Ngày 6/4, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1728/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.


Tiêm vaccine tại Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình do Cục Quản lý Dược chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong tháng 5/2023.

Đồng thời, Bộ giao Cục Quản lý Dược phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc việc báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình của các địa phương vào hàng năm; phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị liên quan tổ chức sơ kết đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình vào tháng 12/2025 và tháng 12/2030.

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về Dược, Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine nhất là đối với vaccine phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vaccine mới chưa có tại Việt Nam; các vaccine phối hợp; vaccine phòng các bệnh chưa được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Cục Quản lý Dược phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành, cung ứng vaccine trong giai đoạn 2023 - 2025. Vụ Kế hoạch và Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm vaccine trong giai đoạn 2023 - 2025. Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến sử dụng vaccine trong giai đoạn 2023 - 2025.

Liên quan đến công tác triển khai ứng dụng công nghệ mới, hợp tác quốc tế, Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và đào tạo phối hợp với Cục Quản lý Dược; Cục Y tế dự phòng; Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (NICVB); các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến bên cạnh công nghệ truyền thống để phục vụ sản xuất vaccine phòng bệnh ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần và các vaccine khác đáp ứng nhu cầu cho phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn 2023 - 2025. Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tiếp cận thông tin, mở rộng, phát huy quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, sản xuất vaccine trong giai đoạn 2023 - 2025.

Về công tác phát triển nguồn nhân lực, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo được giao phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế; cơ sở nghiên cứu, sản xuất và các đơn vị liên quan ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vaccine; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia ở trong nước và ở nước ngoài về nghiên cứu sản xuất vaccine trong giai đoạn 2023-2030.

Đơn vị chủ trì được giao nhiệm vụ có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/1 hàng năm. Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, định kỳ báo cáo Bộ Y tế kết quả triển khai Kế hoạch trước ngày 15/3 hàng năm.

Việc lập kế hoạch để triển khai các nội dung được phân công cho các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu tại Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ do các đơn vị chủ động thực hiện.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục