Dịch Covid-19 tại châu Á như Ấn Độ, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia… đang diễn biến rất đáng lo ngại. Nước ta đã qua hơn 30 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn rất lớn. Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, dự báo nhiều người đổ về các khu vui chơi, điểm du lịch. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần xây dựng và thực hiện các phương án bảo đảm an ninh, an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch và người dân, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.


Du khách được đóng dấu xác nhận đã khai báo y tế và đo thân nhiệt khi vào chiêm bái tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên (Quảng Ninh). Ảnh: QUANG THỌ

Không đeo khẩu trang, không được vào di tích

Hơn một tháng kể từ ngày được phép mở cửa trở lại, Khu di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã đón hơn 400 nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hương Sơn phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các khâu: Tuyên truyền phòng dịch, kiểm soát các lối ra vào, yêu cầu khách khai báo y tế, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý trong di tích… Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút khá đông khách tham quan với việc ra mắt những tua du lịch đêm trong thời gian gần đây. Dự kiến di tích cách mạng này sẽ có đông khách tham quan trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ngay từ cổng vào, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bố trí điểm khai báo y tế bằng quét mã QR code. Cán bộ, nhân viên di tích luôn túc trực nhắc nhở khách tham quan thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Tương tự, các di tích, địa chỉ du lịch khác trên địa bàn Thủ đô như Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Hà Nội, phủ Tây Hồ… đều nâng cao mức cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Riêng tại Di tích Hoàng thành Thăng Long đã bố trí máy đo thân nhiệt tự động cho khách tham quan, việc kiểm soát dịch bệnh diễn ra khá nhanh chóng. Tất cả khách tham quan khi đi qua cửa kiểm soát đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn bằng máy tự động. Trưởng ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: "Việc phòng, chống dịch bệnh tại các di tích được đặt ở mức cao nhất. Chúng tôi nhất quán quan điểm: Khách không sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang thì không được vào di tích".

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn tại các khu vực công cộng; thường xuyên giám sát, nhắc nhở, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân, du khách tự giác thực hiện việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách phù hợp. Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, thời gian qua, việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của đồng bào, du khách về với Đền Hùng khá tốt, nhưng trong quá trình leo núi, vì nóng và mệt, một số người kéo khẩu trang xuống để thở. Trong khuôn viên đền, Ban Quản lý yêu cầu mọi người phải chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Là địa phương có nhiều khu di tích lớn, khu du lịch biển nổi tiếng, tỉnh Quảng Ninh xác định nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa phương rất lớn, trong đó nguy cơ lớn nhất là từ khách du lịch và người dân Quảng Ninh đi về từ địa bàn có dịch. Tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, trong quý I-2021, đã có hơn 56 nghìn du khách đến chiêm bái. Trong hai ngày 24 và 25-4, khu danh thắng Yên Tử đã đón hơn 6 nghìn lượt du khách đến tham quan. Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên Phạm Thành Trung cho biết: Vào những ngày cuối tuần, lượng du khách đến tham quan, chiêm bái đông, Ban Quản lý đã phối hợp Trung tâm Y tế thành phố, Trạm Y tế phường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ việc khai báo y tế cho du khách. Đồng thời xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch đối với từng tình huống cụ thể. Trường hợp phát hiện du khách có các biểu hiện sốt, ho, nghi nhiễm Covid-19 sẽ bố trí vào khu vực cách ly y tế.

Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dự đoán lượng du khách đổ về Quảng Ninh sẽ tăng mạnh. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm Lê Trọng Thanh cho biết: Công ty đã chủ động bố trí lực lượng kiểm soát y tế, đo thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang đối với du khách khi đến tham quan ngay từ cổng vào khu danh thắng Yên Tử. Tại các khu vực bến xe, nhà bán vé, nhà ga cáp treo, trong các ca-bin đều bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu hiệu để tuyên truyền cho du khách thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Tại các di tích trọng điểm như chùa Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, chùa - quán Ngọc Thanh, chùa Trung Tiết, Công ty cổ phần Cáp treo Ngọa Vân - Hồ Thiên, ngoài việc tổ chức phun khử khuẩn đều đã thành lập bộ phận phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, sổ ghi chép khai báo y tế, dấu kiểm soát… để theo dõi và kiểm soát du khách ra, vào. Quy định một nghi lễ không quá 30 người được quán triệt rõ và thực hiện nghiêm.

Hạn chế các hoạt động tập trung đông người

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 26-4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1343/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Thực hiện nghiêm văn bản này, ngày 27-4, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống; các đơn vị dừng tổ chức các hoạt động, lễ hội tập trung đông người. Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay kéo dài bốn ngày, trước nhu cầu đi du lịch của người dân rất lớn, dự báo các di tích, các địa chỉ du lịch trên địa bàn sẽ thu hút đông khách đến tham quan. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của khách du lịch, ngày 27-4, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các điểm tham quan du lịch chủ động phối hợp doanh nghiệp, hãng lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, hạn chế tập trung đông người cùng thời điểm; theo dõi tình hình sức khỏe của du khách. Tại di tích Chùa Hương, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vẫn trong thời gian có hội, dự kiến, lượng người trảy hội sẽ tăng lên. Để tăng cường công tác phòng dịch, Trưởng Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục duy trì, tăng cường các biện pháp đã được thực hiện hiệu quả thời gian qua, giám sát và xử phạt kịp thời những trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; yêu cầu và giám sát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sắp xếp vị trí ngồi giãn cách, nhắc nhở khách đeo khẩu trang... Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở khách không tập trung quá đông trong cùng một thời điểm tại nơi hành lễ.

Tỉnh Quảng Ninh quyết định dừng tổ chức bắn pháo hoa và tất cả các lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo từ ngày 30-4 đến hết ngày 23-5. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp không đưa người lao động đi du lịch ở những nơi đang có nguy cơ cao về dịch bệnh; 100% người đứng đầu các sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến địa phương phải có mặt trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Tại huyện đảo Cô Tô, dự báo lượng khách ra đảo sẽ tăng mạnh trong bốn ngày nghỉ lễ, huyện quyết liệt, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Vũ Văn Hiển cho biết, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được huyện đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao ý thức của người dân cũng như du khách khi lên đảo. Hiện tất cả các cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, homestay, các bãi tắm đều được kiểm tra, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Phú Thọ đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ 5K tại các trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trên các phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, cơ sở y tế… Tại điểm du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn, một số khu vui chơi tại huyện Thanh Thủy và các điểm du lịch khác đều triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho nhân viên và du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, trong thời gian nghỉ lễ, thanh tra văn hóa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phòng, chống dịch tại cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tại khu du lịch quốc gia Sa Pa (tỉnh Lào Cai), hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực trung tâm thị xã đã được đặt hết phòng cho dịp nghỉ lễ. Dự báo, trong dịp này sẽ đón từ 65 nghìn đến 80 nghìn lượt du khách. Lượng khách sẽ tập trung đông tại khu vực mua vé cáp treo, phòng chờ lên ca-bin cáp treo, tàu kéo lên đỉnh và khu vực đỉnh Phan Xi Păng. Giám đốc Công ty cáp treo Phan Xi Păng - Sa Pa Nguyễn Xuân Chiến cho biết, tại các cửa vào khu du lịch và các khu vực tập trung đông người như quầy vé, cổng soát vé, công ty bố trí máy đo thân nhiệt, khẩu trang, đặt các máy rửa tay tự động. Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc, hiện thị xã có hơn 100 tổ tự quản và tổ phản ứng nhanh ở các phường, xã, cụm dân cư; trong thời gian nghỉ lễ, thị xã kích hoạt các tổ này để thường xuyên bám nắm địa bàn, kịp thời nhắc nhở và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý những người vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục