(HBĐT) - Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà dân, trong đó có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người tử vong. Đáng chú ý, những khung sắt bao kín nhà hay còn gọi là "chuồng cọp” gây khó khăn cho việc cứu nạn.


Thành viên mô hình "Tuyên truyền, vận động Nhân dân mở cửa thoát hiểm thứ hai” phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) thực nghiệm thoát nạn bằng thang dây.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu  nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, "chuồng cọp” là ẩn họa khôn lường nếu không may xảy ra cháy. Để không tự nhốt mình trong đám cháy, hãy mở lối thoát hiểm thứ 2 cho gia đình. Ngạt khói, khí độc chỉ trong khoảng 3 phút đã có thể tử vong. 

Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC& CNCH phân tích: 2 vụ cháy gần đây tại Hà Nội càng thấy rõ sự cần thiết có lối thoát nạn thứ 2 cho ngôi nhà và trang bị kỹ năng thoát nạn trong đám cháy. Trong vụ cháy tại phố Thành Công, quận Hà Đông làm 4 bà cháu trong nhà tử vong, căn nhà bao kín bằng "chuồng cọp”, khó cho việc tiếp cận cứu nạn và thoát nạn. Còn vụ cháy tại phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, 5 người trong nhà đã bình tĩnh xử lý tình huống và nhờ không có lồng sắt ban công đã kịp thoát sang nhà hàng xóm. 

Trên địa bàn tỉnh cũng từng xảy ra thương vong về người trong những vụ cháy nhà dân được bao kín bởi chuồng cọp. Đơn cử vụ cháy tại căn hộ ở khu chung cư B13, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) làm 1 người tử vong. Vụ cháy nhà ở tổ 25, phường Tân Thịnh, may mắn lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến phá cửa kịp thời đưa 3 người bị thương đã ngất lịm ra ngoài… Đáng lo trên địa bàn tỉnh không ít gia đình còn chủ quan, thậm chí đáng buồn ở khu chung cư cũ khi được tuyên truyền tự mở lối thoát nạn thứ 2 an toàn cho chính mình còn đòi hỗ trợ mới làm?!

Đồng chí Phan Công Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: Từ yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC, thoát nạn ở khu dân cư và thiệt hại do cháy, nhất là về người do không có lối thoát nạn, không biết cách thoát nạn, khối Dân vận đã ra mắt mô hình "Tuyên truyền, vận động Nhân dân mở cửa thoát hiểm thứ hai”. Mô hình làm điểm tại tổ 10 để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn phường. 

Để mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, phường Phương Lâm đã khảo sát tình hình dân cư, nhà ở và lối thoát nạn của các hộ. Từ đó lập kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo gồm 7 thành viên, Ban chủ nhiệm mô hình tại tổ 10 gồm 7 thành viên. Mô hình điểm có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo phường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân mở cửa thoát hiểm thứ 2 và trang bị các dụng cụ cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân. Quy chế hoạt động xác định rõ nhiệm vụ của Nhân dân, tổ dân phố, Công an phường. 

Mô hình tại tổ 10, phường Phương Lâm được Nhân dân ủng hộ, hưởng ứng. Ông Nguyễn Đình Thủy cho biết: Vì sợ trộm cắp, tôi đã gia cố chuồng cọp rất chắc chắn cho ngôi nhà ống chỉ có 1 lối thoát cửa chính của mình. Khi được tuyên truyền, vận động, tôi đã tự nguyện cắt 1 ô chuồng cọp, làm cửa mở khóa, tạo lối thoát hiểm thứ 2 cho ngôi nhà.  

Qua khảo sát trước khi thực hiện mô hình, tổ 10, phường Phương Lâm có 119 hộ, 25 hộ làm chuồng cọp, 7 hộ chưa có cửa thoát hiểm thứ 2. Khi triển khai mô hình, 6 hộ tổ 10 đã tự nguyện cắt khung chuồng cọp, mở cửa thoát hiểm thứ 2; hộ còn lại cam kết có cửa thoát hiểm thứ 2 khi sắp xây lại nhà. Tổ đã trang bị các thiết bị PCCC, cứu nạn như: búa, kìm phá khóa; bình chữa cháy xách tay, thang dây…  

 Các tổ dân phố khác đã thấy được sự cần thiết thực hiện mô hình và khẳng định quyết tâm thực hiện. Ông Nguyễn Văn Qua, Bí thư Chi bộ tổ 9, phường Phương Lâm nhận xét: Tôi thấy mô hình rất thiết thực, tổ sẽ vận động Nhân dân cùng thực hiện, vì chính sự an toàn của mỗi gia đình và cả khu dân cư.
 
Phương Lâm là phường trung tâm thành phố và tỉnh, có hơn 2.800 hộ, trên 13 nghìn người. Trước khi thực hiện mô hình có 555 hộ làm chuồng cọp, trong đó 293 hộ chưa có cửa thoát hiểm. Thượng tá Trần Đăng Lượng, Phó Trưởng Công an TP Hòa Bình cho biết: Công an thành phố thời gian qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào Toàn dân tham gia PCCC; hướng dẫn thành lập các điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia an toàn PCCC. Vận động mở cửa thoát hiểm thứ 2 tại nhà dân ở các khu dân cư, nhưng mô hình tại phường Phương Lâm là bài bản nhất và đầu tiên trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực PCCC, thoát nạn. Thiết thực với dân nên chúng tôi sẽ chỉ đạo để nhân rộng. 

Cẩm Lệ



Các tin khác


Huyện Yên Thủy: Hơn 440 ha lúa bị ngập úng do mưa lớn

(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.

Huyện Kim Bôi: Thiệt hại do mưa lũ gần 6 tỷ đồng

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.

Huyện Lạc Sơn: Mưa lũ gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.

Huyện Đà Bắc: Mưa lớn gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đà Bắc, đến sáng 28/9, mưa lớn đã gây ra thiệt hại về nhà ở và sạt lở đất tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh theo phương châm "bốn tại chỗ"

(HBĐT) - Ngày 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Mưa lớn gây sạt lở đất và ngập úng nghiêm trọng

(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 26 - 28/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 100 mm, đặc biệt địa bàn các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy nhiều nơi lượng mưa lên đến 170 mm. Mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục