(HBĐT) - Lộn xộn, thấp kém về hạ tầng, xả rác bừa bãi diễn ra nhiều năm đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) gây phản cảm, phiền toái cho người dân và khách du lịch khi đến thăm quan, thưởng ngoạn hồ Hòa Bình.


Rác thải chất đống ở cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình.

 Chúng tôi trở lại cảng Bích Hạ vào đúng ngày tàu chợ về tập kết. Nước hồ lên, đường xuống cảng trật trội như không thể trật hơn. ô tô đỗ kin kít, đường xuống hồ chỉ còn một đoạn vài chục mét, không có chỗ quay đầu. Cảng quá tải, vài chục tàu, thuyền - tàu hàng, tàu du lịch tập kết đan xe lẫn lộn. Bùn đất nhão tràn từ đường xuống, nước hồ sánh đen. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường, rửa rau, rửa bát, làm gà, làm cá, thịt lợn… tất cả "tương” xuống hồ. Việc xả rác, nước sinh hoạt từ hoạt động của cảng, các hộ dân sinh sống, cùng với đó là lượng rác trôi nổi trên hồ theo gió, con nước về "đáp” ở cảng cũng làm bến nước trở nên mất vệ sinh, gây cảm giác khó chịu. Trên bờ, rác vứt tứ tung. Quán nước vẫn rôm rả. Chuyện rác thải, ô nhiễm vẫn diễn ra như cuộc sống vốn thế. Chẳng ai hơi đâu để ý.

ông N., lái tàu chở khách gắn bó với hồ sông Đà, cảng Bích Hạ từ mấy chục năm nay than thở: Trước ở cảng này trong xanh là thế, nhưng càng ngày càng kinh khủng. Chỉ có rời cảng ra lòng hồ mênh mang mới cảm thấy dễ chịu. Kêu mãi chuyện rác nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Đối với các tàu du lịch đã được trang bị thùng vứt rác, được tập huấn thế nên chuyện xả rác xuống hồ, xuống cảng đã cơ bản được giải quyết. Còn các tàu chợ thì vẫn thế, cứ vô tư xả các loại rác. Rác tích tụ lâu, khối lượng càng lớn nên nước hồ mới đổi màu. Nghe bảo có lực lượng chức năng lên đo nguồn nước cho thấy khu vực cảng đã ô nhiễm lớn rồi.

Cảng Bích Hạ được xây dựng những năm đầu tách tỉnh, rộng hơn 2 ha. Hiện là cảng tổng hợp vận chuyển hàng hóa, nông, lâm sản… từ Hòa Bình lên các xã vùng hồ và Sơn La, phục vụ khách thăm quan du lịch hồ Hòa Bình. Hạ tầng bến bãi chưa được đầu tư, chưa có cầu cảng, khách du lịch phải lên xuống theo các lối mòn khó khăn và thiếu an toàn. Duy nhất từ nhiều năm trước mới đầu tư làm con đường bê tông xuống cảng, nhưng đến nay đã xuống cấp. Bùn đất, nước tràn xuống đường, đi lại rất khó khăn. Cảng chưa có quy hoạch khu vực tàu hàng và tàu du lịch, hàng và khách đi chung một bến. Cảng thường xuyên quá tải, nhất là dịp đầu năm, nhiều khi phải men theo sườn dốc, chèo leo qua các tàu, thuyền khác mới lên được tàu, thuyền để đi… Công ty Xây dựng và vận tải Hòa Bình - đơn vị quản lý và khai thác cảng Bích Hạ có tổ chức dọn dẹp, thu gom rác nhưng chỉ giải quyết ở "phần ngọn” mà thôi. Có khi không kịp thời rác vẫn chất đống, chềnh ềnh, bốc mùi xú uế.

ông Nguyễn Văn Lành, Bí thư Đảng ủy xã Thái Thịnh cho biết: Tình trạng xả rác ở trên bờ đã được cải thiện rồi. Nan giải nhất là các thuyền chợ, tàu vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các xã trên hồ Hòa Bình xuống cảng. Sau đó lại vận chuyển hàng hóa từ dưới xuôi ngược lên bao gồm gà, lợn, mỳ tôm, rau, củ, quả và các loại nhu yếu phẩm khác. Cứ khi tập kết tại cảng là rác lại xả thẳng xuống hồ. Thôi thì đủ cả, túi nilon, chai nhựa, vỏ lon, thịt thừa, cá mổ, quần áo rách... Có loại chìm xuống dưới nước sâu, có loại theo con nước ra khơi, vào những ngày đổi trời, đổi gió, rác tấp vào cảng tạo thành đống, mầu nước đen kịt, bốc mùi tanh, hôi thối. Cứ tính hơn chục chiếc, mỗi chiếc chỉ cần 3 sọt rác thì không biết cơ man nào mà kể. Chẳng tính hôm trời nồng, đổi gió, ngay cả lúc bình thường cũng khó có thể chịu nổi ấy chứ! Gió ngược, rác thổi ngược, gió xuôi, rác thổi xuôi. Có cái nổi trôi đi hướng về phía bờ đập thủy điện, có cái chìm xuống dưới đáy hồ, có cái táp vào cảng. Đến bây giờ lượng rác tích ở cảng nhiều lắm rồi.

"Để giải quyết tình trạng xả rác thải, xã Thái Thịnh đã đầu tư làm được hơn chục chiếc thùng rác bố trí dọc đường lên xuống cảng để thu gom. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, đôn đốc người dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Xã đang tích cực thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. Về quy định thu gom rác thải còn khá nan giải. Về phía xã đã rất nhiều lần kiến nghị cấp trên thu hồi lại cảng giao cho đơn vị có năng lực đầu tư nâng cấp, tạo mặt bằng bến bảo đảm xanh, sạch, đẹp, xây dựng môi trường trong lành. Cứ để như hiện tại, tiền thì cứ thu mà không đầu tư, không cải tạo chỉnh trang đường, cống rãnh thoát nước, mất vệ sinh, mất cảnh quan môi trường. Nếu không có cách quản lý tốt, chỉ trong thời gian ngắn không chỉ có Cảng mà lòng hồ cũng đầy rác” - Bí thư Đảng ủy xã Thái Thịnh Nguyễn Văn Lành trăn trở.

                                                                         L.C

Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục