(HBĐT) - Trong thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh là một trong những "điểm nóng” về tăng giá chóng mặt. Nói cách khác, BĐS đang bị thổi giá một cách bất bình thường trên các phân khúc đất nền, đất rừng, đất vườn và đất trang trại...


Người dân rao bán trên mạng lô đất nghỉ dưỡng bám suối, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), diện tích 2.632 m2, 400 m2 đất thổ cư, hai mặt tiền, giá đầu tư 2 triệu đồng/m2.

Tìm hiểu về thị trường trên địa bàn tỉnh đối với đất rừng, tại khu vực lòng hồ có vị trí từ trên dưới 300 triệu đồng/ha được đẩy lên cả tỷ đồng/ha. Địa bàn khu vực huyện Kỳ Sơn (cũ) và Lương Sơn, Cao Phong, đất rừng, đất trang trại có vị trí được đẩy lên giá trên 1 tỷ đồng/ha. Hầu hết người tìm mua đất rừng đều ở Hà Nội, người dân trong tỉnh rất ít người mua. Có những khu vực đất vườn rừng sâu hun hút tại huyện Lạc Sơn cũng được người dân Hà Nội tìm mua. 

Trong những tháng qua, tại các trung tâm giao dịch BĐS trên địa bàn TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, lượng người đến giao dịch, tìm hiểu BĐS diễn ra sôi động. Anh Dũng, môi giới BĐS trên địa bàn TP Hòa Bình cho hay: "Có những môi giới BĐS cả tháng tất tả đưa người dân Hà Nội đi xem đất rừng”. 

Gặp anh Vũ Văn Sơn, một người dân Hà Nội lên Hòa Bình tìm đất trang trại, đất rừng để đầu tư lên đến vài tỷ đồng cho rằng, Hòa Bình có không khí trong lành, hơn nữa, mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm rất thấp, từ 4 - 6%/năm. Ngoài ra, tin tức trên các báo cho thấy, Chính phủ sắp "bơm" hàng trăm nghìn tỷ đồng nhằm kích thích nền kinh tế nên sợ đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao, vì vậy anh Sơn và bạn bè ở Hà Nội chọn cách đầu tư vào đất để giúp gia tăng tài sản. Đáng chú ý, anh Sơn cùng bạn bè chỉ quan tâm đến đất rừng, đất trang trại vì diện tích rộng, sau này xây dựng nhà nghỉ cuối tuần hoặc nhượng lại cũng được giá cao. "Ngoài quan tâm đến đất rừng, đất vườn tại khu vực tỉnh Hòa Bình, tôi và nhóm bạn còn quan tâm đến BĐS khu vực Phú Thọ, Thái Nguyên để đầu tư” - anh Vũ Văn Sơn cho hay. 

Theo các chuyên gia BĐS Hà Nội lý giải, nguyên nhân thị trường BĐS tỉnh tăng trong thời gian qua một phần bởi thiếu nguồn cung, do đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng. Ngoài ra, vị trí địa lý tỉnh được nhận định gần với Thủ đô, cửa ngõ Tây Bắc, có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là "đòn bẩy” khiến BĐS hấp dẫn. 

Cùng với đà tăng của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, phân khúc đất nền trên địa bàn tỉnh cũng có đợt tăng giá tương đối. Hiện tại, khu vực trung tâm TP Hòa Bình được nhận định tăng từ 20 - 30% so với đầu năm 2021. Một mảnh đất nền khu vực trung tâm thành phố ở bờ phải sông Đà nằm trong dự án Sudico khoảng 90 m2, phía trước đường rộng 5,5 m, đầu năm 2021 có giá trên dưới 2 tỷ đồng, nay được rao bán với mức giá thấp nhất 2,3 tỷ đồng trở lên. Ở bờ trái sông Đà, tại khu vực dự án tổ 7, phường Thịnh Lang diện tích 70 - 90 m2 từ 15 triệu đồng/m2 tăng lên khoảng 19 triệu đồng/m2. 

Tại các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Lương Sơn, Lạc Thủy và vùng ven TP Hòa Bình, phân khúc đất nền tại các dự án được chủ đầu tư rao bán từ 8 - 14 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Điều lạ là với phân khúc đất nền, hầu như không có nhà đầu tư Hà Nội hay ngoại tỉnh tham gia đầu tư tại địa bàn tỉnh. Nhiều dự án vẫn rao bán trên các trang mạng cũng như các group chuyên về BĐS nhưng số lượng giao dịch không nhiều. Lý giải về điều này, nhiều nhà đầu tư BĐS trên địa bàn thành phố cho rằng, đối với phân khúc này trên toàn địa bàn tỉnh trong những năm tới có khá nhiều dự án sắp được "bung ra”. Chính vì vậy, hiện giá đất nền tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý sợ lạm phát. Còn về nhu cầu ở thực tế không nhiều, hơn nữa, đất nền hầu như do người dân trong tỉnh mua mang tính đầu cơ, giao dịch giai đoạn cuối năm rất ít. Trong khi đó, nguồn tiền trong dân không nhiều. Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh doanh nên thu nhập của người dân giảm mạnh. "Nếu không có người dân khu vực Hà Nội lên tìm mua đất tại tỉnh thì giá BĐS trên địa bàn tỉnh rất khó tăng, thậm chí còn giảm mạnh” - một nhà đầu tư BĐS khu vực thành phố chia sẻ. 

Thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh hầu như do các nhóm, cá nhân ngoài tỉnh chi phối bởi nhu cầu đầu tư cao, nhất là về phân khúc đất rừng, đất vườn, đất trang trại. Tuy nhiên, do giá cao nên không nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh dám xuống tiền mua lại của dân đầu cơ. Trường hợp có nhu cầu đầu tư thật sẽ tìm các mối quan hệ thân quen để mua thẳng từ những chủ đất là người dân có nhu cầu bán, giá chỉ vài ba trăm triệu đồng/ha.
 
Trong thời gian tới, theo một số chuyên gia, việc Nhà nước sửa Luật Đầu tư và Luật Đất đai sẽ tác động rất lớn đến thị trường BĐS trên cả nước. Nhiều dự án về BĐS sẽ thuận lợi hơn trong thủ tục triển khai, tạo nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi dự kiến có nhiều điểm mới, trong đó rất có thể có các loại thuế đánh vào sở hữu BĐS, khi đó nhiều người sẽ phải bán tháo. 

Chính vì vậy, việc thị trường BĐS tăng nóng thời gian qua không chỉ khiến nhà đầu tư ham hố đẩy giá mua bằng được, bất chấp sẽ có nguy cơ "bốc khói”. Ngoài ra, điều này cũng gây hệ lụy đến phát triển KT-XH, quá trình giải phóng mặt bằng triển khai các dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 

Theo Sở Xây dựng, việc giá đất tăng cao mà không có giao dịch trong tình hình hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ đóng băng thị trường. Vì thu nhập người dân sụt giảm, lương không tăng, kinh tế khó khăn, hạn chế về nguồn tiền, trong khi giá cao... thì giao dịch khó thành công.

Về phía lãnh đạo tỉnh thời gian qua cũng đặc biệt quan tâm đến thị trường BĐS tăng nóng, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát sao, xử lý nghiêm hoạt động tung tin gây hoang mang đến thị trường, nhất là những tin tức làm "sốt đất", gây bất ổn về an ninh trật tự, xâm phạm lợi ích của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư trong tương lai.

Hồng Trung

Các tin khác


Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục