Trẻ bị viêm não được điều trị tại khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Trẻ bị viêm não được điều trị tại khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Đã điều trị hơn 1 tuần nay nhưng bé T.N.T (13 tuổi), ngụ huyện Kưmgar, Đắc Lắc vẫn chưa có dấu hiệu hồi tỉnh. Nằm thiêm thiếp trong cơn hôn mê sâu, bé T. phải thở bằng máy và người cha liên tục phải đặt ống thở cho bé. “Trước khi vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc, cháu đi học bình thường, nhưng bỗng dưng cháu bảo nhức đầu. Vậy là hôm sau lên cơn co giật và hôn mê luôn”, ông Trần Công Giáo, bố bé T., cho biết. Tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, bé T. đã được xác định bị viêm não.

 

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 đang theo dõi bệnh viêm não cho một bệnh nhi. Ảnh: TƯỜNG LÂM

Gia tăng bất thường

Gục đầu bên đứa con trai, ông Giáo nghẹn ngào: “Cháu đang học lớp 7, vẫn khỏe mạnh bình thường. Lâu nay tôi cũng chẳng biết viêm não ở trẻ là gì. Chỉ biết rằng trước khi trở bệnh, cháu bỏ ăn, đau đầu rồi lăn ra hôn mê. Bệnh gì mà nguy hiểm quá”. Cô y tá chăm sóc cháu T. cho biết bệnh tình cháu rất nặng, phải liên tục chạy máy thở và tiên lượng xấu. Cô y tá nói bệnh viện đã tích cực cứu chữa hy vọng cháu bé vượt qua cơn nguy kịch nhưng không ngoại trừ nhiều khả năng bị các biến chứng về sau…

Kế bên giường cháu T. là bé gái 6 tuổi (ngụ Tam Hiệp, Đồng Nai) cũng đang phải thở máy. Đã nhập viện 2 tháng nay và được chẩn đoán mắc viêm màng não, bé gái gần như đã đuối sức sau những ngày triền miên điều trị, vô thuốc. Bà ngoại cháu gái cho biết trước đó cháu bị sốt liên tục, có khi sốt lên tới 40°Cnhưng mẹ cháu cứ tưởng bị sốt cảm hay bị mắc sốt xuất huyết gì đó nên chủ quan không cho đi bệnh viện ngay. Đến khi cháu lừ đừ, có dấu hiệu hôn mê thì đưa đến BV Nhi Đồng Nai và đã được chuyển thẳng lên BV Nhi đồng 1 TPHCM.

Trong căn phòng cấp cứu chưa tới 30m² của khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1, hơn 15 cháu bé phải thở máy và đều rơi vào các bệnh viêm não, viêm màng não. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa, cho biết trong 2 tuần qua bệnh viêm não, viêm màng não gia tăng bất thường về số ca nhập viện. Nếu như ngày 3-4 vừa qua chỉ khoảng 40 cháu thì hôm qua (5-4) đã là 58 cháu.

“Từ sau Tết Canh Dần đến nay số ca liên tục tăng lên. Điều này là bất thường, vì các năm trước mỗi tháng chỉ rải rác vài ca. Nhưng nay thì lên tới hàng chục ca”, BS Khanh nói.

Trong khi đó, BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cũng cho biết mấy tuần qua số trẻ bị bệnh viêm màng não, viêm não cũng tăng lên đáng kể. BS Ngọc cảnh báo bệnh viêm màng não đang vào mùa do thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài…Thông tin từ Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TPHCM hôm qua cũng cho biết đang điều trị hơn 10 cháu bị viêm màng não, viêm não, tăng hơn các tuần trước.

Biến chứng khôn lường

Chỉ mới 13 tháng tuổi, cháu P.N.B.Anh (ngụ huyện Kưjut, tỉnh Đắc Lắc) là một trong số những bé nhỏ tuổi nhất đang phải cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 TPHCM do viêm màng não. Mẹ của bé, chị Phan Thị Mỹ Phượng, cho biết cháu đã nhập viện từ 8 ngày nay nhưng chưa thấy khá hơn. Trước đó, bé Anh nhập BV đa khoa tỉnh Đắc Lắc và được chẩn đoán động kinh do bé có biểu hiện co giật. Tuy nhiên, sau khi chuyển về BV Nhi đồng 1 thì được chẩn đoán viêm màng não.

BS Trương Hữu Khanh cho biết biến chứng thần kinh co giật là một trong những điển hình của bệnh viêm não, viêm màng não. Chính vì vậy, nhiều trường hợp bị mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, thậm chí tàn phế, sống đời sống thực vật.

Hiện BV Nhi đồng 1 đang cấp cứu 7 trường hợp viêm não, viêm màng não bị nặng và nếu không tử vong thì nhiều khả năng bị biến chứng cũng rất nặng nề như ảnh hưởng thần kinh, chậm phát triển trí tuệ…

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm não, viêm màng não được các chuyên gia nhi khoa cảnh báo là do siêu vi (viêm não) và vi trùng (viêm màng não). Tác nhân gây bệnh thường do muỗi chích dẫn đến viêm não Nhật Bản, do ăn uống không đảm bảo vệ sinh gây bệnh lý đường ruột hoặc do viêm tai-mũi-họng không được chữa trị kịp thời.

Đối với viêm màng não, theo BS Khanh, biểu hiện bệnh thường nhức đầu, nôn ói và dẫn đến hôn mê nhưng chậm. Trong khi viêm não gây hôn mê nhanh hơn (khoảng sau 2 ngày bệnh khởi phát) và triệu chứng bệnh là sốt cao, hôn mê, co giật, suy hô hấp…

Để phòng ngừa viêm não, viêm màng não ở trẻ, BS Trần Văn Ngọc khuyến cáo các bậc phụ huynh chú ý chích ngừa cho trẻ khi lên 2 tháng tuổi và chích ngừa viêm não Nhật Bản khi trẻ tròn 12 tháng tuổi. Theo đánh giá của BS Ngọc, việc gia tăng trẻ mắc viêm não, viêm màng não một phần do chưa được chích ngừa đầy đủ. Đồng thời, khi thấy trẻ sốt 1-2 ngày, nôn ói, đau đầu hãy nghĩ đến bệnh viêm màng não, viêm não để nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Đồng thời cần chú ý trẻ bị viêm tai- mũi- họng cần được chữa trị dứt điểm để tránh dẫn đến viêm màng não.

 

                                                                               Theo SGGP

Các tin khác


Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục