Hợp tác khí đốt giữa Nga và Đức, bắt đầu cách đây 50 năm, đã thực sự chấm dứt vào hôm 4/9 với những tuyên bố cuối cùng của các bên "ly hôn".

Chú thích ảnh

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DW

Các quan chức Nga cho biết họ ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 với lý do cần được sửa chữa, đẩy giá khí đốt tăng thêm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Về phía Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng Berlin không còn hy vọng vào việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, đồng thời cam kết sẽ chuyển đổi sang sản xuất hệ thống sưởi bằng than và tung gói hỗ trợ 65 tỷ euro nhằm đối phó khủng hoảng năng lượng. 

Vào tháng 2/1970, các lãnh đạo của Liên Xô và Tây Đức đã ký một thỏa thuận dài hạn về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đến Tây Âu với nguồn cung cấp khí đốt từ Liên Xô. Thỏa thuận này được gọi là "thỏa thuận thế kỷ", vì đó là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử các thỏa thuận giữa Liên Xô - Đức và Nga - châu Âu. Trước khi ký kết hợp đồng lịch sử này, Đức đã bị Mỹ phản đối mạnh mẽ.

Chủ nhật tuần trước (28/8), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không còn coi Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy. Thủ tướng Đức cho biết: "Kể từ tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt".

Đổi lại, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nói rằng Đức đang hành động như kẻ thù của Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva và cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đổ lỗi cho các chính trị gia châu Âu là nguyên nhân khiến đường ống dẫn khí Nord Stream 1 dừng cung cấp khí đốt. "Nếu châu Âu đưa ra một quyết định hoàn toàn vô lý mà theo đó họ từ chối bảo dưỡng thiết bị của họ, hay đúng hơn là thiết bị thuộc về Gazprom, mà theo hợp đồng, họ phải bảo dưỡng, thì đây không phải là lỗi của Gazprom, đó là lỗi của những chính trị gia đã đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt. Và bây giờ, khi thời tiết lạnh hơn, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn", ông Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 không hoạt động sau khi bảo trì vào ngày 31/8 sau khi phát hiện rò rỉ dầu trong động cơ Siemens. Việc sửa chữa động cơ Siemens chỉ có thể thực hiện được tại một nhà máy ở Montreal, và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Gazprom. "Siemens ngày nay hầu như không có cơ hội để sửa chữa các thiết bị bơm khí của chúng tôi thường xuyên. Đơn giản là Siemens không có nơi nào để thực hiện những công việc này”, Alexei Miller, người đứng đầu Gazprom cho biết.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng xác nhận rằng Siemens phải đáp ứng các điều kiện hợp đồng để bảo dưỡng các tuabin của Nord Stream 1 để đường ống dẫn khí tiếp tục hoạt động. Ông Novak bác bỏ những thông tin cho rằng phía Nga cố tình từ chối tiếp nhận tuabin nhằm hạn chế nguồn cung. 

Ông Novak cảnh báo rằng mùa Đông có thể dẫn đến những đợt tăng giá mới trên thị trường do "chính sách năng lượng thiển cận của EU". 

Tuy nhiên, các nhà chức trách Đức đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị năng lượng cho mùa Đông tới. "Chúng ta có thể vượt qua mùa Đông này", Thủ tướng Scholz nói, lưu ý Đức đang trải qua thời kỳ khó khăn, nhưng Chính phủ đã đưa ra những quyết định kịp thời để tránh tình trạng mất điện trong năm nay. Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được khởi động trở lại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nêu rõ các mục tiêu do chính phủ đặt ra về việc tích đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt đã đạt trước kế hoạch, ngăn chặn những lo ngại tồi tệ nhất về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong mùa Đông năm nay. Mức dự trữ của Đức đã đạt khoảng 82% và mục tiêu tiếp theo là 95% vào ngày 1/11 tới. 

Mặc dù Nga đóng cửa đường ống Nord Stream 1 kể từ ngày 31/8, nhưng trong khi khí đốt của Nga chiếm 55% lượng tiêu thụ của Đức vào năm 2021, thì con số này đã giảm xuống chỉ còn 9,5% vào tháng 8/2022. Nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Hà Lan hiện chiếm phần lớn nguồn cung của Đức. Đức cũng đang chờ các dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Pháp sau khi các vấn đề về tổ chức và kỹ thuật đã được giải quyết.

                                                                        Theo báo Tin tức

Các tin khác


Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump gia tăng ưu thế tại các bang chiến địa

Ngày 14/5, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng ưu thế tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng trước đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Hàng chục nghìn người cao tuổi Nhật Bản qua đời trong cô độc mỗi năm

Ước tính mỗi năm có khoảng 68.000 người trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua đời trong cô độc tại nhà, mà không có bất kỳ người nào bên cạnh trong phút lâm chung. Thông tin trên được Cảnh sát Nhật Bản đưa ra ngày 14/5.

Tiến tới chấm dứt các phương thức nấu ăn gây hại cho sức khỏe con người, khí hậu

Ngày 14/5, đại diện của 50 quốc gia sẽ nhóm họp tại Pháp để thảo luận về thực trạng thiếu khả năng tiếp cận các phương pháp nấu ăn sạch trên toàn thế giới vốn là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm và khiến Trái Đất ấm lên.

Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục