Ðầu tháng 8, thông qua Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty Thương mại Kỹ thuật PETEC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đưa xăng sinh học E5 trở lại thị trường sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện, xăng E5 được giới thiệu đến người tiêu dùng tại 24 cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

 
Cơ sở pháp lý vững chắc


Phó Tổng Giám đốc PV OIL Lý Hồng Ðức cho biết, trước khi đưa ra thị trường, E5 đã được thử nghiệm trên các loại xe khác nhau trên nhiều địa hình, chứa thử trong các bồn chứa ngầm và đều cho kết quả an toàn. Theo kết quả kiểm nghiệm của Phòng thí nghiệm Ðộng cơ đốt trong, Ðại học Bách khoa Hà Nội, xe sử dụng xăng E5 tăng tốc nhanh hơn so với xe sử dụng xăng A92, nhiên liệu cháy triệt để hơn, không ảnh hưởng xấu đến độ bền động cơ. Khí thải hy-đrô các-bon cũng thấp hơn.


Theo ông Ðức, đến nay hành lang pháp lý để sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học (NLSH) cũng đã cơ bản hoàn tất. Năm 2007, hai tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7716:2007 bio-ethanol nhiên liệu biến tính dùng để trộn với xăng sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đánh lửa, yêu cầu kỹ thuật và TCVN 7717:2007 nhiên liệu đi-ê-den sinh học gốc (B100), yêu cầu kỹ thuật đã được ký công bố áp dụng.


Ngày 6-10-2008, Bộ Công thương đã phê duyệt "Danh mục các đề tài và dự án thực hiện trong năm 2009" về sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao làm nguyên liệu sản xuất  NLSH, nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ sản xuất NLSH tiên tiến trên thế giới từ các nguồn nguyên liệu khác nhau, xây dựng và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển NLSH ở Việt Nam, hoàn thiện công nghệ sản xuất E5 từ phối trộn, tồn trữ đến phân phối và thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá khả năng thương mại xăng E5.


Ngày 19-6-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án "Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào (Jatropha Curcas)  ở Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2025" với mục tiêu tạo ra một ngành sản xuất nông nghiệp mới thông qua việc hình thành vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến dầu đi-ê-den sinh học có hiệu quả cao, quy mô lớn trên cơ sở sử dụng hiệu quả đất đai ở các vùng hoang hóa, khô cằn, đất trống, đồi núi trọc và những nơi canh tác  nông nghiệp năng suất thấp.


Bộ Tài chính đã phát hành hai thông tư liên tịch với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 96/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 8-8-2007 và với Bộ Công thương số 85/2008/TTLT-BTC-BCT ngày 2-10-2008 về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời chỉ thực hiện Ðề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020, trong đó có quy định về nguồn kinh phí, nội dung chi và mức chi cho các chương trình.


Năm 2009, Nhà nước đã đẩy mạnh tiến độ triển khai phát triển thị trường NLSH. Tháng 6-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hai tiêu chuẩn quốc gia "TCVN 8063:2009: Xăng không chì pha 5% Ethanol - Yêu cầu kỹ thuật" và "TCVN 8064:2009: Nhiên liệu đi-ê-den pha 5% este methyl axít béo - yêu cầu kỹ thuật". Tháng 9-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu đi-ê-den và nhiên liệu sinh học".


Ông Ðức khẳng định: "Với các chính sách này, cùng với những quy định về thiết kế và kiểm định chất lượng của các trạm phân phối và lưu trữ NLSH dự kiến sẽ được các cơ quan chức năng ban hành trong thời gian sắp tới, hành lang pháp lý cho ngành sản xuất và kinh doanh NLSH sẽ cơ bản hoàn thiện, góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp  này".


Xu thế không thể cưỡng lại


Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt buộc các phương tiện giao thông phải sử dụng NLSH, đặc biệt ở các nước châu Âu và các nước phát triển. Ðáng kể nhất là Mỹ và Bra-xin, được xem là hai nước đi trước và đi đầu trên thế giới về NLSH. Từ một nước phải nhập khẩu dầu mỏ hằng năm, đến nay Bra-xin đã được công nhận là nước đầu tiên trên thế giới không bị lệ thuộc vào dầu mỏ khi phát triển NLSH.


Các nước châu Á cũng đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp NLSH. Năm 2006, Thái-lan đã dùng xăng pha 10% ethanol trên toàn quốc và chuyển sang xăng pha 20% ethanol khi khủng hoảng giá nhiên liệu thế giới bùng nổ vào năm 2008. Không chỉ vậy, Thái-lan cũng xuất khẩu ethanol sang Xin-ga-po, Phi-li-pin, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Trung Quốc cũng đã đề ra kế hoạch năm 2010 sẽ pha hai triệu tấn ethanol vào xăng, và đến năm 2020 sẽ pha mười triệu tấn, một nỗ lực để giảm hiệu ứng nhà kính của trái đất. Còn tại Ấn Ðộ, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu đứng thứ năm trên thế giới, do 77% nhu cầu nhiên liệu trong nước phải dựa vào nguồn nhập khẩu, chính phủ nước này đang đẩy nhanh ngành sản xuất ethanol và dự báo sẽ có những đột phá trong giai đoạn từ nay đến năm 2012.


Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này. Việc đưa xăng sinh học E5 vào phục vụ thị trường trong nước là một phần nội dung của "Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" của Chính phủ, do Bộ Công thương chủ trì, đánh dấu một bước phát triển mới trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam.


Theo đề án này, mục tiêu phát triển cho từng giai đoạn từ nay cho đến năm 2025 như sau:


Giai đoạn 2007 đến 2010: Hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích sản xuất và sử dụng NLSH, xây dựng lộ trình sử dụng NLSH, làm chủ công nghệ từ nguyên liệu, sản xuất và pha trộn; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về NLSH; quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cho NLSH cùng với xây dựng mô hình sản xuất NLSH quy mô 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5 tương đương 0,4% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2010, bảo đảm cung cấp 8% nhu cầu cả nước về E5 và B5.


Từ năm 2011 đến 2015: Sản xuất được các phụ gia, men và vật liệu cho sản xuất NLSH, phát triển sản xuất và sử dụng NLSH thay thế nhiên liệu truyền thống; phát triển các giống nguyên liệu mới có năng suất cao; xây dựng mô hình sản xuất NLSH tương đương với 1% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2015; bảo đảm cung cấp 20% nhu cầu cả nước về E5 và B5.


Giai đoạn 2016 đến 2025: Xây dựng ngành NLSH tiên tiến, hiện đại và bền vững; bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu cả nước về E5 và B5.


Theo Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg, trong giai đoạn 2007 - 2015, sản xuất NLSH được xếp vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NLSH được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là NLSH. Tại Nghị định số 24/2007/NÐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp NLSH được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất NLSH được miễn thuế nhập khẩu.


NLSH là năng lượng mới nên thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư, NLSH cũng thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (theo Quyết định số 55/2007/QÐ-TTg), được hưởng các chính sách ưu tiên và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất. Theo Thông tư số 02/2007/TT-BTM ngày 2-2-2007 của Bộ Thương mại, dự án đầu tư vào ngành năng lượng mới (NLSH) được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất, vật tư và linh kiện phục vụ cho sản xuất.


Theo ông Ðức, các chính sách trên được áp dụng rộng rãi sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy kênh phân phối rộng khắp sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người dân, xã hội và đất nước.


Khởi đầu thuận lợi


Bước đầu đưa xăng sinh học E5 trở lại, PVN và PV OIL đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng do thử nghiệm thực tế ban đầu cho thấy người dân hoàn toàn hài lòng về chất lượng, đồng thời lại được hưởng chính sách giá thấp hơn 500 đồng so với xăng A92. Là doanh nghiệp tiên phong đi tạo lập thị trường, PVN đã triển khai liên tục các dự án để bảo đảm nguồn cung ứng đón đầu sự phát triển của thị trường, trong đó có việc xây dựng ba nhà máy sản xuất ethanol để pha chế xăng sinh học.


Nhà máy Ethanol Phú Thọ tại huyện Tam Nông khởi công tháng 9-2008 với tổng mức đầu tư 80 triệu USD. PV OIL nắm 29%, Tổng công ty Tài chính dầu khí PVFC nắm 10%, Tổng công ty dung dịch khoan DMC 10% và các đối tác khác nắm giữ phần còn lại. Nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn sắn lát khô/năm với công nghệ của công ty Delta - T (Mỹ), dự kiến sẽ đi vào sản xuất năm 2011.


Một nhà máy sử dụng công nghệ tương tự là Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất. Nhà máy có tổng vốn 80 triệu USD, trong đó Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - PETROSETCO sở hữu 25%, Tổng công ty lọc dầu Bình Sơn - BSR nắm 55%, Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam - PVFC nắm 10% và các đối tác khác.


Trong khi đó, Nhà máy Ethanol Bình Phước xây dựng ở Bù Ðăng (Bình Phước) sử  dụng công nghệ của Công ty PRAJ (Ấn Ðộ), khởi công tháng 3-2010 và dự kiến đi vào sản xuất năm 2011. Trong tổng số 80 triệu USD vốn đầu tư, PV OIL nắm 29% vốn, Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) 49%, và Công ty LICOGI 16 giữ 22%.


Với ba nhà máy này, trong giai đoạn đầu, sẽ có khoảng 50 nghìn hộ nông dân đồng hành cùng PVN và PV OIL trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tạo nguồn đầu vào chất lượng cao cho các nhà máy, góp phần cải thiện đời sống nông dân ở những vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
 
 
 
                                                                                   Theo ND

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục