Ngày 12/7, tại phiên họp thường kỳ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã thông qua “Đề án dạy tiếng Thái, Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên trình bày.

Đề án nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dự kiến được triển khai trong năm 2011.

Mục tiêu đặt ra là mỗi năm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ mở 40 lớp dạy tiếng Thái, 40 lớp dạy tiếng Mông cho khoảng 2.000 học sinh lớp 3. Ở độ tuổi này cũng là lúc học sinh, nhất là con em dân tộc Mông, Thái đã đọc, viết thành thạo ngôn ngữ Tiếng Việt phổ thông nên không bị hạn chế trong việc học, tiếp thu ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc mình.

Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ duy trì số học sinh này lên các lớp 4, 5 (bậc Tiểu học) và 6, 7, 8, 9 (bậc Trung học cơ sở). Sẽ có 40 trường tiểu học và 40 trường trung học cơ sở được huy động tham gia dạy học. Đề án sẽ duy trì quy mô các lớp học này cho đến năm lớp 9, giai đoạn 2016-2020.

Về chương trình học và tài liệu giảng dạy, ở cấp tiểu học, tiếng Thái sử dụng chương trình và tài liệu thí điểm biên soạn giai đoạn 2001-2005; tiếng Mông sử dụng chương trình, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Lên bậc trung học cơ sở, khi kiến thức, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Thái, Mông của học sinh được nâng cao thì tài liệu sẽ được biên soạn mới theo hướng phát triển, mở rộng và nâng cao hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo nội dung tài liệu bám sát nội dung, chương trình môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở.

Đề án thống nhất, đối với tiếng Thái sẽ sử dụng ngôn ngữ ngành Thái đen (Tay Đăm) và mẫu chữ Thái cổ; đối với tiếng Mông thì sử dụng ngôn ngữ ngành Mông đỏ (Mông Lềnh-Mông Hoa) và sử dụng mẫu chữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Tổng kinh phí của đề án qua 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 là 8,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh Điện Biên, trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, ngôn ngữ Mông, Thái ảnh hưởng rất lớn đến các dân tộc khác bởi tỷ lệ cơ cấu dân số của người Mông, Thái chiếm tỷ lệ khá cao, lại có nền văn hóa bản địa lâu đời.

Trước nguy cơ ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái, Mông ngày một mai một và có chiều hướng không theo kịp được ngôn ngữ hiện đại, việc triển khai đề án để bảo tồn, phát huy chữ viết, ngôn ngữ Thái, Mông là nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, ngoài yêu cầu có một bộ sách giáo khoa chuẩn, đòi hỏi nguồn giáo viên tham gia công tác giảng dạy phải được sàng lọc kỹ, hội tụ các yếu tố tâm huyết, yêu nghề, hiểu biết văn hóa dân tộc…

Đánh giá về tính khả thi của đề án, ông Lê Văn Quý, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết đây là đề án có tính quy mô và sự hoàn chỉnh bậc nhất so với các chương trình giảng dạy trước đây, không những đối với tỉnh Điện Biên mà còn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hiện đội ngũ giáo viên đảm nhận công tác giảng dạy của đề án đã sẵn có trên địa bàn với trên 1.500 giáo viên dân tộc Thái, gần 200 giáo viên dân tộc Mông.

Trước đây, trong các giai đoạn 1996-2000 và 2001-2005, tỉnh Điện Biên cũng đã triển khai thí điểm dạy chữ Thái, Mông trong các trường tiểu học cho gần 4.500 học sinh tại 4 huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên và Điện Biên Đông./.

Theo TTXVN


 

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục