(HBĐT) - Nhiều lần khảo sát, nhiều lời hứa hẹn, thế nhưng, đến nay, nhiều khu dân cư ở xã Phú Lương (Lạc Sơn) vẫn chưa có đủ điện để sử dụng. Đặc biệt, hàng trăm đường dây điện tự kéo bằng các cột tre lại trở thành nỗi lo của bà con khi mùa mưa bão đến.

Hệ thống đường dây điện tự kéo bằng cột tre chằng chịt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện ở xóm Khải Cai, xã Phú Lương (Lạc Sơn). 

Phú Lương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn. Ở xã nghèo này, suốt hơn chục năm qua, điện luôn là vấn đề cấp ủy, chính quyền và người dân hết sức trăn trở. Đồng chí Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2002, Phú Lương được xây dựng hạ tầng về điện với 2 trạm biến áp cho 25 xóm (sau sáp nhập, hiện, Phú Lương có 14 xóm). Đến nay, Phú Lương được đầu tư xây dựng thêm 2 trạm biến áp ở xóm Phản Chuông và xóm Éo. Tuy nhiên, với dân số hơn 7.000 dân, địa bàn rộng nên điện không đảm bảo cho người dân sử dụng. Đặc biệt, hiện còn 6 xóm chưa được đầu tư xây dựng đường dây 0,4 kV nên hơn chục năm qua, bà con phải dùng cột tre kéo điện về để sử dụng. Trong đó, có những hộ dân phải kéo điện xa hơn 2 km nên điện rất yếu, việc thắp sáng đã khó khăn chứ chưa nói đến sử dụng các trang thiết bị điện. Đường dây điện tự kéo bằng cây gỗ, cột tre tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện, nhất là khi mùa mưa bão đã đến. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con, ngoài xây dựng đường dây 0,4 kV ở các xóm chưa có thì Phú Lương cần xây dựng thêm 3 - 4 trạm biến áp nữa.

Nhiều năm qua, bà con xóm Khải Cai phải vất vả dùng cột tre kéo điện về để sử dụng. Sau sáp nhập, hiện, xóm Khải Cai có 101 hộ dân, nhưng chỉ có 3 hộ có điện đảm bảo cho sử dụng (lắp điện 3 pha), còn lại, các hộ dân trong xóm phải sống với ánh điện đom đóm, chập chờn. Xóm Khải Cai nằm dọc theo tỉnh lộ 436, ngay hai bên đường là những đường dây tự kéo chạy ngang dọc. Thế nhưng, nguy hiểm nhất vẫn là ở khu vực đập Trướm. Vào mùa khô, con đập này khô cạn nước, trở thành nơi chăn thả gia súc và sân chơi bóng đá cho trẻ em trong xóm. Còn mùa này, nước mưa tích lại, mực nước trong đập dâng cao chỉ cách đường dây điện tự kéo của bà con chưa đến nửa mét. Trong khi đó, hàng ngày, gia súc vẫn xuống đây đằm và trẻ em vẫn đá bóng ở khu vực lòng đập chưa ngập nước. Điều này hết sức nguy hiểm, chỉ cần một đường dây điện bị hở thì nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 
Ông Bùi Văn Hà, Trưởng xóm Khải Cai trăn trở: Dù chưa có trường hợp người bị điện giật nhưng đã có con trâu bị điện giật chết khi đằm dưới đập. Do chưa có cột điện kiên cố, các đường dây tự kéo đều bằng cây tre, bương, có hộ tận dụng bờ rào. Vào mùa mưa, cột tre dễ bị mục nát, nhiều đoạn dây điện võng xuống ngang đầu người lớn rất nguy hiểm. Trong xóm, hiện có 64 công tơ điện nhưng do kéo xa nên giờ cao điểm,  chỉ đủ thắp một bóng điện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của bà con. 

"Từ khi có điện đến giờ, năm nào, chúng tôi cũng đề nghị các cấp quan tâm và chờ đợi. Thế nhưng, nhiều đoàn về khảo sát, nhiều lời hứa hẹn vẫn chưa thấy thực hiện. Thực trạng điện như hiện nay không chỉ gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm xây dựng đường dây 0,4 kV để chúng tôi được sử dụng điện đảm bảo và an toàn” - ông Bùi Văn Diễm, người dân xóm Khải Cai bày tỏ. 

Đó cũng là niềm mong mỏi suốt hơn chục năm qua của bà con ở xã đặc biệt khó khăn này. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình chia sẻ với những khó khăn về hạ tầng điện của xã vùng sâu Phú Lương. Tuy nhiên, theo ông Phương, do chồng chéo với dự án của Sở Công thương, nên ngành điện không được đầu tư vào khu vực này. Cụ thể, tại Công văn số 552/SCT-QLĐT&HTQT ngày 2/6/2016 và Công văn số 646/SCT-QLĐN ngày 25/7/2014 của Sở Công thương về việc "Phối hợp triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020" đã ghi rõ: đề nghị ngành điện không đầu tư vào khu vực có dự án của Sở Công thương.

Trả lời về vấn đề này, đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Dự án cấp điện ở xã Phú Lương nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 1470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, nên hiện nay, dự án chưa thể triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2019 - 2020, khi được bố trí nguồn vốn, Sở Công thương sẽ triển khai dự án ở xã Phú Lương cũng như một số khu vực khác thuộc vùng dự án.  

Như vậy, qua câu trả lời của ngành chức năng, người dân xã Phú Lương sẽ phải tiếp tục chờ đợi và những ánh điện lập lòe, những "bẫy điện" tự kéo vẫn là câu chuyện đầy trăn trở ở xã vùng sâu này.

                                                                                       VIẾT ĐÀO

Các tin khác


Trao tặng trên 50 nghìn quyển vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thực hiện các chương trình, cuộc vận động, phong trào tình nghĩa do Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh phát động, thời gian qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn phối hợp cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh vận động quyên góp và trao tặng 2.163 suất quà, 3.530 bộ quần áo, trên 50 nghìn quyển vở, 560 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến ngày 22/4 thông đường sắt Bắc - Nam sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo huy động lực lượng, phương án khắc phục ngày đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, với mục tiêu ngày 22/4 hoàn thành xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió để thông tàu Bắc - Nam.

Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục