Người có hội chứng cúm cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Người có hội chứng cúm cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

5/5 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trong năm 2009 đều tử vong. 4 trường hợp mắc cúm A/H5N1 mới được phát hiện chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 2010, trong đó 1 người đã tử vong và 1 trường hợp đang được điều trị tích cực tại BV Bạch Mai. Như vậy, sau một thời gian dài "ngủ quên", sát thủ mang tên H5N1 đã quay trở lại đe dọa sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Virut cúm A/H5N1 ở Việt Nam tiến hóa nhanh và độc lực cao

Tại hội nghị quốc gia về hoạt động phòng chống đại dịch cúm ở người năm 2009, triển khai kế hoạch năm 2010 diễn ra ngày 12/3 tại Hà Nội, TS. Lê Quỳnh Mai, Trưởng khoa Virut, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, qua phân lập hơn 300 virut cúm A/H5N1 trên gia cầm và người bệnh tại VN, các chuyên gia đã phát hiện có ít nhất 7 nhóm kháng nguyên trên virut cúm gia cầm kể từ khi loại virut này có mặt tại nước ta. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được sự đồng tiến hóa của các phân đoạn gen giữa các bộ gen khác nhau của virut cúm, đồng thời cũng phát hiện có sự trao đổi và tích hợp giữa các virut cúm A/H5N1 lưu hành tại VN. Từ năm 2001-2007, đã có 9 kiểu hình gen của loại virut này lưu hành tại VN, trong đó 5 kiểu hình gen mới được phát hiện trong năm 2007 và có biểu hiện của sự trao đổi, tích hợp giữa các kháng nguyên của từng loại gen. Điều đáng lưu ý là, sự pha trộn tích hợp này được phát hiện ngay trên chính đàn gia cầm mắc bệnh tại VN tạo ra dòng virut mới chứ không phải là virut ngoại lai.

Các phân tích về phân tử vật liệu di truyền virut cúm A/H5N1 tại VN cũng cho thấy sự tiến hóa quá nhanh của virut này và đều thuộc chủng độc lực cao, có những sự thay đổi của kháng nguyên làm giảm độ nhạy của thuốc điều trị cúm. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng bởi theo dự đoán của các nhà chuyên môn thì không sớm thì muộn, một loại virut mới có thể xuất hiện từ sự tái tổ hợp của các chủng virut cũ và gây nên một đại dịch với mức độ khó lường.

Tiềm ẩn dịch quay trở lại

Cũng tại hội nghị này, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường nhận định, dịch cúm A/H5N1 trên người có nguy cơ bùng phát trở lại do ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, đặc biệt ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tình trạng giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh. Qua điều tra dịch tễ, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh (khoảng 95%) có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm bị bệnh.

Trong khi đó tình hình dịch cúm trên gia cầm ở nước ta vẫn xuất hiện rải rác. Thông báo của Cục thú y cho thấy, Nghệ An là tỉnh mới nhất ghi nhận dịch cúm trên gia cầm (ngày 28/2) khiến địa phương này phải tiêu hủy hơn 300 con gia cầm và thủy cầm thuộc một hộ chăn nuôi ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Đáng lưu ý, đàn gia cầm này chưa được tiêm phòng vaccin cúm gia cầm.

       Ngày 12/3, Bộ Y tế đã chính thức thông báo về bệnh nhân thứ tư dương tính với virut cúm A/H5N1 từ đầu năm đến nay. Đó là bệnh nhân nữ, 25 tuổi, ở xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 5/3 với triệu chứng sốt 38oC, ho, đau họng, đau đầu, khó thở. Hiện bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại Khoa Điều trị tích cực – BV Bạch Mai. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, từ đầu tháng 3/2010 đến nay, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân có gia cầm ốm/chết rải rác. Ngày 11/3, Viện Vệ sinh dịch tễ TW khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với virut cúm A/H5.

Các chuyên gia cũng lo ngại, với sự tồn tại cùng thời điểm cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 ở người và cúm gia cầm, cùng với thời tiết mùa đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho virut cúm phát triển và dịch lan rộng ra nhiều địa phương. Ông Nga cũng cho biết, cho đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn quyết định chưa dỡ bỏ báo động cấp 6 của đại dịch cúm A/H1N1. Được biết, hiện toàn thế giới đã có 213 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, với 16.226 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn, cùng với cúm A/H1N1 thì khoảng 1 tháng trở đây, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 ở một số nước như Indonesia và Ai Cập. Theo WHO, tính đến cuối tháng 2/2010, toàn cầu đã có 478 người mắc cúm A/H5N1 tại 15 nước với hơn 280 ca tử vong.

Ông Nga nhấn mạnh, với sự tồn tại cùng lúc virut H1N1 và H5N1, đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ về tình hình dịch tễ và tiến hành các nghiên cứu vì nguy cơ kết hợp giữa 2 loại virut này, biến chủng thành virut khác độc lực nguy hiểm hơn là rất cao.

Trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 lan rộng, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo mạnh về các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, người dân phải tuyệt đối thực hiện ăn chín, uống sôi, không sử dụng, tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm. Cùng với đó, đẩy mạnh giám sát dịch cúm gia cầm, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch.

                                                                               Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục