(HBĐT) - Lâu rồi, có dễ đã hàng chục năm, tôi mới lại có dịp ngược hồ thuỷ điện cho hết địa phận của tỉnh Hoà Bình và sang tới tận Sơn La. Chuyến điền dã sáng tác, quảng bá du lịch vùng hồ Hòa Bình có sức hút lớn đối với hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh và hàng chục hoạ sỹ ở Thủ đô Hà Nội tham gia. Anh em văn nghệ sỹ, báo chí dù mới gặp lần đầu nhưng tỏ ra thân mật, chuyện nở như ngô rang để rồi bùng nổ những trận cười đến nghiêng ngả hồ nước xanh.


Với tôi, thời gian thấm thoắt nay đã 43 năm, từ một thân một mình, nay tôi đã có một gia đình đầm ấm với 10 con người của 3 thế hệ sinh sống tại Hoà Bình. Chuyến đi này, tôi được gặp lại rất nhiều địa danh của huyện Đà Bắc, nơi mình và cả gia đình nhỏ của mình gắn bó nhiều năm. "Đà Bắc là huyện miền núi cao của tỉnh Hà Sơn Bình, với diện tích 864 km2, 23 xã…” - đó là những dữ liệu tôi thuộc và nhớ từ năm 1977 cho đến giờ. 

Từ cảng Bích Hạ thuộc TP Hoà Bình ngược hồ, khi xưa phía trái có các xã: Thung Nai, Ngòi Hoa, Dân Lập, Tân Lập. Sau này, do điều chỉnh địa giới hành chính, Thung Nai về Cao Phong, Ngòi Hoa về Tân Lạc; Dân Lập sáp nhập với Tân Lập thành xã Tân Dân và thuộc huyện Mai Châu. Như vậy, chuyến điền dã lần này, tôi đã được gặp lại các địa danh: Vầy Nưa, Hiền Lương, Thung Nai, Ngòi Hoa, Hào Tráng, Dân Lập, Tân Lập, Yên Hoà, Tiền Phong, Đồng Ruộng, Đồng chum, Mường Chiềng, Suối Nánh, Đồng Nghê, vị chi là 14/23 xã của huyện Đà Bắc khi chưa ngập thành hồ. 



Ngồi trên tầu du lịch lướt sóng hồ, trong tôi những ký ức tràn về xao xuyến. Do địa hình thay đổi, các làng bản tôi đã đặt chân, đã ăn ở cùng bà con nay chìm sâu dưới đáy hồ. Những làng mạc hiện nay là kết quả của công cuộc chuyển di vén như cách gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ đạo chuyển dân năm 1980 – 1982 và tạo dựng cho tới ngày nay. Tôi thường ở bên anh lái tầu để hỏi chỗ này thuộc xã nào để biết và hình dung lại những gì còn lưu giữ trong đầu về địa danh đó.

Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin nói về khu vực Chợ Bờ. Khu vực Chợ Bờ có thác Bờ, chợ Bờ và phố Bờ. Thời thuộc Pháp, đã hai lần tỉnh Bờ đặt tỉnh lỵ nơi đây (từ 1886 mới có tên tỉnh Hoà Bình). Trước khi nằm dưới hồ nước sâu, nơi đây là huyện lỵ huyện Đà Bắc. Tuy nhiên, phố Bờ nhỏ, gọn chưa đủ tiêu chuẩn của một thị trấn. Chính vì vậy, gọi là phố Bờ nhưng chỉ là một đơn vị hành chính tương đương một xóm thuộc xã Vầy Nưa, mà UBND xã Vầy Nưa đặt ở xóm Vầy, trung tâm xã Vầy Nưa cách đó hàng chục km bên sông phía hạ lưu.

Từ chân dốc Cun thuộc TP Hoà Bình, theo quốc lộ 6A qua Bình Thanh (thuộc huyện Kỳ Sơn thời đó) rồi đến Thung Nai khoảng gần 20 km ta gặp sông Đà. Sau hàng chục km qua rừng, núi, sông Đà mở ra không gian trời nước mênh mông. Nhìn ngược phía thượng nguồn, ngay trước mặt, ta gặp hàng chục núi đá, mỏm đá to nhỏ mọc đầy mặt sông. Đó chính là thác Bờ hùng vỹ. Từ Thung Nai qua phà, đi khoảng 2,5 km nữa qua xóm Hang Thần của đồng bào Mường, tới cầu Búng, gặp chợ Bờ và đó cũng là đầu phố Bờ nơi có dân cư sinh sống và các cơ quan huyện Đà Bắc đứng chân. 

Trước khi chuyển dân, chuyển huyện lỵ từ Chợ Bờ về Tu Lý, các cơ quan, trường học, nhà dân nơi đây đều là nhà gỗ hoặc tranh tre, nứa lá. Duy nhất có Bưu điện huyện bên cạnh quốc lộ 6, đoạn giữ phố Bờ là nhà xây còn lại từ thời thuộc Pháp. Tuy trong sử sách ghi lại tỉnh lỵ tỉnh Bờ hai lần đóng tại Chợ Bờ, nhưng dấu tích của những cơ quan, công sở thời tỉnh lỵ ấy hầu như không còn. Tôi nhớ lại, phía sau Ngân hàng huyện Đà Bắc là đồi, dưới những vạt dây khoai lang xanh tốt thỉnh thoảng lộ ra những đống gạch vụn, có chỗ còn hình thù của móng nhà, đường đi… có lẽ đó là dấu tích của tỉnh lỵ tỉnh Bờ khi xưa? Có lẽ hàng cây gỗ tếch cổ thụ chạy dọc phố là minh chứng tiêu biểu cho sự có mặt sớm của người Pháp tại nơi này. 

Trong cuốn "Tỉnh Mường Hoà Bình” (Hoa Binh Mương Province) của học giả người Pháp PIERRE GROSSIN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1926 có đoạn: "Sông Đà chảy từ Chợ Bờ đến Hoà Bình giữa khe hẹp của những dãy núi đá vôi. Suốt bốn mùa thuyền lớn lui tới Chợ Bờ, nơi có một cái chợ rất to, cứ mười ngày họp một phiên. Phía trên đập Bờ (thác Bờ), chỉ có thuyền độc mộc đi lại được. Để có thể đi lại bằng đường thuỷ, năm 1890, ông Morel có ý muốn khơi một con sông đào để đi tránh cái đập mà trước đây công binh đã dùng mìn để khai thông nhưng vô hiệu”. Như thế, nếu người Pháp thực hiện được việc khơi một con sông đào để tránh thác Bờ thì con sông đào ấy sẽ chạy qua phố Bờ.

Mấy năm gần đây, khi tham gia sưu tầm hình ảnh thác Bờ, khu vực Chợ Bờ trước đây, tôi gặp được một số hình ảnh quý giá của thác Bờ, vùng Chợ Bờ từ thời thuộc Pháp (năm 1925) mới hình dung ra khu vực tỉnh lỵ tỉnh Bờ khi ấy đã sầm uất lắm. Tầu thuỷ hiện đại (hai tầng) của Pháp đã cập bến Chợ Bờ. Người Pháp đã chụp ảnh toàn bộ khu vực Chợ Bờ, thác Bờ từ trên cao. Mới nghĩ, vùng Chợ Bờ khi xa xưa có thể đã là một thương cảng giao thương từ Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc. Vì khi đó đường bộ chưa mở, giao thông lên miền ngược chủ yếu nhờ vào sông Đà, huyết mạch từ đồng bằng Bắc Bộ lên Tây Bắc. 
Từ Việt Trì - ngã ba sông, ngược sông Đà lên đến Chợ Bờ. Do thác Bờ hiểm trở và hung dữ nên tầu lớn không thể vượt qua. Đây chính có thể là một lý do bất khả kháng để người Pháp dừng chân, neo đậu và mở ra tỉnh lỵ nơi này. Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay dưới chân thác Bờ là chợ Bờ và có bến Hạ. Điểm gần cuối của phố Bờ phía trên thác Bờ là bến Thượng. Những địa danh (bến Hạ, bến Thượng) này càng cho ta thêm liên tưởng đến vị trí quan trọng của vùng Chợ Bờ khi xưa, nhất là khi nơi đây đã hai lần là tỉnh lỵ của tỉnh Bờ. Đầu thế kỷ XX, mỗi tuần đã có một chuyến tầu du lịch hai tầng của người Pháp từ Bạch Hạc (Việt Trì) chở khách thăm quan thác Bờ, chợ Bờ.

Ngược tiếp dòng lịch sử, vào tháng 3 âm lịch năm Đinh Tỵ (1432) trên đường dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn trở về, Vua Lê Lợi đã làm thơ khắc vào vách đá thuộc quần thể đá thác Bờ phần nằm trên phố Bờ mà các thế hệ sau này gọi là núi thơ Lê Lợi hay Bia Lê Lợi. Khi chuyển huyện, chuyển dân khỏi vùng lòng hồ sông Đà, phần đá khắc thơ này được cắt rời chuyển về thị xã Hoà Bình và nay lại được chuyển lên đặt trên núi Hang Thần trên hồ Hoà Bình thuộc Chợ Bờ xưa. 

Rất tiếc cho tới nay, những sử liệu về tỉnh lỵ tỉnh Bờ mà chúng ta có được còn quá ít. Theo tôi, đây cũng là một nhiệm vụ mà những nhà sử học, nhà nghiên cứu cần quan tâm làm rõ. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang coi trọng đầu tư phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình thành khu du lịch cấp quốc gia. Những trầm tích văn hóa, lịch sử cùng những kỳ quan thiên nhiên nằm sâu dưới đáy hồ rất quý, rất cần được tái hiện bằng sa bàn, bằng vật chứng, sách, ảnh để giới thiệu với khách du lịch gần xa thì quả là hấp dẫn!

Lê Va
(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục