Cuối tháng 7/2023, trong chuyến công tác của HĐND huyện Tân Lạc qua các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đã đến thăm và làm việc với xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Sau khi gặp gỡ, làm việc với các đồng chí lãnh đạo và công chức của xã tại trụ sở xã Ia Lâu, đoàn đã tới thăm hỏi các gia đình tại thôn Lũng Vân. Đây là thôn của những người con mảnh đất Lũng Vân (nay thuộc xã Vân Sơn), huyện Tân Lạc đã tình nguyện xa quê tới nơi này xây dựng kinh tế mới từ những năm 90 của thế kỷ XX.


Lãnh đạo huyện Tân Lạc tặng quà xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Xã Ia Lâu cách trung tâm huyện Chư Prông 50 km về phía Đông Nam, tổng diện tích đất tự nhiên trên 12.088 ha, có 14 dân tộc anh em sinh sống với 2.206 hộ, trên 10.250 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 92%, phân bố ở 10 thôn làng, trong đó có 2 làng đồng bào dân tộc tại chỗ. Người dân huyện Tân Lạc vào làm ăn, sinh sống tại xã Ia Lâu hiện có 258 hộ với 1.286 nhân khẩu, phân bố chủ yếu tại 2 thôn (thôn Lũng Vân và thôn 7), trong đó có 38 hộ giàu, 92 hộ khá, 93 hộ trung bình, 24 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo.

Đến với thôn Lũng Vân, nơi cách đây hơn 30 năm, những người con của đất Mường Tân Lạc đã tình nguyện đến xây dựng đời sống kinh tế mới, từ đó hình thành một bản làng với cái tên gần gũi của quê hương Lũng Vân. Những người dân ở đây đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ như không có đất để sản xuất, khí hậu khắc nghiệt của mảnh đất Tây Nguyên. Nhưng với sự giúp đỡ kịp thời cùng sự định hướng từ chính quyền địa phương đã giúp họ dần ổn định cuộc sống, sản xuất và phát triển kinh tế, từng bước vươn lên góp phần quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới của xã Ia Lâu.

Như đã quen biết từ rất lâu, khi gặp đoàn công tác từ huyện Tân Lạc, những người dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi. Mặc dù xa quê hương đã lâu, song nét văn hóa của người Mường vẫn in sâu trong cuộc sống của họ. Ông Hà Văn Huỳnh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Lũng Vân chia sẻ: Lũng Vân là 1 trong 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới của xã Ia Lâu, hiện có 290 hộ với 1.324 nhân khẩu. Thôn có 8 dân tộc, trong đó người dân tộc Mường là đông nhất với 254 hộ, 1.146 nhân khẩu. Các hộ từ Tân Lạc vào đây sinh sống có 212 hộ. Với trên 50% hộ có kinh tế khá và giàu, có hộ 1 năm trừ chi phí thu nhập trên 400 triệu đồng, thu nhập chủ yếu từ việc sản xuất, canh tác nông nghiệp (1.032,69 ha đất trồng cây nông nghiệp như lúa, ngô, sắn, đậu), trồng cây công nghiệp (818,7 ha đất trồng điều, cao su, hồ tiêu). Đây cũng là thôn có sản lượng sản xuất lúa gạo khá cao và chất lượng, một sản phẩm đã được xây dựng thành sản phẩm OCOP với thương hiệu lúa gạo Ia Lâu.

Được biết, người Mường ở xã Ia Lâu còn giữ và thể hiện đậm nét văn hóa của dân tộc mình trên quê hương mới, như truyền thống cả gia đình cùng đón Tết Độc lập của dân tộc, rồi những câu chuyện người trước kể cho những thế hệ sau nghe về quê hương bản làng, những nét ẩm thực đặc sắc của người Mường bên mâm cơm trong ngày lễ, ngày Tết, hay nếp nhà sàn vẫn hiển hiện bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang. Và dù xa quê hương đã rất lâu, nhưng họ vẫn gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đặc biệt trong ngôn ngữ (tiếng Mường) vẫn theo họ từng ngày, từng giờ, đây là điều rất đáng được trân trọng và phát triển.

Qua chia sẻ của anh Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, với 14 dân tộc cùng sinh sống tại địa phương, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, nhưng vẫn hòa chung với nhau để cùng tạo dựng một môi trường đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, luôn vững vàng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tạo lá chắn thép từ lòng dân, cùng xây dựng một Ia Lâu giàu có, trù phú. Và trên hết, những giá trị văn hóa mà cộng đồng người Mường ở thôn Lũng Vân nói riêng, của Ia Lâu nói chung đã góp phần vào sự phát triển chung của Gia Lai, của mảnh đất Tây Nguyên hôm nay.

Nguyễn Cảnh Chi
(HĐND huyện Tân Lạc)


Các tin khác


Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Thủy: Tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Thủy tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, cứu trợ đột xuất, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là tại các xã ven sông Bôi.

Phát hiện 1 quả đạn pháo chưa nổ tồn sót sau chiến tranh ở lòng sông Đà

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, Công an phường Thịnh Lang vừa tiếp nhận 1 quả đạn pháo là vật liệu nổ nguy hiểm tồn sót sau chiến tranh do người dân phát hiện tại khu vực bờ sông Đà thuộc phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).

Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục