(HBĐT) - "Là tâm điểm chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, để ổn định cuộc sống cho đồng bào ở huyện Đà Bắc sau mưa lũ chắc còn lâu dài. Khó khăn nhất của tỉnh Hoà Bình nói chung và huyện Đà Bắc nói riêng sau mưa lũ là vấn đề nhà ở. Do vậy, vấn đề cấp bách là phải lo nhà ở cho người dân. Nhà bạt cũng được, nhất định không để ai màn trời chiếu đất”. Quan điểm chỉ đạo đó của đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đang được tỉnh và huyện Đà Bắc quyết liệt chỉ đạo. Tuy vậy, ổn định dân cư sau mưa lũ huyện Đà Bắc vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.


Nhiều điểm dân cư bị... xóa

Đồng chí Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Xóm Kế có 28 hộ dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà từ những năm 1985 - 1986. Cả xóm nằm trọn trong thung lũng nhỏ, bao quanh là núi cao. Từ đây có con suối nhỏ chảy ra cửa sông. Có ruộng, đất, đủ nước quanh năm. Do vậy, tuy là địa bàn xa trung tâm xã nhưng xóm Kế luôn được xem là vùng đất bình yên và trù phú của xã vùng cao Mường Chiềng...

Tuy vậy, đợt mưa lũ lịch sử xảy ra những ngày đầu tháng 10 vừa qua đã "xoá” 1/2 số hộ dân trong xóm. Số còn lại chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề. Chỉ tay về đống đất, đá lổn nhổn trước mặt, trong đó có những tảng đá hàng chục tấn, đồng chí Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng "vẽ” lại xóm Kế trước trận mưa lũ lịch sử để chúng tôi dễ hình dung: Chỗ này trước là nhà văn hoá xóm nằm ngay gần con suối. Còn kia là nhà anh Bùi Văn Tiến cũng ở cách không xa nhà văn hoá xóm... Những ngôi nhà này trong đợt mưa lũ vừa qua đã bị nước lũ cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn. 

Chỉ về phía những ngôi nhà còn lại sau đợt mưa lũ, anh Bùi Văn Thượng, trưởng xóm Kế cho biết: Ngoài những nhà bị lũ cuốn trôi, hiện nay, hầu hết các hộ còn lại đều nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm. Gia đình anh Thượng cũng vậy, ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi, ngay phía trên  là điểm sạt lở với những khối đá khổng lồ có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Nhìn đã thấy sợ. Do vậy, có nhà nhưng nhiều hộ dân ở đây không dám ở. "Đợt vừa rồi, tranh thủ những ngày nắng lên, vợ chồng, con cái về dọn đồ đạc và gặt vét được ít lúa xong cũng đi ngay, không dám nấn ná ở lại. Trên đầu mình là đất, đá bục lở, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào”, anh Thượng thở dài nhìn về ngôi nhà sàn to đẹp nhất xóm, đầy nuối tiếc.



Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã làm thay đổi toàn bộ địa hình và tính ổn định của khu dân cư xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).

Cũng giống như xóm Kế, chỉ sau một đêm, bản Hiềng của xóm Hày, xã Đồng Ruộng cũng bị dòng lũ quét cùng đất, đá từ trên đỉnh núi đổ về cuốn sạch mọi thứ. Khoát tay một vòng rộng, anh Lường Văn Điều, trưởng xóm Hày cho biết: Con suối Hiềng trước trận mưa lũ vừa qua chỉ là con suối nhỏ, cấp nước cho hơn chục ha lúa ở phía hạ nguồn. Tuy vậy, trong đợt mưa lũ vừa qua, con suối đã bị xé toang. Nước lũ dồn về nhanh, mạnh. Đi đến đâu cuốn theo đất, đá cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi. Sau đợt mưa lũ, bản Hiềng trở thành vùng đất "trắng”. Toàn bộ cây, nhà cửa đều bị nước lũ cuốn trôi, gây ảnh hưởng nặng nề. 

Ở xã Đồng Ruộng, không chỉ có bản Hiềng bị lũ quét cuốn trôi nhà cửa, gây thương vong cho người dân mà ở xóm Nhạp Ngoài cũng là một trong những trọng điểm về mưa lũ, sạt lở. Theo đó, 100% hộ dân của xóm phải di chuyển đến nơi ở mới do nơi ở cũ có nguy cơ sạt lở cao.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đà Bắc, hiện nay, trên địa bàn huyện có 602 hộ với 2.381 khẩu đang sống trong vùng nguy hiểm sạt lở đất, lũ quét, lũ ống cần phải di dời cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Trong số 602 hộ dân có 502 hộ (chiếm trên 83% tổng số hộ cần phải di dời cấp bách) cần phải di dời khẩn cấp. Trong đó, xã Đồng Nghê có 64 hộ, xã Suối Nánh 121 hộ, xã Mường Tuống  9 hộ, Đồng Chum 37 hộ, Mường Chiềng 28 hộ, Đồng Ruộng 87 hộ, Trung Thành 13 hộ, Đoàn Kết 40 hộ, Tiền Phong 42 hộ, Vầy Nưa 39 hộ... Đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng NN& PTNT, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Đà Bắc cho biết: Trong số 502 hộ cần di dời khẩn cấp, có 33 nhà hư hỏng phải làm mới hoàn toàn; 469 hộ có thể tháo dỡ để chuyển đến nơi ở mới nhưng cần phải sửa chữa...

Ổn định dân cư sau mưa lũ: Không dễ

Từ thực tế hiện nay, việc ổn định dân cư sau mưa lũ đã được cấp uỷ, chính quyền huyện Đà Bắc xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung giải quyết ngay để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy vậy, theo đồng chí Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Đà Bắc: Hiện nay, việc bố trí, tái định cư cho người dân sau mưa lũ trên địa bàn huyện không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, địa hình bố trí dân cư của huyện từ trước đến nay chủ yếu là ở các khu vực đồi núi, có độ dốc cao. Vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều điểm dân cư trên địa bàn huyện đã chịu tác động, thiệt hại nặng nề từ lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, đá. Do vậy đã làm thay đổi hiện trạng nhiều khu dân cư. Trong đó, nhiều khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở rất cao, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người dân. Cũng do đặc thù địa hình chủ yếu là đồi, núi có độ dốc cao nên việc quy hoạch, bố trí lại dân cư trên địa bàn huyện còn nhiều vấn đề phải quan tâm.



Sau mưa lũ, cấp uỷ, chính quyền huyện Đà Bắc và tỉnh đã quan tâm giải quyết nơi ăn, chốn ở cho các hộ dân bị mất nhà. Ảnh: CB, CS Bộ CHQS tỉnh dựng nhà bạt cho người dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa ở tạm trước khi có nơi ở mới.

Chung quan điểm đó, đồng chí Quách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng chia sẻ: Đa phần các hộ dân ở xã Đồng Ruộng là dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà. Trước đây, nhường lại đất đai, nhà cửa cho vùng lòng hồ, người dân chúng tôi chuyển vén tại chỗ, hộ thấp nhất cũng vén lên đến cos 120 m. Chuyển lên đây là lên đến đỉnh núi rồi, có còn chỗ nào để đi nữa đâu. Đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã có 132 hộ bị ảnh hưởng sạt lở lũ quét cần di dời. Trong đó, riêng xóm Nhạp Ngoài 100% hộ bị ảnh hưởng. Do vậy, việc bố trí quỹ đất, ổn định dân cư cho hàng chục hộ dân không phải là việc dễ dàng. 
Sau khi nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt tình hình dân cư sau mưa lũ, hiện nay, huyện Đà Bắc đã có kế hoạch xây dựng 5 khu tái định cư mới để bố trí chỗ ở cho 184 hộ dân ở các xã: Suối Nánh, Mường Chiềng, Đồng Ruộng, Tiền Phong và Vầy Nưa. Theo đó, 5 khu tái định cư này có tổng kinh phí khoảng trên 181 tỷ đồng. Trong đó, tại mỗi khu sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Nhà văn hoá, nhà mẫu giáo, chi trường tiểu học, đường giao thông, công trình nước và điện sinh hoạt cho nhân dân. Ngoài ra, huyện cũng bố trí xen ghép tại chỗ 418 hộ. Trong đó, xã Đồng Nghê có 63 hộ thì 27 hộ chuyển lên xóm Đăm, 11 hộ chuyển lên xóm Co Lai, 25 hộ chuyển về xóm Nghê; xã Đồng Chum có 37 hộ thì 14 hộ sẽ chuyển lên khu vực xóm Ka Lông của Mường Chiềng, còn lại 23 hộ sẽ chuyển xen ghép tại chỗ, xã Suối Nánh 71 hộ, Mường Tuổng 9 hộ, Mường Chiềng 3 hộ, Giáp Đắt 7 hộ, Đồng Ruộng 91 hộ, Yên Hoà 5 hộ, Trung Thành 27 hộ, Đoàn Kết 55 hộ, Tiền Phong 11 hộ, Vầy Nưa 21 hộ, Cao Sơn 7 hộ, Hào Lý 4 hộ, Tu Lý 3 hộ, Toàn Sơn 3 hộ. Tổng kinh phí thực hiện tái định cư xen ghép tại chỗ vào khoảng trên 26,2 tỷ đồng.

Theo đồng chí Xa Đức Hiền, để đảm bảo việc chuyển dân được ổn định, UBND huyện đã đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, đánh giá địa chất khu vực chuyển dân, đo đạc bản đồ khu tái định cư, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn để khắc phục, xây dựng các công trình hạ tầng... Việc này, về trước mắt có thể gặp nhiều khó khăn nhưng đó là những yêu cầu cấp thiết để việc triển khai, xây dựng các khu tái định cư, chuyển dân được đảm bảo bền vững, ổn định và giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện. 

Ưu tiên ổn định dân cư, khôi phục sản xuất

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua xảy ra trên địa bàn huyện Đà Bắc không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng con người mà hậu quả để lại còn rất nặng nề. Hiện nay, cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương đang nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình dài lâu. Trước mắt, huyện sẽ tập trung đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho các hộ gia đình bị mất nhà cửa, các khu dân cư đang sống trong vùng nguy hiểm do hiện tượng đồi bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn. 

Theo thống kê, toàn huyện có trên 600 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Trước thực trạng đó, huyện đã và đang đề xuất với tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ địa phương quy hoạch, bố trí lại dân cư; nghiên cứu, khảo sát các vị trí để bố trí các khu tái định cư và di chuyển xen ghép các hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, ưu tiên việc gắn quy hoạch ổn định dân cư với quy hoạch sản xuất. 

Với quan điểm đó, huyện xác định trong thời gian trước mắt sẽ tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên ổn định dân cư, nhanh chóng khôi phục sản xuất để ổn định đời sống người dân. 


Đinh Công Báo 
Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc


Quy hoạch khu dân cư phải gắn với quy hoạch sản xuất

Đà Bắc là huyện có địa hình chủ yếu là đồi, núi, chia cắt phức tạp. Do vậy, không chỉ khó khăn về đất ở mà đất sản xuất cũng hạn chế.

Trong điều kiện khó khăn đó, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua không chỉ gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản mà còn gây thiệt hại nặng về sản xuất. Điều này có tác động, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân địa phương. Theo đó, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có hàng trăm ha đất sản xuất, ruộng lúa màu mỡ bị vùi lấp hoàn toàn.

Để ổn định cuộc sống người dân trong thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài cần phải tính đến việc khôi phục lại diện tích đất sản xuất cho người dân. Khi đời sống người dân còn khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống không chỉ là việc bố trí lại nơi ăn chỗ ở mà còn phải tính đến yếu tố khôi phục sản xuất. Có như vậy mới làm cho đời sống người dân ổn định dài lâu được.

Nguyễn Hữu Mai

Giám đốc BQL các dự án xây dựng hạ tầng huyện Đà Bắc


Chỉ mong sớm có nơi ở ổn định

Trận mưa lũ vừa qua, 100% hộ dân trong xóm bị ảnh hưởng. Hộ nặng nhà cửa bị lũ cuốn trôi, nhà nhẹ thì bị đất, đá sạt lở vùi lấp. Không chỉ nhà cửa của nhân dân mà toàn bộ các công trình hạ tầng như trường lớp học, hệ thống điện lưới, đường giao thông cũng bị đất, đá vùi lấp, sập đổ. Nhưng Đáng nói hơn là toàn bộ xóm là khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện, toàn bộ hộ dân trong xóm đã chấp hành tốt việc di dời đến nơi ở mới. Trước mắt, chúng tôi được bố trí ở tạm tại các nhà bạt trong khi chờ cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng khảo sát các vị trí để bố trí khu tái định cư mới và di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn.

Rất mong cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thành việc khảo sát, bố trí và xây dựng khu tái định cư mới giúp nhân dân có nơi ở ổn định để cuộc sống vợi bớt khó khăn để con em có nơi học hành đảm bảo. 

Lường Văn Hung
Trưởng xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc)



Mạnh Hùng

Các tin khác


Sau mưa lũ, hàng loạt giải pháp thúc đẩy KT – XH những tháng cuối năm

(HBĐT) - Trong đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 09 đến 12/10/2017, huyện Đà Bắc đã bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Thống kê mưa lũ đã làm 06 người chết, 05 người mất tích, 09 người bị thương; sập hoàn toàn và cuốn trôi 51 nhà; sạt lở đất vào 325 nhà; 560 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm cần di dời khẩn cấp; vùi lấp hàng trăm ha ruộng lúa, ngô, sắn, cây màu; cuốn trôi hàng trăm con gia súc, hàng ngàn con gia cầm và nhiều tài sản của nhân dân; hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, viễn thông, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa và các công trình công cộng khác bị sạt lở, vùi lấp, tàn phá và hư hỏng nặng nề.

Cấp thiết thay thế “bẫy điện” ở xã Phú Lương

(HBĐT) - Rợn người - hai từ để diễn tả cảm xúc khi chứng kiến hệ thống đường dây điện tự kéo ở nhiều xóm của xã Phú Lương (Lạc Sơn). Suốt nhiều năm qua, bà con xã nghèo này luôn mong mỏi sớm có đường dây điện đảm bảo được xây dựng để thoát khỏi cảnh "cõng” điện xa cả cây số.

Xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không đạt kế hoạch đề ra

(HBĐT) - Tháng 12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 36 về "Kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hòa Bình năm 2017”, trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.

Trên 76 tỷ đồng thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vốn vay Ngân hàng Thế giới” năm 2018 được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng nhu cầu vốn sẽ là 76.485 triệu đồng bao gồm 68.836 triệu đồng vốn Ngân hàng Thế giới và 7.648 triệu đồng vốn đối ứng của tỉnh.

200 nông dân được tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng mía an toàn

(HBĐT) - Tại huyện Lạc Sơn, trong khuôn khổ Đề án phát triển thương mại nông thôn, Chương trình MTQG xây dựng NTM và Dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, Sở Công Thương vừa tổ chức 4 lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật với tổng số 200 nông dân trên địa bàn 2 xã Tân Mỹ, Yên Nghiệp.

Trao hơn 100 chiếc máy lọc nước cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ

(HBĐT) - Ngày 13/11, Hội CTĐ huyện Yên Thủy đã phối hợp với tổ chức Care Quốc tế tổ chức trao tặng máy lọc nước cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng đợt mưa lũ ngày 10 – 12/10 vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục