(HBĐT) - Dẫu đã nghe nhiều cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook, nhưng vì tò mò và tìm hiểu vì sao có nhiều nạn nhân bị lừa, tôi đã nhận cuộc gọi, nói chuyện với nhóm đối tượng lừa đảo. Qua đó, phần nào hiểu được lý do có khá nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn và khó có khả năng lấy lại, cho dù có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng. 



Một trong những văn bản nhóm lừa đảo gửi cho các nạn nhân để uy hiếp tinh thần, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng.

Đó là cuộc gọi từ số điện thoại lạ (+882804…) gồm 12 số. Giọng nói ở đầu dây có phần giống giọng của robot đọc hơn giọng người thực. Người đó xưng tên là Nhân, đang công tác tại nhà mạng Vinaphone, đọc rõ tên, số chứng minh nhân dân (CMND) của tôi, hỏi tôi có dùng số điện thoại và CMND này để đăng ký một số điện thoại khác sử dụng vào việc quảng cáo, lừa đảo… hay không? Vì hiện tại đang có người kiện tôi vì việc này và chúng tôi  (nhà mạng - NV) sẽ phải ngắt số điện thoại tôi đang dùng. Khi tôi hỏi phải làm gì, phía đầu dây tư vấn: Giờ chị cần báo án với cơ quan chức năng để họ điều tra, trả lại sự trong sạch cho chị.

          Theo sự chỉ dẫn của "nhân viên nhà mạng”, tôi được nối máy đến "cơ quan điều tra” là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Qua hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi qua điện thoại với "cán bộ điều tra”, tôi được biết thêm: Ngoài việc dùng số điện thoại 012576… nhắn tin, gọi điện lừa đảo, tôi còn bị tố là có cấu kết với 2 đối tượng nằm trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, mà việc cụ thể là tôi đã dùng CMND của mình mở tài khoản ở một ngân hàng với mục đích rửa tiền. Cơ quan điều tra đã bắt được một số đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia nọ, họ đã khai có "rót" 8 tỷ đồng trong tài khoản tôi mới lập. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh sự việc, yêu cầu tôi hợp tác, đặc biệt là không tiết lộ thông tin của Ban chuyên án với ai, kể cả người thân trong gia đình. Ngay sau đó phía "cơ quan điều tra” gửi qua zalo cho tôi một văn bản "mật”, quy định bảo mật điều tra. Văn bản có đóng dấu đỏ, chữ ký của một vị Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh. 

          Tiếp đó "cán bộ điều tra” gửi cho tôi quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản mà nghi can (là tôi) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (tội rửa tiền).

Ngay sau đó tôi được "cán bộ điều tra” giới thiệu và nối máy để trao đổi với một người đang thực hiện việc thụ lý hồ sơ. Kèm theo đó là lời dặn dò: Chị hãy chào hỏi và... nhờ người ta giúp đỡ lập, hoàn thiện hồ sơ điều tra tài chính. Sau một hồi rà soát lại các thông tin tôi đã trao đổi để "lập hồ sơ”, người này chỉ dẫn: "Chúng tôi sẽ giúp chị xác minh tài chính. Do điều kiện ở xa không thể đi lại đúng giờ, chị có thể chuyển tất cả số tiền chị đang có và gửi tiết kiệm ở các ngân hàng vào số tài khoản SmartBanking, sau đó chuyển vào số tài khoản (1903… Ngân hàng Techcombank), và ủy quyền cho chúng tôi thực hiện thanh tra tài chính giúp chị. Sau khi thanh tra, nếu nguồn tiền của chị không có dấu hiệu vi phạm sẽ được trả lại nguyên trạng…”. Đến đây, mọi chuyện đã gần sáng tỏ, tôi nói lời cảm ơn và cho biết quyết định của mình: Sẽ đợi... lực lượng chức năng đến làm việc cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi không chuyển tiền vào tài khoản kia để... nhờ điều tra, giám sát.

Qua cuộc đối đáp với nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội phần nào hiểu được nguyên nhân có nhiều nạn nhân dễ dàng sập bẫy. Bởi nhóm lừa đảo thường xưng danh là đại diện cơ quan công quyền, đang thực hiện chuyên án tuyệt mật, dùng các văn bản pháp luật giả mạo để làm bằng chứng thuyết phục, đặc biệt là không để nạn nhân có thời gian để trao đổi, chia sẻ sự việc trên với người khác.

Sau đó, tôi gửi "Quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản nghi can…” nhóm lừa đảo đã gửi cho tôi tới cán bộ Phòng Nghiệp vụ Viện KSND tỉnh nhờ so sánh, đối chiếu tính xác thực của văn bản. Trong thời gian chưa đầy 15 phút, tôi đã có câu trả lời: Quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản trên là giả mạo, vì sai cả về nội dung, hình thức (theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và mẫu quyết định hiện hành của Viện KSND tối cao), ngay cả cách đóng dấu mật cũng không đúng với quy định hiện hành.  

Trước tình trạng gia tăng các loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội, cơ quan chức năng khuyến cáo: Người dân cần đề cao cảnh giác khi nghe các số điện thoại có đầu số lạ và xưng danh là người của cơ quan công quyền: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… đang thực hiện công tác điều tra tội phạm. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, mã OTP dành cho giao dịch trên hệ thống SmartBanking… cho các đối tượng này, đồng thời, tố giác với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

   P.V

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục