Những vết nứt không báo trước. Chỉ sau vài đêm mưa - ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 2 năm 2024, mặt đường tỉnh 435, đoạn qua xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc bỗng sụt lún như thể ai đó lấy dao cắt ngang dải nhựa nhẵn. 45m trượt dài, 1,2m lún sâu, vết rạn như một lát cắt phơi bày tất cả sự mong manh của hạ tầng miền núi trước thiên tai.


Tại Km27+750, mặt đường như bị bẻ gập giữa núi rừng, chia đường tỉnh 435 thành hai nửa.

Một dự án khẩn cấp được khởi động. Hai cây cầu cạn sắp nối liền đôi bờ gãy đổ, không chỉ vá lại những cung đường "bị thương", mà còn mang theo kỳ vọng về một hành trình khép lại vết nứt - cả trên mặt đất, lẫn trong lòng người.

Vết nứt không chỉ nằm trên mặt đường

Dưới lớp nhựa đen tưởng chừng vững chãi, một "vết thương” đã hình thành từ chính lòng đất. Tại Km27+750 và Km28+400 đường tỉnh 435 vết nứt giờ không còn là khái niệm hình ảnh. Nó hiện hữu sắc lạnh và trơ trọi giữa thiên nhiên như một dấu chấm lửng dang dở giữa hành trình về xuôi.

Theo thông tin do Sở Xây dựng cung cấp, tại Km27+750, nền đường bị cung trượt cắt ngang, vết nứt rộng tới 35cm, độ lún sâu nhất hơn 1,2m. Mái taluy âm bên trái tuyến bị sụt trượt kéo dài 45m, kèm theo các vết nứt thứ cấp lan rộng phía dưới. Cách đó không xa, tại Km28+400, hiện tượng tương tự xảy ra với quy mô không kém phần nghiêm trọng: cung trượt cắt qua nền đường dài khoảng 50m, xuất hiện ba vết nứt thứ cấp với chiều dài từ 15 - 38m, có vết cách mép vai đường hơn 130m.

Không chỉ là vấn đề đi lại hằng ngày, đoạn tuyến này còn đóng vai trò kết nối trung tâm thành phố Hòa Bình với xã Suối Hoa - nơi được định hướng phát triển thành vùng du lịch trọng điểm của huyện Tân Lạc. Nơi đây thu hút hàng loạt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn, với kỳ vọng tạo bước đột phá cho kinh tế vùng hồ. Mỗi đứt gãy, vì thế không chỉ là sự chia cắt địa hình, mà còn là sự gián đoạn nhịp sống, là những khó nhọc của những chuyến xe ngược xuôi, là cả nỗi bất an thường trực mỗi khi mùa mưa tới gần.

Dưới góc độ chuyên môn, nguyên nhân sụt trượt được xác định phần lớn do mưa bão kéo dài từ ngày 15 - 28/7/2024, kết hợp địa hình dốc, nền địa chất yếu và hệ thống thoát nước chưa được đồng bộ. Tuy nhiên, không thể không đặt lại câu hỏi: liệu đã có sự chủ quan trong thiết kế, thi công hoặc bảo trì trước đó? Câu hỏi này, người dân không thể trả lời. Nhưng họ có quyền được hỏi, khi chính họ là người đi trên những vết nứt ấy mỗi ngày.

Khẩn cấp, nhưng có kịp thời?

Ngày 6/8/2024, tức hơn một tuần sau đợt mưa lũ dữ dội tràn qua miền núi phía Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1483, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn tuyến từ Km27+700 đến Km28+500 đường tỉnh 435. Một tháng sau, Sở Giao thông Vận tải tiến hành khảo sát hiện trạng, xác định quy mô hư hỏng và phương án xử lý sạt trượt. Tháng 12/2024, quyết định về lệnh xây dựng công trình khẩn cấp được ban hành. Tới ngày 26/3/2025, Sở Xây dựng mới chính thức phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Đến thời điểm này, công trình vẫn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến sau khi khởi công, công trình sẽ được hoàn thành sau khoảng 5 tháng thi công.

Chuỗi thời gian ấy, nhìn thì hợp lý. Nhưng với người dân vùng sạt lở, mỗi tuần trôi qua là thêm nỗi phập phồng khi đi qua những đoạn đường rạn nứt. "Tình huống khẩn cấp” liệu có còn nguyên ý nghĩa, khi gần 9 tháng sau thiên tai, mặt đường vẫn chưa được cắm mốc khởi công?

Một người dân xã Suối Hoa chia sẻ: "Chúng tôi biết làm đường phải qua nhiều thủ tục, nhưng gọi là khẩn cấp thì cũng mong khẩn cái bước chân, xắn tay vào việc. Chỉ cần thêm một trận mưa như hồi tháng 7 năm ngoái, cả đoạn ấy có thể đứt hẳn”.

Không thể phủ nhận nỗ lực của tỉnh khi kịp thời công bố tình huống thiên tai và bố trí gần 70 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án. Cũng không thể coi nhẹ khâu khảo sát, thiết kế vì tính chất địa chất phức tạp của khu vực này - nơi nền đất yếu, sườn dốc lớn, lại nằm ven hồ thủy điện Hòa Bình. Nhưng thực tế vẫn đặt ra câu hỏi: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai không còn là chuyện của "mùa”, vậy các quy trình ứng phó có đủ linh hoạt để đi trước một bước, hay sẽ mãi chạy theo sau những trận lũ?

Hai cây cầu và trọng trách nối lại niềm tin

Theo thông tin do Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cung cấp, phương án thiết kế hai cây cầu cạn tại Km27+750 và Km28+400 đã được phê duyệt, với kết cấu bê tông cốt thép vĩnh cửu, đạt tiêu chuẩn TCVN 11823:2017. Mỗi cầu có chiều rộng 9m, dạng khung liên tục, nhịp dài 12m, hệ móng cọc khoan nhồi D1.0m - giải pháp kỹ thuật phù hợp với địa chất yếu, phức tạp ven lòng hồ.

Với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, đây không chỉ là hai cây cầu theo nghĩa hạ tầng. Nó là lối thoát cho những đứt gãy địa hình, là lời đáp cho sự mong mỏi của người dân xã Suối Hoa và những khu vực phụ cận của huyện Tân Lạc. Một khi hoàn thành, tuyến đường tỉnh 435 sẽ trở lại đúng vai trò vốn có: kết nối vùng khó với trung tâm, nối miền rừng với miền xuôi, đưa hàng hóa, dịch vụ, an sinh đến gần hơn với đồng bào nơi đây.

Hai cây cầu chưa được dựng lên, nhưng hy vọng đã bắt đầu. Hy vọng không chỉ ở thép, ở bê tông, mà ở sự vào cuộc đủ nhanh, đủ trách nhiệm. Mỗi nhịp cầu hoàn thiện sẽ là một nhịp nối lại niềm tin, rằng nơi rẻo cao này, những vết nứt rồi sẽ được khép lại, bằng hành động, không chỉ bằng giấy tờ.

 

Minh Vũ

Các tin khác


Thời tiết ngày 5/5: Nắng nóng diện rộng tại nhiều khu vực trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 5/5, tình hình nắng nóng tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Nắng nóng gay gắt kèm theo độ ẩm thấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe và cháy nổ.

Giông, lốc làm gãy, đổ nhiều cây xanh tại thành phố Hòa Bình

Vào khoảng 13h ngày 4/5, trên địa bàn thành phố Hòa Bình xảy ra trận giông, lốc rất mạnh. Giông lốc bất ngờ kèm theo mưa, gió giật mạnh diễn ra trong khoảng 20 phút đã làm nhiều cây xanh, biển hiệu trên một số tuyến đường trung tâm của thành phố Hòa Bình bị gãy, đổ. Thậm chí có những cây to đã bật gốc. Đường phố la liệt cành, lá cây rơi rụng. Ngay sau trận giông, lốc, tại một số điểm, lực lượng chức năng và người dân đã khẩn trương thu gọn cành, cây gãy, đổ nhằm đảm bảo an toàn và không gây cản trở giao thông.

Thời tiết ngày 4/5: Bắc Bộ có nắng nóng; Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa lớn cục bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 4/5, Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ C. Khu vực vùng núi phía Tây từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Thời tiết ngày 2/5: Nhiều khu vực trên cả nước có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến dao động từ 15 - 30mm, riêng một số nơi có thể vượt mức 60mm, tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai đi kèm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở 9 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ

Sáng 1/5, theo Dự báo viên Nguyễn Anh Nam, từ 8 giờ 50 phút đến 13 giờ 50 phút ngày 1/5, khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc tiếp tục có mưa.

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước 

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 26/4/2025 về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục