Vào mùa hè, những ngày nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh có thể tăng cao đột biến, tạo áp lực lớn lên hệ thống điện. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng điện tiết kiệm là hành động thiết thực để giảm chi phí, duy trì nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời thể hiện trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nguy cơ quá tải điện mùa nắng nóng
Theo Công ty Điện lực Hòa Bình, năm 2024, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 1,44 tỷ kWh, tăng 9,31% so với năm 2023. Dự báo năm 2025, cùng với đà phục hồi kinh tế và điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trong các tháng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8.
Đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Năm 2025, công ty tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ động các phương án cung ứng điện trong mùa khô và cả định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành để tối ưu hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Một trong những giải pháp trọng tâm là chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) và dịch chuyển phụ tải theo Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2023. Theo đó, các khách hàng sản xuất lớn như nhà máy xi măng, vật liệu xây dựng... được khuyến nghị bố trí thời gian sản xuất hợp lý (13 - 15h, 20 - 23h), tránh sử dụng công suất cao vào giờ cao điểm. Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp cũng được vận động thay thế thiết bị hiệu suất thấp, áp dụng mô hình quản lý năng lượng và đăng ký công suất đỉnh để điều phối phụ tải hợp lý.
Công ty Điện lực Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm việc trực tiếp với khách hàng lớn về nguyên tắc điều chỉnh phụ tải theo hướng luân phiên, công bằng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về sử dụng điện hiệu quả. Các công trình chống quá tải, vật tư thiết bị và nhân lực đều được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với cao điểm mùa nắng nóng và mùa mưa bão.
Chung tay, đồng hành tiết kiệm điện
Tại huyện Đà Bắc, Điện lực Đà Bắc tăng cường làm việc với các cơ sở sản xuất, khuyến khích bố trí thời gian hoạt động trong khung giờ thấp điểm. Đồng chí Bùi Văn Biên, Giám đốc Điện lực Đà Bắc cho biết: "Chúng tôi khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện đơn giản mà hiệu quả, như sử dụng đèn LED, bật điều hòa từ 26°C trở lên, tắt thiết bị không sử dụng, tránh vận hành máy móc công suất lớn vào giờ cao điểm từ 11 - 15h và 17 - 20h”.
Song song với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh. Điện lực hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng EVNNPC CSKH để theo dõi sản lượng điện tiêu thụ, tra cứu hóa đơn, từ đó điều chỉnh việc sử dụng điện một cách chủ động, tiết kiệm hơn.
Những năm qua, việc đẩy mạnh tiết kiệm điện được tỉnh hết sức quan tâm. Ngày 26/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo. Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể: Hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng sản lượng điện năng tiêu thụ toàn tỉnh; giảm tổn thất điện năng dưới 6% vào năm 2025; giảm công suất phụ tải đỉnh ít nhất 3% thông qua chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đến năm 2025, 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Các đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp đều phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Tại cơ sở, chính quyền các xã, phường, thị trấn cũng vào cuộc tích cực. Ông Cao Viết Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) cho biết: "Chúng tôi xác định tuyên truyền tiết kiệm điện là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nhất là vào mùa nắng nóng. Chính quyền địa phương phối hợp ngành Điện tổ chức lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền tới từng hộ dân việc sử dụng điện hợp lý, khoa học”.
Từng hành động nhỏ góp phần lớn vào an ninh năng lượng
Theo Công ty Điện lực Hoà Bình, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 87 khách hàng công nghiệp tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm đã ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải, với tổng công suất DR đạt 34,3 MW. Có 90 khách hàng với 105 điểm đo thực hiện dịch chuyển phụ tải, tổng công suất dịch chuyển ước khoảng 13 MW. Tỷ lệ khách hàng lớn tham gia chương trình DR trong toàn tỉnh đạt 100%. Năm 2024, sản lượng điện tiết kiệm toàn tỉnh đạt 41,14 triệu kWh, chiếm 2,9% sản lượng điện thương phẩm, vượt 0,9% kế hoạch theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại khu nghỉ dưỡng Mandala Retreats Kim Bôi, huyện Kim Bôi, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện đơn vị cho biết: "Vào mùa hè, khách tăng cao, tiêu thụ điện tăng mạnh, đơn vị đã quán triệt tiết kiệm điện đến từng nhân viên. Chúng tôi tận dụng ánh sáng, gió tự nhiên thay vì bật điều hòa cả ngày. Ngoài ra, hệ thống máy phát điện cũng được chuẩn bị sẵn để ứng phó khi cần”.
Còn tại cơ sở sản xuất kem Thanh Nhàn, huyện Đà Bắc, ông Hoàng Văn Khả, chủ cơ sở chia sẻ: "Mùa hè là mùa cao điểm sản xuất nên điện tiêu thụ rất nhiều. Khi tham gia chương trình DR, chúng tôi chuyển bớt khung giờ sản xuất sang giờ thấp điểm, nhờ vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa không làm gián đoạn sản xuất. Đây là giải pháp có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đồng hành với ngành Điện giữ ổn định hệ thống”.
Ở các khu dân cư, nhận thức về tiết kiệm điện ngày càng lan tỏa. Gia đình ông Đinh Văn Dàn, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã chủ động thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED. Cùng với đó, sử dụng rèm cửa để ngăn ánh nắng chiếu thẳng vào trong nhà, sử dụng kết hợp quạt điện, điều hòa hợp lý tăng hiệu quả làm mát và tiết kiệm điện. "Vào những ngày nắng nóng gay gắt nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nếu sử dụng các thiết bị không hợp lý thì tiền điện có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Do đó, gia đình tôi đã tìm hiểu và biết cách sử dụng các thiết bị sao cho hợp lý, vừa tránh tiền điện tăng cao vừa góp phần chống quá tải, chập cháy điện” - ông Dàn chia sẻ.
Tại xã Tú Lý, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng cũng là một trong những hộ điển hình trong tiết kiệm điện. Anh Hùng chia sẻ: "Nhờ tham gia các buổi tuyên truyền của Điện lực và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã thay đổi cách sử dụng điện. Chúng tôi tắt các thiết bị không cần thiết, dùng điều hòa đúng cách, thay bóng đèn và thiết bị cũ bằng các đồ tiết kiệm điện”.
Trước áp lực lớn từ nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong mùa nắng nóng và bối cảnh biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện không còn là khẩu hiệu mà là hành động thiết thực, cần sự đồng lòng của toàn xã hội, từ ngành Điện, chính quyền, doanh nghiệp đến từng hộ dân. Mỗi hành động nhỏ hôm nay chính là sự đóng góp bền vững cho hệ thống điện quốc gia ngày mai, để nguồn sáng luôn được duy trì ổn định, an toàn.
Viết Đào
Tăng cường cải tạo lưới điện, đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện
Mai Châu là huyện có địa bàn rộng, dân cư phân tán, việc cung cấp điện
ổn định trong mùa nắng nóng luôn là thách thức. Trước thực tế đó, Điện lực
Mai Châu đã chủ động rà soát, đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều đường dây, trạm
biến áp nhằm chống quá tải, bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục cho sinh hoạt
và sản xuất.
Cùng với đó, đơn vị tăng cường phối hợp các đoàn thể và UBND xã, thị
trấn để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu
quả. Trong đó, tập trung vào những giải pháp gần gũi, dễ áp dụng như: tận dụng
bóng mát cây xanh để hạn chế nắng nóng trong nhà, sử dụng rèm chắn nhiệt, mở
cửa sớm đón gió tự nhiên, tắt thiết bị điện khi không sử dụng, điều chỉnh điều
hòa ở mức hợp lý. Chúng tôi xác định tiết kiệm điện không chỉ là biện pháp tạm
thời trong mùa nắng nóng, mà còn là hành động thiết thực vì lợi ích lâu dài của
từng hộ dân và cả hệ thống điện quốc gia.
Hà Đức Hạnh, Giám đốc Điện lực Mai Châu
Sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ
Gia đình tôi có 5 thành viên, sử dụng 2 điều hoà nhiệt độ. Ngoài ra
còn sử dụng nhiều thiết bị điện khác để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Vào mùa
nắng nóng, điều hoà nhiệt độ là thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất, những hôm
nắng nóng gay gắt thì khi nào có người ở nhà là phải bật điều hoà. Đây là thiết
bị khiến tiền điện tăng cao nếu sử dụng không hợp lý. Qua tìm hiểu trên các
phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn của ngành Điện, gia đình tôi đã
nắm được những mẹo để sử dụng điều hoà nhiệt độ hiệu quả.
Trước đây, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, điều hoà thường được để
ở mức dưới 20°C. Tuy nhiên, hiệu quả làm mát không cao vì chênh lệch nhiệt độ
với ngoài trời khá lớn, trong khi tiền điện tăng cao. Hiện nay, gia đình chỉ
bật điều hoà ở mức từ 26°C trở lên, đồng thời kết hợp sử dụng quạt điện để
lưu thông không khí, tăng hiệu quả làm mát. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ
sinh lưới lọc để máy điều hoà hoạt động hiệu quả hơn.
Nguyễn Văn Nhân, Tổ 13, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình
Lựa chọn thiết bị có nhãn dán tiết kiệm năng lượng
Trước đây, tôi chưa hiểu biết nhiều về cách sử dụng điện tiết kiệm,
nhất là khi mua các thiết bị điện cho gia đình. Mỗi lần đi mua đồ điện như tủ
lạnh hay ti vi, tôi thường chỉ quan tâm đến giá và mẫu mã, chứ chưa để ý đến
các yếu tố như khả năng tiết kiệm năng lượng. Vài năm gần đây, khi đi mua
hàng, tôi được người bán tư vấn về các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện, sử
dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Lúc đầu, tôi cũng chưa quan tâm lắm,
nhưng sau khi mua về dùng thấy sự khác biệt, tiền điện mỗi tháng không còn
tăng nhiều như trước dù thiết bị hiện đại hơn.
Gia đình tôi đã chủ động thay dần bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED, mua
thêm tủ lạnh, máy giặt có dán nhãn năng lượng tiết kiệm điện ở mức cao. Mặc
dù giá ban đầu có thể cao hơn nhưng dùng lâu dài lại rất lợi. Không chỉ tiền
điện không bị tăng cao, mà các thiết bị tiết kiệm điện thường có độ bền cao,
ít hỏng nên tôi cũng tiết kiệm được cả tiền sửa chữa.
Bùi Văn Thành, Xóm Trám Chất, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn
|