(HBĐT) - Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện sát sao, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động khoáng sản vẫn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế.

 


Công ty TNHH khai thác khoáng sản Việt Mỹ, xã Tân Vinh (Lương Sơn) thực hiện nghiêm túc cam kết đảm bảo an toàn giao thông và hạ tầng giao thông trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thực tiễn hoạt động khoáng sản nổi lên những bất cập, đó là: một số quy hoạch khoáng sản theo giai đoạn hiện chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời với tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến doanh nghiệp và nhân dân; chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Sự phối hợp giải quyết giữa các ngành, các cấp chưa kịp thời và đồng bộ, trong xử lý sai phạm còn thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để phòng ngừa, ngăn chặn.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định (không phép, sai phép) vẫn xảy ra và có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là khai thác khoáng sản vàng, cát, sỏi lòng sông, gây tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạt lở, sói mòn đất trong mùa mưa lũ, thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến ANTT, mất an toàn về người và tài sản. Một số dự án khai thác không đúng kỹ thuật, không cắt tầng theo thiết kế cơ sở và thiết kế mỏ đã được thẩm định; sử dụng máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, nguy cơ gây tai nạn lao động. Chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm cải thiện điều kiện làm việc an toàn, ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy chế làm việc, bảo đảm an toàn lao động của người lao động chưa cao; thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan thanh tra Nhà nước về an toàn lao động, dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng. Đa số các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến môi trường, hư hỏng hạ tầng giao thông… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống KT-XH của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

 


Công ty cổ phần xi măng X18 (Yên Thủy) phát huy thế mạnh về sản xuất xi măng chịu mặn cung ứng cho thịt rường trên cả nước. 

Theo Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 88 doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản với tổng số 93 dự án khai thác khoáng sản có giấy phép còn hiệu lực. Trong đó có 6 giấy phép do Bộ TN&MT cấp, 87 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Trong 85 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng, có 46 mỏ tạm ngừng hoạt động, 22 mỏ đang hoàn thiện các thủ tục để đưa mỏ vào hoạt động, 17 mỏ tạm dừng hoạt động hoặc chưa đưa vào hoạt động. Với 8 mỏ khai thác sắt, vàng, đồng, than, antinmon, kaolin, felspat, có 1 mỏ đang hoạt động, 3 mỏ tạm dừng hoạt động, 4 mỏ đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào hoạt động.

Thực tế cho thấy, việc khai thác khoáng sản đáp ứng yêu cầu nguyên, vật liệu phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Thông qua việc thu thuế tài nguyên, thu phí bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản góp phần tăng nguồn thu cho NSNN. Nhiều doanh nghiệp tích cực hỗ trợ kinh phí nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi cho địa phương. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi thực hiện dự án khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát hiện, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản của các ngành chức năng và các địa phương còn khá thụ động. Đa số các cuộc kiểm tra và xử lý sai phạm được tiến hành sau khi các cơ quan truyền thông đại chúng phản ánh và người dân địa phương kiến nghị, kêu cứu. Đơn cử như việc xuất hiện số lượng lớn tàu neo đậu, khai thác cát, sỏi dưới lòng sông Đà thuộc địa phận 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) kéo dài hơn 1 tháng (vào tháng 4, tháng 5/2017), chỉ đến khi truyền thông đại chúng phản ánh, người dân kiến nghị, các cơ quan chức năng mới vào cuộc giải quyết. Sau khi xảy ra vụ 2 phu vàng tử vong do bị đất, đá vùi lấp tháng 11/2018 tại điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép hang Cột Cờ, thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thủy), các ngành chức năng của tỉnh vào cuộc mới nắm được. Trước đó, chính quyền xã Thanh Nông và huyện Lạc Thủy đã 36 lần lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, nhưng việc khai thác trái phép vẫn tiếp diễn cho đến khi xảy ra sự cố.

Trong khai thác đá làm vật liệu xây dựng, hàng loạt mỏ đá trên địa bàn tỉnh khai thác không đúng hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt; khai thác vượt ra ngoài ranh giới và vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản… Sau khi truyền thông đại chúng phản ánh, tổ công tác liên ngành của tỉnh đã vào cuộc, 41 mỏ đá đã bị tạm dừng hoạt động, tạm ngừng cấp vật liệu nổ và xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời yêu cầu khắc phục sai phạm mới được phép khai thác trở lại. Đến nay, có 32 mỏ đã khắc phục xong và được phép khai thác trở lại, 5 mỏ được cấp vật liệu nổ để khắc phục sai phạm, 4 mỏ chưa được cấp vật liệu nổ để khắc phục.

Hiện tại, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các dự án khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, nợ đọng thuế, phí và các dự án đã được cấp phép khai thác nhưng không tiến hành các nghĩa vụ về đất đai, môi trường, tài chính để đưa mỏ vào hoạt động. Từng trường hợp sẽ được xem xét cụ thể để trình UBND tỉnh kiên quyết thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Đinh Văn Hòa, để tiếp tục quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái pháp luật… nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH bền vững.

Đức Phượng

 Khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các loại khoáng sản 

Hoàng Duy Phương Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn (Yên Thủy) 

Nguồn khoáng sản của tỉnh ta khá đa dạng và dồi dào, nhất là khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng, nhưng không phải là vô tận. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nêu cao hiệu quả quản lý để không gây cạn kiệt tài nguyên, bảo vệ tốt môi trường sinh thái và bảo đảm ANTT, an toàn xã hội tại các địa bàn có hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chế biến khoáng sản thô bằng công nghệ lạc hậu, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường, chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động.

Từ thực tế đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền cân đối lượng khoáng sản cần khai thác để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu nguyên, nhiên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước. Đặc biệt, quan tâm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản với công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao hệ số thu hồi, giá trị của khoáng sản phù hợp quy hoạch phát triển.

 Xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

Nguyễn Văn Trung Xã Thành Lập (Lương Sơn) 

Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Lương Sơn nói riêng và toàn tỉnh nói chung có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, quản lý chặt chẽ và bảo vệ tốt khoáng sản chưa khai thác. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép đối với các đơn vị được cấp phép nhưng khai thác không đúng thiết kế, không đảm bảo an toàn lao động, nợ đọng thuế, phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xe vận chuyển quá tải, quá khổ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, gây bức xúc cho người dân và xã hội. Tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức ngăn chặn, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản

Đinh Văn Huế Xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)

Để quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, đề nghị các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan tới các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, nhất là đấu tranh với hành vi khai thác khoáng sản trái phép và tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cho phù hợp với quy định của pháp luật và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia khai thác khoáng sản, cần đặc biệt chú trọng thẩm định năng lực tài chính và vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của dự án.

 

 


Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục