Thời gian qua, mô hình công nhân nòng cốt tại các khu nhà trọ đã giúp công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh gắn kết, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, chia sẻ những khó khăn vướng mắc; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.


 

Cán bộ tư vấn, hỗ trợ tuyên truyền pháp luật và quyền lợi cho công nhân tại buổi sinh hoạt của nhóm công nhân nòng cốt Nguyệt Hạ, huyện Quế Võ.

Theo đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có sáu nhóm công nhân nòng cốt hoạt động, với 240 thành viên, tập trung tại hai huyện Yên Phong và Quế Võ. Trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 35 buổi sinh hoạt, thu hút 329 lượt công nhân tham gia. Tại đây, công nhân được tìm hiểu các quy định về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, các thành viên thường xuyên tham gia hoạt động đối thoại giữa công nhân lao động với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sau đó phổ biến cho các công nhân, người lao động khác. Nhóm công nhân nòng cốt được hưởng mức giá sinh hoạt như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước... hợp lý, ưu đãi.

Điển hình tham gia sinh hoạt tại nhóm công nhân nòng cốt "Nguyệt Hạ”, thuộc xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, các công nhân nòng cốt được hưởng giá thuê trọ và phí sinh hoạt hợp lý. Tại khu trọ Nguyệt Hạ, mỗi phòng trọ cho thuê từ 650 nghìn đến 750 nghìn đồng/phòng/tháng, thấp hơn các nhà trọ khác trong cùng khu vực từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng/tháng; giá điện 2,5 nghìn đồng/kWh, thấp hơn từ năm trăm đến một nghìn đồng/kWh và tiền nước thu 30 nghìn đồng/người/tháng thay vì tính mức thu theo khối nước.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng nhóm công nhân nòng cốt "Nguyệt Hạ” cho biết, mỗi thành viên sẽ trở thành những "công nhân tuyên truyền” tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp. "Ngoài các thông tin kiến thức thực tế, tham gia sinh hoạt nhóm còn là cơ hội để anh chị em công nhân, nhất là những công nhân nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống xa nhà, nuôi con nhỏ… giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ về những quyền lợi như tiền lương, chế độ thai sản, kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, an toàn giao thông, giá điện nước sinh hoạt…”, chị Nguyệt chia sẻ.

Tương tự, nhóm công nhân nòng cốt "My Love”, tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ được thành lập từ đầu năm 2017, do LĐLĐ tỉnh khởi xướng, với nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực, thu hút các thành viên tham gia. Mỗi buổi sinh hoạt, 22 thành viên trong nhóm được LĐLĐ tỉnh và chuyên gia các ngành y tế, điện lực, lao động - xã hội, công an… tư vấn các kiến thức bổ ích.

Anh Nguyễn Tài Đại, công nhân Công ty TNHH Hoàng Trung (Khu công nghiệp Quế Võ) cho biết: "Tham gia nhóm, tôi được thảo luận thông tin bổ ích về Luật Lao động, chế độ tiền lương và điều kiện làm việc, các chuyên gia giải đáp, tư vấn. Qua đó, tôi không chỉ nâng cao kiến thức cho bản thân mà còn áp dụng vào trong công việc hằng ngày, trao đổi, phản ánh với công ty để bảo đảm quyền lợi chính đáng”.

Tương tự, chị Trần Thị Mỳ, công nhân Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ) cho biết, nhận thấy lợi ích và ý nghĩa của hoạt động nhóm công nhân nòng cốt, chị đã tích cực vận động công nhân, người lao động trong xóm trọ tham gia đông đủ. "Được hưởng giá nhà trọ, giá điện, phí sinh hoạt ưu đãi, ổn định, chủ nhà trọ cam kết không tăng giá tiền nhà, tiền điện, anh chị em công nhân chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm, thêm gắn bó với khu công nghiệp” - chị Mỳ chia sẻ.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Thân Văn Vọng đánh giá: "Hoạt động thiết thực của các nhóm công nhân nòng cốt mang lại hiệu quả tích cực, người lao động có ý thức tốt hơn trong thực hiện nội quy nơi ở, nơi làm việc, số lượng công nhân lao động vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác ở các khu dân cư, khu nhà trọ giảm dần. Thông qua những buổi sinh hoạt, công nhân trưởng thành hơn về nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân với các công nhân khác, cộng đồng, xã hội… Mô hình tuyên truyền lưu động tại các nhóm công nhân nòng cốt đã hỗ trợ LĐLĐ tỉnh trong việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của công nhân, đồng thời phản ánh khách quan, chân thực đời sống công nhân lao động đến các cơ quan chức năng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, hoạt động của nhóm công nhân nòng cốt vẫn còn một số khó khăn như: số lượng công nhân tham gia sinh hoạt nhóm hằng tháng còn ít (trên tổng số 282.000 lao động, trong đó 75% là lao động ngoại tỉnh); thời gian làm việc lệch nhau; công tác tuyên truyền, tổ chức còn chưa chặt chẽ; công nhân thay đổi chỗ ở, chủ nhà trọ ít tạo điều kiện… ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển nhóm công nhân nòng cốt cả về số lượng và chất lượng.

Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tuyên truyền, đổi mới nội dung hoạt động, nội dung sinh hoạt hằng tháng của các nhóm công nhân nòng cốt; tiếp tục củng cố, kiện toàn nhóm công nhân nòng cốt và duy trì sinh hoạt của sáu nhóm tại huyện Yên Phong và huyện Quế Võ. Qua các buổi sinh hoạt, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động; hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết những khó khăn vướng mắc, tăng cường hoạt động tọa đàm, đối thoại, trao đổi giữa công nhân và các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy tiếng nói, hỗ trợ bảo vệ quyền người lao động và công nhân ngoại tỉnh.

"Xây dựng, duy trì, phát triển lực lượng công nhân nòng cốt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang lại quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, nhất là đối với lực lượng lao động di cư, lao động nữ, lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động” - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh khẳng định.

 

TheoNhanDan

Các tin khác


Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024

Ngày 3/5, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND TP Hòa Bình tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024. Dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...

Lo ngại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S phải dừng hoạt động

Trước thực tế Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hoà Bình sẽ phải tạm dừng hoạt động, mới đây, Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc để duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Thủy: Tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Thủy tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, cứu trợ đột xuất, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là tại các xã ven sông Bôi.

Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục