(HBĐT) - Trung tuần tháng 3, chúng tôi trở lại khảo sát khu vực sạt lở tại khu tái định cư (TĐC) Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Tại đồi Lủ Thao có nhiều vết trượt dài dọc, ngang như chân chim khổng lồ, có thể trượt xuống khu TĐC bất cứ lúc nào. Tâm lý người dân rất bất an khi đang chuẩn bị bước vào mùa mưa mới, mong muốn có giải pháp căn cơ xử lý lâu dài tình trạng trượt sạt, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.


Cán bộ xã Lâm Sơn (Lương Sơn) khảo sát cung trượt sạt trên khu vực đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng.

Trưởng xóm Nguyễn Ngọc Chiều, người gắn bó với khu TĐC Rổng Vòng từ những năm đầu cho biết: Những vết trượt sạt sâu, dài ở lưng đồi trông đã rất nguy hiểm, lên cao hơn nữa ở khu vực bãi nứa gần đỉnh đồi Lủ Thao đã nứt sâu đến ngập đầu người, có chỗ kéo dài tới 5 m. Chỉ cần có những đợt mưa liên tiếp, khu đồi Lủ Thao vốn "không có chân” có thể đổ ập, đất, đá sẽ lao xuống đánh vỡ, vùi lấp nhà ở, cán bộ và người dân luôn ở trong tình trạng lo lắng, chẳng thể yên tâm sinh sống. Theo ông Chiều, từ khi xây dựng khu TĐC đã có những dấu hiệu của nứt đồi, trượt sạt và ngày càng nguy hiểm. Từ năm 2015, vết nứt dài khoảng 30 m, rộng 0,3 - 0,5m đã xuất hiện tại vị trí độ cao khoảng 50 - 60 m so với khu dân cư.

Huyện Lương Sơn đã xây dựng kè chống sạt lở tại khu dân cư xóm Rổng Vòng nhưng vẫn không đảm bảo an toàn, nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao. Đến năm 2017 diễn ra đợt mưa lũ lịch sử, khu đồi xuất hiện trượt sạt lớn, đất, đá trượt xuống khu TĐC. Cuối tháng 10 năm ngoái, đồi Lủ Thao có hiện tượng nước lẫn đất chảy xuống phía chân đồi giáp khu dân cư xóm Rổng Vòng. Huyện chỉ đạo di dời cấp bách 24 hộ dân (110 nhân khẩu) giáp chân đồi ra khỏi vùng nguy hiểm. Từ đó đến nay, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền huyện Lương Sơn đã kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng, nguy cơ trượt sạt. Các cơ quan chức năng xác định vết nứt chiều dài chân đồi có nguy cơ sạt lở khoảng 60 m, chiều cao khoảng 30 m, chiều rộng nguy cơ sạt lở khoảng 25 m, với khối lượng đất, đá nguy cơ sạt lở khoảng 4,5 vạn m3. Trong đó, từ đỉnh mái ta luy đang kè lên đỉnh đồi có 3 vết nứt liên tiếp. Trên đồi đang có hiện tượng nứt. Toàn bộ xóm Rổng Vòng có khoảng 133 hộ, khu vực giáp chân đồi 37 hộ. Hiện, 11 hộ có nguy cơ cao sạt lở đất, 7 hộ nguy cơ sạt lở. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, chính quyền xã Lâm Sơn đã đề nghị UBND huyện, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở tại khu TĐC xóm Rổng Vòng. Có phương án xử lý cấp bách chống sạt lở tại khu TĐC, vì vết nứt ở trên độ cao có nguy cơ sạt lở lớn xuống khu dân cư khi thời tiết mưa to.

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Lê Xuân Cường cho biết: Xóm Rổng Vòng nằm dưới chân đồi Lủ Thao, có 145 hộ dân với trên 600 nhân khẩu, diện tích khoảng trên 20 ha, được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, nền đất yếu, độ phong hóa thảm thực vật cao, dễ bị sạt lở khi mưa lớn kéo dài do có độ dốc lớn, đỉnh đồi cao trên 200 m so với khu dân cư Rổng Vòng. Hiện nay, đã chuẩn bị bước vào mùa mưa mới, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng tổ chức di dời, chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài, cán bộ và Nhân dân địa phương mong muốn có giải pháp căn cơ, bền vững để bảo vệ tính mạng cho người dân.

L.C

Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục