Trước khi vĩnh biệt chồng để các bác sĩ đưa anh Ninh vào phòng phẫu thuật, chị Kiều chạm khẽ vào tay chồng và nói như thể anh còn nghe thấy: "Em không biết việc làm của em là đúng hay sai. Em không biết anh có giận em không? Nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại! Anh ra đi… Nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao…!".


Lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) trao thẻ Bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh ban đầu tặng thân nhân Thiếu tá Lê Hải Ninh. Ảnh: Ðức Thuấn

Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) vừa thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam... Tham dự lễ tôn vinh người bệnh và gia đình người bệnh hiến tạng, ai cũng cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của người bệnh và gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh. Thiếu tá Lê Hải Ninh, 45 tuổi, quê ở huyện Yên Mô (Ninh Bình), được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ngày 23-2 vừa qua, với chẩn đoán: Trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết lưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Người bệnh tuy đã được hồi sức và điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện hội chẩn và kết luận người bệnh đã chết não. Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, với suy nghĩ muốn anh Ninh ra đi thanh thản bằng một việc làm ý nghĩa, vợ anh - chị Tạ Thị Kiều, đã thống nhất với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần.

Nhờ quyết định nêu trên, ngày 26-2 vừa qua, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã triển khai thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam cho người bệnh Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964, quê ở huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh), chẩn đoán suy hô hấp nặng, do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Ðồng thời đây cũng là trường hợp lấy-ghép đa tạng, điều phối vận chuyển và ghép đa tạng xuyên Việt lịch sử cho sáu người bệnh tại ba bệnh viện ở hai miền nam - bắc. Trong đó, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiến hành ca ghép phổi cho người bệnh suy hô hấp nặng nêu trên, ghép một thận cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối và ghép một giác mạc cho một người bệnh bị loét thủng giác mạc; chuyển một giác mạc ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Ðồng thời, điều phối lấy tim và thận ghép cho một người bệnh suy tim giai đoạn cuối và một thận ghép cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện, cả sáu người tiến hành ghép tạng từ người cho là anh Ninh, sức khỏe đều ổn định, dần bình phục, được cứu sống một cách kỳ diệu. Câu chuyện về tấm lòng nhân ái của người bệnh và gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh khiến hàng triệu trái tim lay động.

Ca hiến và ghép tạng nêu trên thành công, không chỉ là vấn đề kỹ thuật của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và các bệnh viện, mà còn có sự đồng thuận, hy sinh cao đẹp của người thân trong gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh. Ðược biết, khi còn sống, Thiếu tá Ninh là một quân nhân mẫu mực, trách nhiệm, hết lòng vì công việc... được đồng đội, gia đình và mọi người yêu mến. Khi mất đi, Thiếu tá Lê Hải Ninh vẫn là tấm gương sáng về lòng nhân ái, yêu thương đồng đội, yêu thương mọi người. Dẫu biết rằng, chết có nghĩa là hết nhưng sẽ đẹp biết bao nếu từ cái chết đó, sự sống khác lại tiếp tục hồi sinh.

Phát biểu ý kiến tri ân tại Lễ tôn vinh người bệnh và gia đình người bệnh hiến tạng-Thiếu tá Lê Hải Ninh, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, xúc động bày tỏ: Chúng ta vui mừng trước thành công của những ca ghép tạng vừa qua. Nhưng từ sâu thẳm trong trái tim những người thầy thuốc chúng tôi, cùng các quý vị đại biểu ngồi đây, xin được bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Thiếu tá Lê Hải Ninh; thật sự ngưỡng mộ nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của đồng chí cùng gia đình. Với quan điểm tiến bộ, nhân văn và nghĩa cử cao đẹp: "Cho đi là còn lại" và "Chết không phải là dấu chấm hết, mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài". Thiếu tá Lê Hải Ninh mất đi, nhưng đã cứu sống được sáu người khác, trong đó có hai đồng đội của mình (một đại tá và một trung tá). Tôi tin rằng, từ hành động cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình là tấm gương sáng về sự hy sinh cao cả; là động lực làm lan tỏa tới hàng triệu trái tim và khắp cộng đồng xã hội về tình yêu thương, trách nhiệm của mỗi người dân nói chung, của mỗi quân nhân nói riêng đối với gia đình, đồng đội và toàn xã hội.

Trước nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình, tại buổi lễ tri ân, tôn vinh anh cùng gia đình, Bộ trưởng Y tế đã truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho Thiếu tá Lê Hải Ninh; Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 trao thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh ban đầu tặng thân nhân Thiếu tá Ninh; trao bản cam kết tuyển dụng con Thiếu tá Ninh vào làm việc tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, nếu sau này các con anh Ninh theo sự nghiệp y khoa và có nguyện vọng vào làm việc tại bệnh viện.

Con chúng tôi mất đi là tổn thất lớn đối với gia đình. Trong tâm tưởng gia đình chúng tôi luôn day dứt và nỗi buồn khôn nguôi. Nhưng việc các y, bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và các bệnh viện tiến hành ghép tạng cho các người bệnh từ nội tạng con chúng tôi thành công, cũng là niềm an ủi, động viên và niềm tự hào của gia đình chúng tôi. Gia đình chúng tôi hiểu rằng, sự cho đi sẽ còn mãi mãi. Ðồng thời mong muốn, thời gian tới, phong trào hiến tạng trong xã hội sẽ tiếp tục được nhân rộng. Bởi, hiện vẫn còn nhiều người bệnh rất cần được ghép tạng để có cơ hội được sống…!"- Ông Lê Xuân Cựu, bố đẻ Thiếu tá Lê Hải Ninh, xúc động tâm sự.

 

                                                                       TheoNhandan

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục