Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại Công ty cổ phần quản lý khách sạn và dịch vụ Mandala chi nhánh Hoà Bình, khu Mớ Đá, thị trấn Bo (Kim Bôi) dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2025.
Thực tế đáng báo động
Trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ NĐTP làm 4.936 người mắc, 24 trường hợp tử vong. Đáng chú ý xảy ra 31 vụ NĐTP trên 30 người mắc, chủ yếu tại bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Có những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố bán thức ăn số lượng lớn nhưng chưa được quan tâm kiểm tra, kiểm soát.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ NĐTP, trong đó, 1 vụ NĐTP đông người trên 30 người mắc.
Đặc biệt, vừa qua, một trong những vụ việc gây chấn động dư luận là các công ty sữa giả đăng ký tự công bố tại tỉnh Hòa Bình. Đại diện Sở Y tế cho biết, trong 3 năm qua, 4 chi nhánh của các doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ đăng ký công bố và tự công bố tổng cộng 305 sản phẩm. Cụ thể, 2 chi nhánh đặt tại số 335, đường Trần Hưng Đạo, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình thuộc Công ty cổ phần (CP) dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma; 2 chi nhánh còn lại của Công ty CP dược quốc tế Big Four Pharma và Công ty CP dinh dưỡng y học BFF đặt tại số 10, khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình. Sở Y tế đã kiểm tra tại các doanh nghiệp và phối hợp Chi cục ATVSTP rà soát hồ sơ, tài liệu, đồng thời đánh giá việc tuân thủ các quy định về công bố sản phẩm và quá trình hậu kiểm đối với các sản phẩm sữa nói trên. Thực tế, các công ty chỉ thực hiện thủ tục công bố tại địa phương, trong khi hoạt động sản xuất, tiêu thụ diễn ra tại nơi khác, khiến việc hậu kiểm gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định có "lỗ hổng” trong việc doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng theo hình thức "tự công bố", công tác hậu kiểm cũng gặp nhiều khó khăn...
Từ thực tế của những vụ NĐTP và các loại thực phẩm giả bán tràn lan trên thị trường, mạng xã hội mà không được kiểm định chất lượng, người dân không thể không hoang mang, lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hoa, 45 tuổi, một người nội trợ tại phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) chia sẻ: Tôi thường xuyên mua sữa cho gia đình qua các kênh bán hàng trực tuyến. Sau khi nghe tin về sữa giả, tôi rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình. Mong các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn để người tiêu dùng không phải sống trong nỗi lo lắng thường trực...
Cần hành động quyết liệt hơn
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 40/CĐ-TTg, ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm ATTP sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ATTP.
Không chỉ tăng cường quản lý sản phẩm sữa, mà trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh ATTP. Đặc biệt, thời điểm này, tỉnh đang tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì ATTP từ ngày 15/4 - 15/5/2025. Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác ATTP. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP.
Chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhất là các công ty, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và hộ kinh doanh thức ăn đường phố nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về ATTP...
Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về ATTP với cơ quan chức năng.
Hương Lan