Để bảo đảm an toàn trước tình hình Covid-19 phức tạp, ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Chính phủ cho kéo dài cách ly đến 30/4.


Ông Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp về phòng chống Covid-19 tại TP HCM, hồi tháng 3. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng và 63 tỉnh thành về tình hình phòng chống dịch bệnh, chiều 13/4, căn cứ trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, trong 10 ngày qua TP HCM không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng, nhưng nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao; đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định.

Hiện, diễn tiến dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Thống kê mỗi ngày TP HCM có khoảng 1.000 người từ các tỉnh thành khác đến - tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người (như trường hợp "bệnh nhân 262" - công nhân Công ty Samsung tại Bắc Ninh).

Ngoài ra, một số trường hợp sau thời gian điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính, khi xuất viện dương tính trở lại. Có thể họ đã đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng. Đơn cử như trường hợp "bệnh nhân 22" tại Đà Nẵng - điều trị từ 8/3 đến 27/3 đã âm tính. Ngày 11/4, khi người này từ Đà Nẵng đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) để xuất cảnh thì xét có kết quả xét nghiệm dương tính.

"Những kết quả ban đầu mà chúng ta đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Vì vậy, TP HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ hai lây nhiễm", ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đưa ra hàng loạt động thái TP HCM sẽ làm là: tiếp tục giám sát chặt bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện; xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao (ổ dịch Buddha Bar & Grill, quận 2) và những trường hợp từ nơi khác vào thành phố, đặc biệt là những trường hợp người nước ngoài; theo dõi sức khỏe tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp được cách ly tập trung tại các tỉnh thành về thành phố trong thời gian qua.

Thành phố phải "cảnh giác" với mọi ca bệnh mới phát hiện, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất. Xem tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh là ca có nguy cơ lây nhiễm; mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng; những trường hợp người dân sinh sống tại TP HCM nhưng đã đến thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) và có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, đặc biệt là "bệnh nhân 262" và các F1, F2 liên quan.

Năng lực ứng phó của ngành y tế trong phát hiện kiểm soát và khống chế ổ dịch trong cộng đồng sẽ được TP HCM nâng cao; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị ở các bệnh viện điều trị Covid-19; tuần tra giám sát việc tuân thủ cách ly xã hội, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng; giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống.   

Công nghệ cũng sẽ được thành phố đẩy mạnh để phòng chống dịch bệnh như: dùng robot để lau dọn, phun thuốc khử trùng, vận chuyển đồ ăn và thuốc men tại các khu cách ly; đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt; khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện...

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia) đề xuất, sau ngày 15/4 sẽ phân loại các địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao để tiếp tục cách ly thêm một tuần, tỉnh nào ít nguy cơ sẽ nới lỏng một số hoạt động.          

Ông Long cũng kiến nghị Chính phủ tiếp trì hạn chế nhập cảnh, hạn chế các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam đến ngày 30/4, để tránh làn sóng thứ hai của dịch vào nước ta.

Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 lấy ý kiến các địa phương về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong 32 tỉnh thành trả lời, có 2 địa phương đề nghị cách ly xã hội thêm một tuần, sau ngày 15/4; 8 địa phương (trong đó có TP HCM) đề nghị kéo dài đến hết tháng 4; 2 địa phương đề nghị đến hết tháng 5...  

TP HCM còn 14 ca đang điều trị, 40 người đã khỏi bệnh xuất viện.  

Theo Vnexpress.net

Các tin khác


“Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô”, một nữ tiktoker bị Công an triệu tập, xử phạt vi phạm hành chính 

Công an huyện Lạc Sơn cho biết, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Thị M. (SN 2004), trú tại xóm Trung Quyền, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) về hành vi "Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô” quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Người dân đổ về các bãi biễn giải nhiệt dịp lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với thời tiết nắng nóng tạo cơ hội cho nhiều người chọn các bãi biển để vui chơi, giải nhiệt.

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục