Thời tiết miền Bắc trở lạnh đột ngột trong những ngày qua làm nhiều trẻ nhỏ, người già đổ bệnh khiến không ít bệnh viện ở TP Hà Nội quá tải. Ít nhất đã có 5 ca tử vong tại bệnh viện và khoảng 10 ca gia đình xin về do bệnh quá nặng

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện (BV) Lão khoa Quốc gia, cho biết nếu như những ngày giáp Tết Nguyên đán, thời tiết ấm áp, lượng bệnh nhân tới khám khá ít thì từ ngày 30 Tết đến nay, do các tỉnh miền Bắc trở lạnh đột ngột khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt. Ngay trong mấy ngày Tết, số bệnh nhân phải vào BV “ăn Tết” đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.


Cấp cứu đột quỵ tăng 30% đến 40%


Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là do viêm đường hô hấp cấp, đau thắt ngực, tim mạch, tiểu đường và xương khớp... Trong số này có nhiều trường hợp nặng, bị viêm phổi dẫn tới suy hô hấp.


Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, trong tổng số bệnh nhân vào cấp cứu, bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) chiếm đến 60%-70%. Bệnh nhân bị đột quỵ tập trung chủ yếu ở những người già trên 70 tuổi, có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, động mạch vành, mỡ máu cao và không được kiểm soát điều trị tốt. Cũng có khá nhiều trường hợp người bệnh dạng này trước đó được quản lý điều trị chặt chẽ nhưng do ngày Tết uống rượu, đi chúc Tết bị nhiễm lạnh nên cũng dẫn đến đột quỵ.


Tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu của BV Lão khoa Quốc gia, thời điểm này số bệnh nhân đang tăng nhanh. Theo bác sĩ Ngô Trọng Toàn, trưởng khoa, so với thời gian trước Tết, số ca bị đột quỵ nhập viện cấp cứu đã tăng 30% đến 40%. Ít nhất đã có 5 ca tử vong tại BV và khoảng 10 ca quá nặng gia đình xin về.

Trong khi đó, tại Viện Tim mạch thuộc BV Bạch Mai, mỗi ngày đang có trên 100 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ. Nhiều bác sĩ bày tỏ lo ngại tình trạng này sẽ còn kéo dài bởi thường số bệnh nhân tăng cao nhất vào cuối mỗi đợt rét.


Mỗi ngày tiếp nhận 1.300 đến 1.500 ca bệnh nhi


Nhiều gia đình ở TP Hà Nội đang phải chạy ngược chạy xuôi lo cho con đi khám bệnh. Chị Nguyệt Ánh ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, than thở: “Thời tiết thay đổi, cậu con trai 10 tháng cứ húng hắng ho. Chiều 30 Tết, vợ chồng tôi tất tả đưa cháu vào BV Nhi Trung ương khám, bác sĩ kết luận viêm phế quản, kê đơn thuốc rồi cho về nhà. Đến đêm mùng 1 Tết, cháu sốt cao hơn 40oC nên cả nhà lại phải vội vàng đưa đi cấp cứu”.


Chính vì lượng bệnh nhi tới khám quá đông trong những ngày qua nên BV Nhi Trung ương đã phải huy động tới 7 phòng khám. Theo bác sĩ Vũ Quý Hợp, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Trung ương, chỉ riêng từ 30 đến mùng 5 Tết, BV này đã phải khám và cấp cứu hơn 2.700 trường hợp, trong đó gần 350 bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Còn thời điểm này, tại các khoa hô hấp, tiêu hóa, tim mạch..., bệnh nhân vẫn đang phải nằm ghép 2-3 người/giường.


Phần lớn các trường hợp điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu BV Lão khoa Quốc gia những ngày vừa qua là do  viêm phổi và đột quỵ



Tại Khoa Khám bệnh của BV Nhi Trung ương, trong hai ngày 22 và 23-2, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.300 - 1.500 ca bệnh. Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng Khoa Khám bệnh, lý do đến khám chủ yếu là các bệnh do thời tiết lạnh gây ra như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi và tiêu chảy do nhiễm virus rota, trong đó 50% trẻ bị các bệnh về đường hô hấp.

Điều đáng nói là có không ít gia đình vì quá lo lắng nên chỉ mới thấy con húng hắng ho đã vội vàng đưa đi suốt cả một quãng đường rất dài, trong thời tiết giá lạnh để tới BV khám. Đây là nguyên nhân khiến trẻ đã bị bệnh sẽ bị nặng thêm.


Các bác sĩ của BV Nhi Trung ương nhận định trong vài ngày tới, khi miền Bắc hết đợt giá lạnh và chuyển sang thời tiết nóng sẽ là yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh cho trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ lưu ý nên cho trẻ ăn uống đủ chất, giữ ấm và giữ môi trường sống trong lành.

 

                                                                                 Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Nắng nóng cao điểm, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải bệnh nhân 

Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục