Phủ Tây Hồ luôn thu hút đông du khách tới chiêm bái, vãn cảnh.
Phủ Tây Hồ là nơi thờ chúa Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phủ tọa lạc tại làng Nghi Tàm xưa, nơi đây tựa như hòn đảo nhô ra giữa mênh mông nước Hồ Tây, nay là số 52, phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ - thành phố Hà Nội. Chúng tôi đến Phủ Tây Hồ không nhằm ngày lễ trọng hay ngày tuần nên không quá đông đúc đến mức phải chen chúc, bái vọng. Bởi thế, sau khi hành lễ, chúng tôi có thời gian ngắm nhìn không gian, kiến trúc, tiểu cảnh… và nghiên cứu về huyền tích linh thiêng của phủ. Nhìn bao quát, không gian ấy toát lên vẻ trang nghiêm, trầm mặc nhưng cũng hết sức nên thơ. Bởi, Phủ Tây Hồ nổi bật với lối kiến trúc cổ kính, đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam, tạo không gian tĩnh lặng và linh thiêng giữa lòng Hà Nội. Con đường vào phủ uốn lượn theo hồ với "lơ thơ tơ liễu buông mành”. Bước qua cổng phủ thấy sừng sững cây đa cổ thụ, rồi hai cây vối lớn hiếm thấy và cây si già ngay trước cửa điện Sơn Trang, vươn cành lá xanh biếc, chùm rễ đại xum xuê thả xuống mặt hồ. Kiến trúc của phủ được thiết kế, trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào. Mặt trước là cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi hàng chữ "Tây Hồ hiển tích” được dịch là "Dấu để Tây Hồ”. Kế đến là điện Sơn Trang với 2 tầng, 8 mái cong, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang. Ngoài đền, điện, trong khuôn viên còn có khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu… Phủ chính là một tòa nhà nối liền nhưng được chia làm ba theo kiểu chữ "tam”.
Phần thờ tự được sắp xếp lớp lang: Lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan, có 3 đôi câu đối ca ngợi chúa Liễu Hạnh. Lớp thứ 2 thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, có câu đối thắng cảnh Tây Hồ. Lớp thứ 3 thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, có cửa võng đề "Tây Hồ phong nguyệt” và đôi câu đối ca ngợi chúa Liễu Hạnh. Trên nóc mái giáp cửa hậu treo đại tự "Mẫu nghi thiên hạ”, hai bên có câu đối bằng gỗ. Lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng mẫu Liễu Hạnh và tượng Chầu Quỳnh, Chầu Quế. Trên cao là bức đại tự "Thiên tiên trắc giáng” và " Mẫu nghi thiên hạ”. Di vật trong phủ khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp. Ngoài ra còn có các loại tàn, tán, lọng, quả chuông đồng, bát hương bằng đồng, đạo sắc phong và 50 pho tượng lớn nhỏ.
Dẫu có nhiều ban thờ và các di vật quý, nhưng Phủ Tây Hồ chính thức là ngôi đền thờ mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền rằng, chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ ly ngọc quý mà bị đày xuống trần gian. Sau khi ngao du khắp nơi dưới hạ giới, bà bị thu hút bởi vẻ đẹp của Hồ Tây nên quyết định dừng chân tại đây mở quán nước, vịnh thơ, vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Trong suốt thời gian lưu lại chốn này, bà đã giúp người dân an cư, lạc nghiệp, diệt trừ tham quan để người dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Như có tiền duyên xui khiến, trong một lần rong thuyền dạo chơi qua chốn này, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã ghé thăm quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn dấu vết. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đó, năm 1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Được đầu tư, tôn tạo, trang hoàng hợp với huyền tích, Phủ Tây Hồ trở thành chốn linh thiêng, bình yên và thư thái bậc nhất chốn Hà thành.
Lam Nguyệt (CTV)