Trong sách vở y khoa nói chung và đông y nói riêng chưa hề nhắc đến loài dinh rắn có sừng

Báo Người Lao Động ngày 11-1 đã thông tin việc ông Trần Đức Thịnh (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành - Tiền Giang), đang lưu giữ một cái sừng được cho là sừng dinh rắn có tác dụng giải độc do rắn hoặc bò cạp, rết cắn. Trước đó, có tin ông Bùi Thanh T. (An Giang) và Nguyễn Thái B. (TPHCM) cũng có mẫu sừng dinh rắn cứu được nhiều người bị rắn cắn.


Thật hoang đường


Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã trao đổi với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, phụ trách phòng khám đông y Tuệ Lãn (TPHCM) và được ông khẳng định là cho đến nay chưa có sách vở,  công trình nghiên cứu nào nói về việc dùng sừng dinh rắn để hút độc.

Do đó, mẫu sừng này có thể là sừng của một loài sơn dương (dê núi). Khả năng “dinh” là tiếng nói trại của từ “dương” (dê), cùng sự ngộ nhận về loài dinh rắn chỉ có trong huyền thoại.


Quan điểm của lương y Nguyễn Đức Nghĩa là nếu sừng dinh rắn quý hiếm như thế tất sẽ khó được ứng dụng rộng rãi trong việc chữa rắn cắn.

Việc dùng sừng này chữa thành công cho người bị rắn cắn có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, do nạn nhân được cứu chữa kịp thời hoặc do ngộ độc không đến mức quá nguy hiểm.

Vì bị rắn độc cắn mà can thiệp muộn thì chỉ khoảng một giờ trở lên là đã khó cứu được, nạn nhân có thể bị bầm tím, phù nề, thậm chí hoại tử tùy theo mức độ nguy hiểm của từng trường hợp.


Phóng viên Báo NLĐ đang được ông Trần Đức Thịnh cho xem cái gọi là “sừng dinh rắn”. Ảnh: M. Sơn


Nọc độc rắn có mức độ nguy hiểm khác nhau tùy loại rắn, tuổi rắn, thời gian cắn, rắn đực có nọc độc khác rắn cái cùng loại, một con rắn cắn nhiều người cùng lúc nọc độc sẽ khác khi nó cắn một người; chưa kể sức khỏe, thể trạng của nạn nhân cũng phản ứng khác nhau với cùng nọc độc một con rắn.

Vì vậy, mỗi trường hợp bị rắn cắn phải có phương thuốc riêng chứ không thể dùng một thứ mà xử lý được hết mọi trường hợp. Bởi thế, nói sừng dinh rắn tồn tại và hút được nọc độc của tất cả các loài rắn thì thật hoang đường.


Không phải  “làm phép” là được


Trong đông y có áp dụng việc dùng sừng của các loài động vật để hút độc do bị rắn hoặc rết, bò cạp cắn . Cố GS-TS Đỗ Tất Lợi sinh thời cũng khuyến khích việc dùng các loại sừng, đặc biệt là sừng trâu trong cứu chữa bệnh nhân nhiễm độc.

Tuy nhiên, việc dùng sừng để giải độc không đơn giản là “làm phép” bằng cách đặt sừng lên vết thương mà phải được mài thành bột, có thể pha với nước để uống.


Một số lương y khác cũng cho biết cái sừng ông Thịnh đang có rất giống sừng dê núi. Còn những cái khác nữa mà nhiều người dùng để hút độc rắn, trong đó có cả thứ gọi là sừng dinh rắn thì có thể là cách gọi khác của cục nọc mà đông y dùng để chữa trị rắn độc, bò cạp, rết cắn.

Cục nọc là sừng dê, nai hoặc đầu mút sừng hươu... cắt khúc nhỏ, bọc đất sét rồi đốt 12 giờ trong trấu, tẩm phèn xanh sau khi để nguội rồi bọc đất sét đốt thêm 6 giờ. Khi sử dụng, thầy thuốc lấy dao khía vết thương cho máu chảy ra rồi áp cục nọc vào. Khi cục nọc no máu rơi ra thì cũng là lúc nọc độc đã ra. Cục nọc sau khi dùng xong được ngâm qua rượu rồi phơi khô để dùng lần khác.


Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM, đồng ý với lý giải trên và nói rõ thêm là ông cũng đã từng áp dụng nhưng không có gì là thần bí cả, việc cục nọc hút được nọc độc rắn chẳng qua là do những miếng sừng (sừng hươu, nai dùng tốt hơn sừng dê) đã được “luyện” thành một thứ than hoạt tính, rất khô nên nó có sức hút cao khi áp vào vết thương.

Nên điều trị bằng tây y

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, hầu hết các loại sừng như sừng hươu, nai, dê, tê giác, trâu... tính mát, có tác dụng hạ sốt, giải độc, chữa co giật là những triệu chứng thường thấy ở người bị rắn độc cắn.

Tuy nhiên, cách điều trị này thường chỉ áp dụng ở các vùng xa xôi hẻo lánh, dịch vụ y tế chưa phát triển. Còn ngày nay trong việc chữa trị cho nạn nhân bị rắn cắn, tây y làm tốt hơn đông y nhờ phương pháp dùng huyết thanh (truyền nước để thải chất độc ra thận).

Y học tiến bộ cũng phát  hiện sớm các dấu hiệu ở người bị rắn cắn như suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm thận, suy hô hấp.

 

                                                                           Theo NLĐ

Các tin khác


Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục