyễn Tiến Cộc vẫn sáng ngời. Một hôm, thằng Quân đầu têu đến lấy chiếc dùi trống của bác, bác đuổi với cái chân tập tễnh. Quân chạy vòng quanh gốc phượng, bác Cộc đuổi không kịp, vết thương tấy lên, bác ngồi xuống ôm chân xuýt xoa. Bọn trẻ thấy vậy lên án thằng Quân, Quân vội vàng chạy lại trả dùi trống, không ngờ nó vấp ngã đập mặt xuống sân, sưng vêu cả môi, chảy cả máu răng. Bác Cộc lò cò chạy tới, bác vội lau máu, xoa dầu cho Quân. Từ đó, những đứa hay trêu nghịch bác Cộc là thôi luôn.

Hàng năm, xã tổ chức gặp mặt gia đình thương binh - liệt sĩ, bọn học trò thấy bác Cộc đạp chiếc xe, không có chiếc bàn đạp bên trái, ngực đeo Huân chương Chiến sĩ vẻ vang với quân hàm Trung úy. Một hôm, trung tuần tháng 7, cô Hiệu trưởng đề nghị bác kể chuyện chiến đấu, bác lắc đầu từ chối vì nói năng của mình lủng cà, lủng củng, cộc lốc như cái tên của mình. Cô Hiệu trưởng động viên, nể lời bác mới kể cho tụi học trò trường làng biết cái thời tham gia chiến đấu của mình. Một cuộc chiến rất ác liệt đòi hỏi sự dũng cảm, dám hy sinh rồi bác nói lý do bị thương tật của mình sau chiến thắng ở một cứ điểm Tây Nguyên, gặp một chiếc trống hăng lên đánh ca khúc khải hoàn, không ngờ…

Cả sân trường, bọn học trò trường làng vỗ tay, cười vang:

- Hoan hô bác Cộc, hoan hô.

Bác Cộc từ tốn nói:

- Lúc ấy hăng lên, lạc quan tếu nên bị thương, may được cấp trên tha, không bị kỷ luật.

Người thương binh Nguyễn Tiến Cộc làm việc cần cù, giờ giấc sát sao. Bác tâm sự: Thầy, cô giáo nào hay học trò lơ là với tiếng trống thì như người chiến sĩ trong chiến đấu dễ mắc phải sai lầm. Vì vậy, khi tiếng trống vang lên, tất cả sắp hàng trật tự vào lớp như vào trận. Trật tự, yên lặng lắng nghe lời giảng, tập trung làm bài. Nếu có ai la cà quán xá vào lớp muộn là bác buồn, bác chỉ tay nghiêm khắc nhưng giọng nói nhẹ nhàng:

- Muộn rồi cháu ơi, vi phạm kỷ luật, không phục tùng tiếng trống. Hỏng đấy!

Hàng ngày, bác đến trường bao giờ cũng sớm và chiều về thì muộn, trưa bác ở lại, hôm là chiếc cặp lồng cơm nấu sẵn hay gói mì tôm qua bữa. Bác sống cần kiệm nhưng gương mẫu, mực thước, được các thầy, cô nể trọng. Một hôm trời mưa bất chợt, cô giáo Lan chạy vào trú mưa, khi tạnh, cô vội lên xe ra về đánh rơi chiếc điện thoại di động trên sân, bác Cộc nhặt vào, lau khô cất cẩn thận. Sáng hôm sau, đang lúc đánh trống, tiếng trống lại vang vọng, náo nức, tiếng trống như có hồn vẫy gọi bọn trẻ đến trường trong ngày vui mới, thoáng thấy cô Lan, bác gọi:

- Cô Lan đến đây tôi nhờ.

Cô Lan đến, bác lấy trong ngăn bàn ra chiếc điện thoại NOKIA loại đắt tiền rồi nói:

- Chiều qua, lúc mưa tạnh, cô ra về đánh rơi trên sân, tôi nhặt được, trả lại cô.

Cô Lan cười tươi, xuýt xoa:

- Em cám ơn bác, may quá, tưởng là rơi dọc đường là mất rồi đấy.

Đấy, tính cách của bác Cộc, của người thương binh vẫn đậm chất lính, kỷ luật liêm khiết, không tham lam, Nhiều lần, bác nhặt được bút máy, đồng hồ đeo tay đều mang lên văn phòng nhà trường để trả lại cho người mất. Tấm gương của bác Cộc nhiều lần được cô Hiệu trưởng nêu gương dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần.

Vào năm học mới, trường Thanh Yên được công nhận chuẩn quốc gia. Hôm ấy, trong bộ quân phục, trên ngực chiếc Huy hiệu CCB trông bác thật chỉnh tề, bác Cộc lấy nhịp một hơi vung dùi trống đúng cỡ gõ tang rồi đánh mạnh vào mặt trống. Tiếng trống âm vang, ngân rền làm rạo rực lòng người. Trước mắt bác Cộc không những là những học trò nhỏ bé mà bác hình dung như ngày nào các chiến sĩ, những người đồng đội đang trên chiến hào đánh giặc. Hình ảnh những năm tháng ở quân ngũ lại hiện về với bao kỷ niệm hào hùng, nhớ mãi những gương mặt bạn bè đã ngã xuống hy sinh. Bác khắc sâu, mang ơn để mình được may mắn trở về dù là thương tật. Nghĩ vậy, người bác thấy nóng lên bừng sức sống.

 

 

                                                                                Văn Song (T.T.V)

 

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục