(HBĐT) - Do ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, các hộ nằm ven sông Bôi trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) thường xuyên bị ngập úng, sạt lở, thiệt hại về nhà ở, hoa màu. Cứ mỗi trận mưa lớn là người dân lại thêm lo lắng, trăn trở bởi giao thông chia cắt, nông sản thu hoạch không vận chuyển được, ảnh hưởng lớn tới đời sống.



Ngầm tràn thôn Niếng, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mùa lũ về.

Sông Bôi chảy qua xã Hưng Thi với hệ thống chằng chịt. Năm nào cũng vậy, từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 11, trên địa bàn đều xảy ra mưa lũ, ngập lụt, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, gây thiệt hại cho người dân về nhà ở và hoa màu. Các hộ dân nằm ven sông, suối thường xuyên lo lắng khi mùa nước lên, không ít nhà bị sạt lở, nứt tường, ngập úng gây hư hỏng nhà cửa, giao thông bị đình trệ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đỉnh điểm mùa bão lũ năm 2017, nước dâng cao 3 - 4 m, các thôn Voi, Niếng, Thơi bị nước lũ cô lập, chia cắt 3 - 4 tuần, nhà cửa hư hỏng nặng, nông sản và gia súc bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề cho người dân, chính quyền địa phương và các ngành phải dùng thuyền tiếp tế lương thực, hỗ trợ các hộ chờ nước rút.

Trong đợt mưa lũ từ ngày 8 - 9/9/2022, 67,55 ha hoa màu, nông sản toàn xã mất trắng, tràn nhiều ao cá gây thiệt hại về kinh tế. Taluy dương dài 140 m đoạn qua thôn Niếng bị sạt lở nghiêm trọng, người và phương tiện đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm. Đặc biệt, 21 nhà tại thôn Voi bị ngập sâu 1 - 2 m, đường bị sụt lún, nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng. Trước tình trạng đó, xã đã khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, phương tiện xuống địa bàn hỗ trợ di dời người và tài sản, triển khai các phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ bị ảnh hưởng, rất may không thiệt hại về người.

Đồng chí Dương Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn xã, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ, tổ chức luyện tập các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Chủ động rà soát công trình hồ, đập, ngầm tràn, tránh trường hợp mất an toàn. Quản lý chặt chẽ vật tư, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật dùng cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Mỗi khi tình hình thời tiết diễn biến xấu, các lực lượng duy trì trực 24/24h, cập nhật kịp thời chỉ đạo, chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra".

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, xã tổ chức 4 lực lượng chính, gồm: tuần tra canh gác, tại chỗ, ứng cứu toàn dân, cơ động. Mỗi thôn cử 3 - 5 người, gồm: Trưởng thôn, dân quân, thanh niên phối hợp lực lượng được giao nhiệm vụ thay phiên trực chốt tại các địa điểm nhạy cảm, báo cáo thường xuyên mực nước sông, suối, hồ, đập, ngầm tràn trên địa bàn. Thông báo liên tục trên hệ thống truyền thanh của xã và các phương tiện thông tin về công điện của UBND huyện, kế hoạch chỉ đạo, diễn biến của lũ bão. Hoãn tất cả các cuộc họp không thiết yếu, cử cán bộ đến từng địa bàn đôn đốc, vận động người dân tập trung, thực hiện các phương án đã chỉ đạo. Rà soát các đoạn gia cố, cắt tỉa cành cây, dọn chướng ngại vật ảnh hưởng đến việc di chuyển trong mùa mưa lũ. Đồng thời, thông qua các lớp tập huấn về nâng cao năng lực, quản lý rủi ro thiên tai, sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, xã tổ chức diễn tập, củng cố kỹ năng nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng cứu đối với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Hiện, các trang thiết bị, vật tư, phương tiện sẵn có gồm: 35 phao cứu sinh, 20 bộ áo phao, nhiều loa kéo, dây thừng cùng nhiều thuyền, xe tải có thể trưng dụng từ người dân để phục vụ công tác phòng, chống mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại tài sản, an toàn cho người dân.

Trên địa bàn xã có 3 cầu treo, 12 cầu, ngầm tràn, tuy vậy vẫn chưa đủ phục vụ nhu cầu dân sinh, còn trên 10 lối vào các thôn, khu dân cư phải đi bộ qua suối, thường xuyên bị cô lập do nước lũ mỗi mùa mưa nước dâng cao; cầu treo chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, không đủ tải trọng cho xe tải. Xã Hưng Thi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cầu, ngầm qua nhiều đoạn suối để phục vụ nhu cầu dân sinh, không còn âu lo mỗi mùa lũ về.

Hoàng Anh


Các tin khác


Huyện Yên Thủy: Hơn 440 ha lúa bị ngập úng do mưa lớn

(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.

Huyện Kim Bôi: Thiệt hại do mưa lũ gần 6 tỷ đồng

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.

Huyện Lạc Sơn: Mưa lũ gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.

Huyện Đà Bắc: Mưa lớn gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đà Bắc, đến sáng 28/9, mưa lớn đã gây ra thiệt hại về nhà ở và sạt lở đất tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh theo phương châm "bốn tại chỗ"

(HBĐT) - Ngày 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Mưa lớn gây sạt lở đất và ngập úng nghiêm trọng

(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 26 - 28/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 100 mm, đặc biệt địa bàn các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy nhiều nơi lượng mưa lên đến 170 mm. Mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục