(HBĐT) - Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp. Tuy không có những lễ phát động sôi nổi với sự tham gia của đông đảo lực lượng như mọi năm, nhưng nhiều huyện, thành phố và các sở, ngành đã có những việc làm hưởng ứng phong trào Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng năm 2021 nhiều ý nghĩa, gắn với phòng, chống dịch bệnh.


Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chuẩn bị giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng năm 2021.

Hàng năm, Tết trồng cây là khởi đầu cho hành động bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng của các ngành, các cấp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần phát triển KT-XH, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2020, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng các địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai trồng được 6.200 ha rừng tập trung, đạt 111% kế hoạch. Độ che phủ rừng duy trì ổn định mức 51,5%. Nhằm chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng và hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, năm 2021, tỉnh đề ra chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần, từ năm 2022 - 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Trong năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 5.600 ha rừng tập trung.

Để đạt được mục tiêu đề ra ở mức cao nhất, UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Sở NN&PTNT cũng có công văn gửi UBND các huyện, thành phố về triển khai Tết trồng cây trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đối với những địa phương, đơn vị tổ chức phát động phong trào thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tại nơi tổ chức lễ phát động Tết trồng cây và địa điểm trồng cây không tập trung quá 20 người. Những người tham dự chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn…

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, đơn vị tích cực xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chủ động rà soát hiện trường, chuẩn bị vật tư, vật liệu sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng theo kế hoạch. Chú trọng lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên các loài cây bản địa; chuẩn bị cây giống chất lượng tốt.

Đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Năm nay, huyện có kế hoạch trồng trên 50 ha cây phân tán (tương đương 75.000 cây trở lên) và trồng rừng sau khai thác trên 400 ha. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện không tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, nhưng UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo và giao các xã, thị trấn tổ chức trồng cây tại các thôn, xóm, khu phố để làm sao vừa thực hiện tốt kế hoạch trồng cây, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Huyện xác định rõ những xã có thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp để sát sao chỉ đạo, trong đó chủ yếu là cây lấy gỗ làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản.

Cũng như Tân Lạc, năm nay, UBND huyện Đà Bắc không tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, song toàn huyện đã lấy ngày 17/2 (mùng 6 Tết) là ngày mở đầu Tết trồng cây năm 2021 và chỉ đạo các địa phương tiến hành trồng cây theo đăng ký và được giao. Hiện, mỗi xã, thị trấn tích cực thực hiện kế hoạch trồng ít nhất 2.700 cây lâm nghiệp, cây ăn quả các loại, hoặc mỗi hộ trồng phân tán từ 5 cây trở lên, hộ có đất trồng tập trung từ 0,3 ha trở lên. Toàn huyện phấn đấu thực hiện Tết trồng cây được trên 45.800 cây. Ngoài ra, trong năm nay, huyện đặt mục tiêu trồng rừng mới 800 ha, trong đó, trồng rừng phòng hộ 100 ha, trồng rừng sản xuất 700 ha. Bà con các xã, thị trấn đang chuẩn bị hiện trường, cây giống để khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng đảm bảo thời vụ, kế hoạch đề ra.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 18/2, toàn tỉnh trồng được gần 72.000 cây phân tán các loại. Nhiều huyện có số lượng trồng cây cao như: Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Cao Phong, Lương Sơn, TP Hòa Bình…

Song song với hưởng ứng Tết trồng cây, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thâm canh rừng, trồng rừng gỗ lớn, chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa thưa rừng đúng quy trình kỹ thuật, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, từng khu dân cư với sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân; tập trung tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong canh tác nông nghiệp... Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Bình Giang

Các tin khác


Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục