Có người ví "Đà Lạt như người đẹp Paris - Miss Paris”, là thiên đường du lịch của Việt Nam. Bởi, Đà Lạt là thành phố trên núi, có thiên nhiên độc đáo, kiến trúc độc đáo, con người độc đáo, luôn hấp dẫn du khách thập phương. Đó, là ba trụ cột làm nên "Thương hiệu Đà Lạt”.

Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt thuộc vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, là thành phố "Bốn có, Ba không”. Bốn có là, một ngày có bốn mùa (sáng Xuân, trưa Hè, chiều Thu, tối Đông), nhiệt độ trung bình 20 độ C, thật lý tưởng cho du lịch và nghỉ dưỡng. Ba không là, không đèn xanh đỏ giao thông, không xích lô và không máy lạnh, là sự khác biệt nhất nước. Rừng thông là "Máy điều hòa” thiên nhiên khổng lồ, luôn ướp lạnh và thanh lọc khí trời Đà Lạt. Trong nội thành có rất nhiều hồ, thác, đồi, rừng, thung lũng, vườn hoa… gắn với truyền thuyết hấp dẫn và đẹp đến nao lòng. Đà Lạt là "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Những rừng thông ngút ngàn trập trùng, những biệt thự thưa thớt ẩn mình giữa rừng thông xanh, luôn tạo vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Dù đến đôi lần, du khách vẫn ngỡ ngàng với cái lạnh bất ngờ của Đà Lạt, là dịp để chưng diện trang phục mùa Đông, giữa mùa Hè Việt Nam. Ở Đà Lạt, đâu đâu cũng ngập tràn hoa tươi, đủ bảy sắc cầu vồng. Hoa bên đường phố, trong công viên, khu du lịch, công sở, trường học, khách sạn, vườn nhà, hoa trong các làng hoa, trang trại hoa bạt ngàn, đủ loại, nở suốt bốn mùa. Hoa quấn quýt chân người, hoa mỉm cười, tỏa hương, làm ngây ngất lòng người. "Đà Lạt như nàng Công chúa trong rừng” đài các, thân thiện, quyến rũ đến lạ kỳ. Thiên nhiên độc đáo đã làm nên "Thương hiệu Đà Lạt”.

 

Sân Golf Đà Lạt

Kiến trúc độc đáo
 Không chỉ thế, kiến trúc Đà Lạt cũng rất độc đáo. Đà Lạt - đậm nét kiến trúc Pháp thế kỷ XIX, với hơn 2.000 ngôi biệt thự cổ gần trăm tuổi xinh đẹp, là sự hoài niệm của người Pháp ở Đông Dương. Không bao giờ tìm thấy hai biệt thự giống hệt nhau, chúng như những bông hoa khác nhau, trang điểm nhan sắc Đà Lạt. Từ năm 1893 (Yersin tìm ra Đà Lạt) đến nay, dù đã pha trộn thêm kiến trúc Á Đông và Âu - Mỹ, nhưng kiến trúc Pháp vẫn là nét chủ đạo ở xứ ngàn hoa này. Trải qua thăng trầm thời gian, Đà Lạt đã, đang và sẽ chọn kiểu biệt thự mái nhọn, với ống khói lò sưởi nhô cao, thật hài hòa với dáng thông cao gầy che chở. Kiến trúc Đà Lạt thật đặc biệt, ấm áp khi trời lạnh nhưng mát mẻ khi trời nóng, nhờ hai lớp cửa  (trong kính ngoài chớp) và hệ thống lò sưởi thông gió. Bất kỳ, biệt thự nào cũng có cửa mở ra rừng thông, hồ nước, thung lũng hay vườn hoa, thảm cỏ.
Có người bảo, người Đà Lạt yêu thiên nhiên và lãng mạn nhất nước. Chẳng thấy người Đà Lạt bẻ cây, hái hoa bao giờ. Hiện tại, Đà Lạt đang bảo tồn, tôn tạo các biệt thự cổ, xây mới nhiều khách sạn, biệt thự, công sở, trường học hiện đại, sang trọng kiểu Pháp. Đường đến Đà Lạt thật dễ dàng, thuận lợi. Du khách có thể đi máy bay, tàu hỏa, ô tô, xe máy từ bốn phương đến xứ sở sương mù. Riêng về lĩnh vực du lịch, Đà Lạt hiện có hơn 1.100 khách sạn, nhà nghỉ (trong đó có 262 khách sạn từ 1 đến 5 sao) với đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp. Trong một ngày đêm, Đà Lạt đón tiếp khoảng 2,5 vạn du khách, với 48 doanh nghiệp lữ hành-vận chuyển phục vụ 24/24 giờ, 30 khu-điểm du lịch tham quan thu phí và hơn 60 điểm tham quan miễn phí. Năm 2018, Đà Lạt đón khoảng 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 14%.
Ngoài lợi thế về khí hậu và cảnh quan, Đà Lạt đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (sinh thái, thể thao mạo hiểm, tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí, nghiên cứu, đào tạo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, thi đấu thể thao, tránh Hè, tránh Đông, tuần trăng mật, khám chữa bệnh…). Đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quản lý trật tự xây dựng và kiến trúc đô thị, để Đà Lạt xứng tầm là thành phố du lịch nổi tiếng. Đà Lạt từ xưa đến nay, là điểm đến lý tưởng cho du khách, giới văn nghệ sĩ, báo chí, các hãng phim trong và ngoài nước đến sáng tác, ghi hình và ngợi ca. Đà Lạt đang phấn đấu trở thành "Di sản Kiến trúc Quốc gia” và "Di sản Kiến trúc Thế giới”. Kiến trúc độc đáo cũng làm nên "Thương hiệu Đà Lạt”.

 Con người cũng độc đáo

Không chỉ có thiên nhiên độc đáo và kiến trúc độc đáo, con người Đà Lạt cũng rất độc đáo. Người Đà Lạt gốc là tộc người Lạt - (còn gọi là Lạch, K’ho Lạch, Đạ Lạch) xưa kia sống bên các con suối lớn (quanh hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, Măng Lin, Đan Kia), ngày nay đang sinh sống ở chân núi Lang Biang, Tà Nung (ngoại ô Đà Lạt). Do quá trình di cư, hiện tại người Đà Lạt hội tụ từ 63 tỉnh thành trong nước và một số ngoại kiều, Việt kiều. Dù là người vùng miền nào đến Đà Lạt cư ngụ, cũng đều mang nét chung là hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Người Đà Lạt thân thiện, hiền lành, trọng chữ tín, nghĩa tình, làm ăn tà tà, đủ ăn đủ xài, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc kín đáo và lịch thiệp. Người Đà Lạt, ban đêm có việc ra phố thường đi có đôi có bạn (rất hiếm người đi một mình), nếu ai hỏi đường sẽ được chỉ dẫn chu đáo.
Nhịp sống Đà Lạt chậm hơn các đô thị đồng bằng, bởi người Đà Lạt thích sống chậm, ít bon chen lam lũ. Không ở đâu như ở nơi đây, người Đà Lạt yêu từng cây thông, khóm hoa, thảm cỏ, từ người lớn đến trẻ em không nói tục, chửi thề, không chạy trên đường phố dù mưa hay nắng. Những người hành nghề kinh doanh ở Đà Lạt ít nói thách, nhiều cửa hiệu luôn bán đúng giá, niêm yết giá và cho khách đổi hàng vui vẻ, không đốt vía, càm ràm bao giờ. Khi mới gặp lần đầu, người Đà Lạt không vồ vập, nhưng càng tiếp xúc càng tình cảm khó quên. Nhà thơ Nguyễn Duy, đã khái quát tính cách người Đà Lạt: "Hòn than kia đỏ đến hết lòng/ Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói/ Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”. Người Đà Lạt, tự hào có Festival Hoa, Ngày hội hoa Anh Đào, Ngày hội Cỏ Hồng, Đêm hội Rượu Vang Dalat… duy nhất ở Việt Nam. Tất cả những nét sinh hoạt, văn hóa ấy đã tạo nên phong cách người Đà Lạt. Người Đà Lạt cũng trở thành "Thương hiệu Đà Lạt”. 

 

                            TheoBaodulich

Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục