(HBĐT) - Nằm trong số các dự án giao thông trọng điểm do Sở GTVT làm chủ đầu tư, dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1 đang được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong năm nay.


Đến giữa tháng 6/2019, dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1 thi công đạt trên 37% tổng khối lượng xây lắp, phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành, đạt tiến độ đề ra.

Theo quy mô thiết kế, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 30 km, điểm đầu tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại km 479+300 thuộc địa phận xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 12B tại km 67+100, thuộc địa phận thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, tuyến đường sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV - đồng bằng (TCVN 4054 - 2005) theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh. Trực tiếp kết nối 3 trục giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh, tuyến đường này khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông, góp phần đắc lực phát triển KT-XH các địa phương được hưởng lợi.  

Để thi công tuyến đường, phạm vi cần giải phóng mặt bằng là 11,1 km, trong đó, khoảng 9 km thuộc địa phận huyện Yên Thủy, trên 2 km thuộc địa phận huyện Lạc Sơn. Xác định cần kịp thời bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, 2 địa phương có dự án đi qua đã tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng. 

Tại huyện Yên Thủy, để bàn giao mặt bằng cho dự án thi công tổng chiều dài khoảng 9 km, huyện cần thu hồi gần 20 ha đất của 485 hộ dân và tổ chức. Công tác giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi dự án đặt yêu cầu rất cao về tiến độ hoàn thành. Vì thế, huyện Yên Thủy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Lãnh đạo huyện trực tiếp đến tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận với chủ trương chung. Toàn bộ quá trình thông báo thu hồi đất, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… được huyện dồn sức thực hiện đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch. Nhờ đó đến nay, trên 90% mặt bằng đã được huyện bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công. 

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết: Đây là dự án trọng điểm được yêu cầu hoàn thành vào cuối năm nay sau 24 tháng tổ chức thi công. Quyết tâm đảm bảo tiến độ đề ra, các địa phương và đơn vị liên quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, phấn đấu hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến giữa tháng 6/2019, cả 2 huyện Yên Thủy và Lạc Sơn đã bàn giao được trên 90% mặt bằng cho dự án. Hiện còn vướng mặt bằng 11 trường hợp với chiều dài khoảng 1,1 km. Trong đó, huyện Yên Thủy 7 trường hợp, huyện Lạc Sơn 4 trường hợp. Với quyết tâm không để các trường hợp này làm chậm tiến độ chung của dự án, Ban quản lý tích cực phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tháo gỡ phù hợp. Ngay khi các hộ thống nhất bàn giao mặt bằng, nhà thầu sẽ huy động nhân lực, vật lực để tổ chức thi công đảm bảo kế hoạch đề ra.

Về tiến độ thi công các hạng mục xây dựng, theo đánh giá của Ban quản lý dự án, đến giữa tháng 6/2019, khối lượng đắp nền đường đạt khoảng 111 nghìn m3, đạt 50,23%; đào nền đường đạt khoảng 341,5 nghìn m3, đạt 68,3%; hoàn thành thi công 32/45 cống thoát nước ngang; hoàn thành đổ bê tông bản mặt cầu, lan can, tay vịn đối với cầu Thượng km 0+955,5; cầu Mý km 13 + 424,25; cầu Thải km 15 + 367,06... Đến nay, giá trị xây lắp đã thực hiện đạt trên 37% tổng giá trị xây lắp của dự án. Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án tích cực đôn đốc nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, vật liệu... để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, đặt quyết tâm hoàn thành công trình trong năm nay.


         Thu Trang

Các tin khác


Tổng kết Dự án “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình"

Sáng 9/5, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình”. 

Vốn ưu đãi – “bà đỡ” cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mai Châu

Những năm qua, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực sự là điểm tựa cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mai Châu vượt lên đói, nghèo. Huyện có trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, không ít hộ dân trong huyện đã vượt lên khó khăn khi được tiếp cận với các chương trình cho vay của NHCSXH.

Huyện Lạc Thủy lan tỏa việc học và làm theo Bác

Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục